Thành tỉ phú nhờ nuôi loài chim lớn nhất hành tinh

Dù có vẻ ngoài 'khổng lồ' đáng sợ, loài chim này thực chất lại chứa đầy 'báu vật' khi thịt, da, lông lẫn trứng của chúng đều có giá trị kinh tế cao.

Năm 1996, Mã Kiến vốn là một doanh nhân làm trong ngành nhà hàng và khách sạn ở Trịnh Trâu, Trung Quốc. Trong một chuyến công tác đến Giang Môn, anh vô tình xem được một bản tin địa phương về cơ hội làm giàu với đà điểu.

Ngay lập tức, anh đã đến trang trại đà điểu ở địa phương để thỏa mãn sự tò mò. Dù đã chuẩn bị tinh thần trước nhưng lần đầu nhìn thấy loài chim cao tới 2 mét, anh cũng không khỏi cảm thấy sợ hãi.

Nhưng điều khiến anh sững sờ hơn cả là giá đà điểu con cao vô cùng ở thời điểm ấy. Một con giá lên đến 10.000 NDT, nếu quy đổi với tỉ giá hiện tại là khoảng 32,6 tỉ đồng, và xét ở những năm 90 thì giá trị còn cao hơn gấp nhiều lần.

Sau đó, Mã Kiến phát hiện trang trại này là nơi duy nhất nuôi đà điểu ở Giang Môn vào thời điểm đó. Anh lập tức biết rằng mình nên chớp lấy cơ hội này để phát tài.

Sau khi học hỏi mọi kỹ thuật chăn nuôi đà điểu từ trang trại ở Giang Môn, Mã Kiến đã trở lại Trịnh Châu. Hai tháng sau, anh dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh trước đó và dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm 2 triệu NDT để xây một trang trại nuôi đà điểu với 24 con đầu tiên.

Nửa năm sau, Mã Kiến đã thành công nhân giống được 50 con đà điểu con. Theo giá của thị trường Trung Quốc lúc đó, số đà điểu con này dự tính có thể mang lại cho anh 500.000 NDT. Tuy nhiên, niềm vui ấy chẳng kéo dài khi “bão tố” bắt đầu ập đến ngay sau đó.

Đà điểu con cứ chết dần mà không rõ lý do. Dù Mã Kiến đã tìm nhiều cách cải thiện song chỉ trong chưa đầy một tháng, toàn bộ 50 đà điểu con đều chết. Trải qua chuyện này, anh đã phải nhờ đến các chuyên gia chăn nuôi và phát hiện ra vấn đề nằm ở tỷ lệ dinh dưỡng trong thức ăn chăn nuôi. Nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia, tỉ lệ tử vong của đà điểu con đã giảm tới 90%.

Bốn năm sau, khi Mã Kiến đã thành thạo mọi kỹ thuật chăn nuôi, chuẩn bị thức ăn và ấp nở đà điểu con thì “giông tố” mới lại nổi lên. Đến những năm 2000, giá đà điểu “tụt dốc không phanh”, chỉ còn 2.000 NDT/con. Đồng thời, ngày càng có nhiều người nuôi đà điểu, thị trường bão hòa và cuối cùng là đà điểu không bán được.

Để hóa giải thế khó, Mã Kiến nghĩ ra một cách: Phát triển thị trường đà điểu theo một hướng khác thông qua công việc kinh doanh cũ của mình. Anh đã vay tiền từ bạn bè và mở một nhà hàng đặc sản chuyên bán các món về đà điểu.

Anh và các đầu bếp đã nghiên cứu và tạo ra 30 món ăn khác nhau từ đà điểu. Nổi bật trong đó là món chân đà điểu nướng bằng than hoa. Một chiếc chân đà điểu nướng có thể bán với giá khoảng 3.000 NDT (9,7 triệu đồng), mang lại doanh thu khoảng 600.000 NDT (1,9 tỉ đồng)/năm.

Đến năm 2001, Mã Kiến tiếp tục thuyết phục nghệ nhân chạm khắc trứng Đinh Hồng Ba hợp tác cùng mình để biến những chiếc vỏ trứng đà điểu bỏ đi thành tác phẩm nghệ thuật. Trước đó, những chiếc vỏ trứng do chính tay nghệ nhân này chạm khắc vốn nổi tiếng với hoa văn sống động như thật và có giá trị sưu tầm rất cao.

Kể từ đó, những vỏ trứng đà điểu độc đáo do nghệ nhân Hồng Ba chạm khắc đã được bày bán trong nhà hàng của Mã Kiến. Giá mỗi quả dao động từ 400 - 10.000 NDT (1,3 - 32,6 triệu đồng). Ngoài vỏ trứng, cả lông và da của đà điểu cũng giúp Mã Kiến “hái ra tiền”. Vị doanh nhân tài ba này đã gửi lông và da đà điểu đến Quảng Châu để gia công thành chổi và túi xách, mang lại thu nhập khoảng 2 triệu NDT (6,5 tỉ đồng)năm.

Năm 2011, đà điểu con có giá thị trường khoảng 700 NDT. Mã Kiến đã bán chúng cho những người nuôi đà điểu với giá thấp hơn giá trị trường 100 NDT, đồng thời cung cấp miễn phí công nghệ chăn nuôi, giúp hơn 30 hộ cùng làm giàu. Năm 2018, Mã Kiến mở rộng ra 2 thị trường khác là Hà Nam và Quảng Đông. Năm 2019, Mã Kiến đã đầu tư 10 triệu NDT (32,6 tỉ đồng) để xây dựng trang trại đà điểu rộng đến 80 mẫu, với mục tiêu thúc đẩy ngành du lịch và văn hóa địa phương.

Hương Nguyễn (Theo baijiahao)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thanh-ti-phu-nho-nuoi-loai-chim-lon-nhat-hanh-tinh-a656594.html