Thành phố Ninh Bình: Tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững gắn với phát triển đô thị

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, cùng với các địa phương khác trong tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Ninh Bình đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới. Nhân dịp thành phố đón bằng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, phóng viên Báo Ninh Bình đã phỏng vấn đồng chí Đinh Văn Thứ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình để hiểu rõ hơn về quá trình phấn đấu thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Ninh Bình.

Thành phố Ninh Bình đang phấn đấu trở thành đô thị loại I. Ảnh: Trường Giang

PV: Thưa đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020- 2025, sau một thời gian triển khai thực hiện, đến nay, thành phố Ninh Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đồng chí cho biết thành phố đã triển khai như thế nào để đạt được kết quả trên?

Đồng chí Đinh Văn Thứ: Thành phố Ninh Bình là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Thành phố có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 11 phường và 3 xã. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Thành ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố đã ban hành hơn 100 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới đối với 3 xã Ninh Tiến, Ninh Nhất, Ninh Phúc.

Trong đó tập trung chỉ đạo: Tổ chức tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn hiểu đúng, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và phát huy vai trò của người dân trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo xuống cơ sở phụ trách địa bàn, thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình, hướng dẫn, đôn đốc các xã tập trung thực hiện theo kế hoạch, hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, định kỳ hằng tháng, hằng quý báo cáo tiến độ với Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố kịp thời chỉ đạo.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, đến nay 3 xã Ninh Tiến, Ninh Nhất, Ninh Phúc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; xã Ninh Phúc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thành phố Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

PV: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới của thành phố?

Đồng chí Đinh Văn Thứ: Thực hiện Đề án của thành phố về đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng 3 xã Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phúc, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã đạt một số kết quả nổi bật, đó là: Cán bộ, nhân dân trên địa bàn đã nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là sự phát triển tổng hợp gắn với nông nghiệp, nông thôn và nông dân, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến an ninh quốc phòng, để từ đó nhân dân tự nguyện chung tay, góp sức cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, người dân tại 3 xã đã đóng góp hơn 316 tỷ đồng để nâng cấp đường, trường, trạm, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn… Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh. Hiện nay, 100% các tuyến đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn và đường ngõ, xóm được nhựa hóa, cứng hóa; các công trình thủy lợi được kiên cố hóa đảm bảo tưới, tiêu nước hợp lý cho các vùng sản xuất nông nghiệp; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 56% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thuần túy sang làm dịch vụ du lịch. Nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho nhân dân như mô hình sản xuất hoa chất lượng cao ở xã Ninh Phúc; mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá ở xã Ninh Nhất, Ninh Tiến; mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch ở xã Ninh Tiến…

Đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao; năm 2021 thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố đạt 65 triệu đồng, tăng 23 triệu đồng so với năm 2017, riêng khu vực nông thôn đạt 56 triệu đồng, tăng 21 triệu đồng so với năm 2017. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến các xã được củng cố, tăng cường.

Đội ngũ cán bộ, công chức các xã được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo, không có điểm nóng; năm 2021, xã Ninh Phúc và xã Ninh Nhất được Bộ trưởng Bộ Công an đưa ra khỏi diện xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.

Hiện nay, 3/3 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 1/3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có 2 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Diện mạo nông thôn mới xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình. Ảnh: Anh Tuấn

PV: Những bài học kinh nghiệm rút ra và mục tiêu mà thành phố Ninh Bình hướng tới đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Đinh Văn Thứ: Để có được kết quả như trên, thành phố Ninh Bình rút ra một số bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện, đó là:

Thứ nhất, xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn với nhiều mục tiêu đề ra rất cao, vì thế phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong quá trình triển khai thực hiện. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện ở các xã, để kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở.

Thứ hai, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa, nhiệm vụ của chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, để từ đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân chung sức, đồng lòng cùng thực hiện.

Thứ ba, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị, tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên; quy tụ được sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân, để hưởng ứng phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Thứ tư, đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới theo phương châm "Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách là cần thiết". Việc huy động và sử dụng các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