'Thành phố sẽ vươn mình để phát triển mạnh mẽ...'

Chiều 24/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98) với 481/484 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, bằng 97,37% tổng số đại biểu Quốc hội. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2023 và được coi là cơ sở pháp lý, động lực để TPHCM phát triển nhanh, bền vững. Tiếp nhận thông tin trên, đa số người dân TPHCM đều vui mừng, phấn khởi, phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM đã ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này.

TS Đinh Thị Thanh Nga, Trưởng bộ môn Pháp luật hành chính hình sự, Trường Đại học Sài Gòn:

So với Nghị quyết 54, Nghị quyết 98 là một bước phát triển to lớn theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013 về xây dựng chính quyền địa phương phù hợp đặc điểm đặc thù của đô thị lớn nhất cả nước khai thông mọi nguồn lực, tăng tính tự chủ, phân quyền, phân cấp, ủy quyền để tạo điều kiện toàn diện cho TPHCM phát triển. Nghị quyết ngoài việc tiếp tục kế thừa những ưu điểm của cơ chế đặc thù về tổ chức bộ máy chính quyền, chế độ chi trả cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết 54 còn quy định rõ về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm và tổ chức bộ máy TP.Thủ Đức.

Thẩm quyền của chính quyền TP về từng lĩnh vực được xác định rất cụ thể chứ không chung chung, tiêu biểu là một số lĩnh vực quản lý đầu tư, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trước đây chưa được đề cập đến. Thẩm quyền TP trong quản lý đô thị, tài nguyên môi trường cũng được xác định rất rõ ràng trong nội dung quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị xây dựng nhà ở xã hôị̣. Nhiều quyền hạn trước đây thuộc thẩm quyền của TƯ đã được phân quyền, phân cấp cho TP. Sự xuất hiện của quy định cụ thể về hoạt động của HFIC Công ty đầu tư tài chính nhà nước TPHCM là điểm sáng thể hiện tư duy tách bạch giữa quản lý nhà nước và quản trị kinh doanh để TP sử dụng vốn Nhà nước có hiệu quả. Thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) và thẩm quyền của TP trong TOD cũng là nội dung hoàn toàn mới. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân TP cũng được trao quyền chủ động trong áp dụng loại hợp đồng xây dựng chuyển giao BT.

Tóm lại tinh thần trao quyền chủ động phát huy thế mạnh của siêu đô thị thể hiện rất đậm nét tại Nghị quyết 98 với nhiều quyền hạn rất mới và rất cụ thể được trao cho chính quyền TP. Thành phố được quyết định việc thu tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất từ các doanh nghiệp trong khu và chỉ dùng cho mục đích nâng cao tiện ích cho doanh nghiệp và người lao động, không vì mục tiêu lợi nhuận. HĐND TP quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND TPHCM thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị. Thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; UBND TPHCM lắp đặt, quản lý hệ thống điện mặt trời. Quy định về thẩm quyền của chính quyền TP trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, về việc thực hiện chuẩn bị thu hồi đất của một số dự án tại thành phố đã tháo gỡ vướng mắc cơ chế tồn tại trong vấn đề nhạy cảm này. Nghị quyết cũng lần đầu quy định về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố và các nội dung thu hút đầu tư với tinh thần kích thích đầu tư vượt trội so với Luật Đầu tư hiện hành.

Ông Lê Minh Đức - Phó Ban Pháp chế HĐND TPHCM:

Phải nói việc Quốc hội vừa mới thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã tạo ra niềm vui, phấn khởi cho người dân TP. Nghị quyết này giúp TPHCM có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho cả nước, vì cả nước, có điều kiện nâng cao chất lượng sống của người dân lên nữa. Nghị quyết này tạo điều kiện cho TP chủ động hơn trong việc quyết định các dự án đầu tư công bằng ngân sách TP, rút ngắn được giai đoạn thủ tục xin đầu tư, thu hút hấp dẫn nhà đầu tư nhiều hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực sản xuất chíp, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới... mà TP có thế mạnh.

Chẳng hạn, HĐND TP quyết định bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm. Chắc chắn điều này sẽ tạo người dân có nhiều cơ hội việc làm, nhiều gia đình sẽ thoát nghèo. Hay là HĐND TP quyết định và điều chỉnh mức, tỉ lệ thu phí, lệ phí chưa có trong danh mục của Luật Phí, lệ phí (trừ phí, lệ phí tòa án, các loại phí thuộc nguồn thu ngân sách trung ương). Ngân sách TP được hưởng 100% số tăng thu từ các khoản thu do điều chỉnh phí, lệ phí. Từ đây, Ngân sách TP được tăng lên sẽ quay lại đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ thu nhập tăng thêm cho người lao động hưởng lương ngân sách nhà nước.

Về tổ chức bộ máy chính quyền, TPHCM sẽ chủ động hơn trong bố trí các sở ngành, phòng ban, cũng như nhân sự để giải quyết nhanh chóng hơn nữa những việc mà người dân yêu cầu. TPHCM được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND, UBND...; quy định việc HĐND TPHCM thành lập một số ban, phòng ban, văn phòng thuộc TP.Thủ Đức. HĐND TP sẽ thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP; có chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Riêng bộ máy của TP.Thủ Đức, Nghị quyết này đồng ý trao thẩm quyền cho UBND TP.Thủ Đức quyết định phê duyệt dự án, chọn nhà đầu tư với các dự án nhóm B và nhóm C đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)...

TSKH Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TPHCM, đại biểu HĐND TPHCM:

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM vừa được Quốc hội thông qua sẽ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc lâu nay hạn chế sự phát triển của TPHCM. Điểm nổi bật của Nghị quyết về đầu tư, TPHCM được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).Trong đó, sử dụng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, quy hoạch vùng đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt, nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3. Nhìn vào công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Vành đai 3 chúng ta mới triển khai một năm mà đã hoàn thành hơn 90%. Hầu hết các dự án chúng ta đều bị tắc ở điểm này, nay có cơ chế tháo gỡ thì hàng loạt công trình sẽ khởi động trở lại sẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ.

TP đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với dự án lĩnh vực thể thao, văn hóa; y tế, giáo dục - đào tạo. TP được áp dụng loại hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu. Nhưng điểm hay của Nghị quyết cho dùng ngân sách để mua lại công trình, chứ dùng đất để đổi công trình dễ phát sinh tiêu cực. Nghị quyết cũng đề cao tính giám sát cộng đồng, đây là tính đột phá, một khi người dân tham gia cùng chính quyền xây dựng TP sẽ đóng góp nhiều quyết sách, tạo sự được sự đồng thuận mạnh mẽ khi thực hiện chủ trương để đạt hiệu quả. Việc thông qua Nghị quyết là giai đoạn đầu rất quan trọng nhưng việc triển khai càng quan trọng hơn. HĐND và UBND TPHCM chuẩn bị kế hoạch hành động theo chương trình hành động của Thành ủy ngay chứ không như Nghị quyết 54 chúng ta phải loay hoay công tác chuẩn bị mất một thời gian dài.

Nguyễn Cảnh Kiên, người dân Quận 1, TPHCM:

Trong những năm qua, TPHCM đã có một bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội. Nhìn lại 37 năm từ thời điểm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát động công cuộc "Đổi mới", TPHCM cơ bản đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ngoài mong đợi. Cởi bỏ chiếc áo cũ kỹ thời kỳ bao cấp, thành phố mạnh mẽ vươn mình để bứt phá. Có thể thấy diện mạo đô thị đang hiện đại lên từng ngày, đời sống người dân được nâng cao rõ rệt.

Sự phát triển kinh tế - xã hội luôn gắn bó mật thiết cùng sự phát triển của cơ sở hạ tầng đô thị. Nhận thấy được tầm quan trọng này, TPHCM tập trung tối đa mọi nguồn lực, vật lực cùng quyết tâm chính trị cao độ nhằm phát triển các công trình cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược. Hầm vượt sông Sài Gòn; Đại lộ Đông - Tây; cầu Thủ Thiêm 1, 2; tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên... đều là những công trình giao thông đặc thù, quy mô tầm cỡ khu vực. Nếu trước đây để di chuyển từ quận 9 (khu Đông thành phố) vào trung tâm thì mất khoảng 1 giờ đi xe theo tuyến Xa lộ Hà Nội. Nhưng từ năm 2011 đại lộ Đông - Tây đi vào hoạt động thì chỉ mất khoảng hơn 30 phút di chuyển. Hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ đã giúp đời sống cư dân trên địa bàn thành phố trở nên thuận tiện hơn rất nhiều, đồng thời cũng giảm lãng phí một lượng lớn của cải trong xã hội.

Một đô thị đặc thù với quy mô dân số đông nhất, quy mô nền kinh tế lớn nhất, đóng góp nhiều nhất vào GDP quốc gia; TPHCM là trung tâm của kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, hàng đầu của Việt Nam. Vì vậy, để tạo thêm không gian cho TPHCM thỏa sức sáng tạo, linh hoạt phát triển, tăng tính tự chủ và trách nhiệm, Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết tiêu biểu như Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 thành lập chính quyền đô thị thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM hay Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù thiết kế riêng cho TPHCM để thành phố được phát huy vai trò đầu tàu của quốc gia; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng kinh tế tri thức.

QUANG VINH - NGÂN LINH - XUÂN TUẤN (thực hiện)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/thanh-pho-manh-me-vuon-minh-de-but-pha_148904.html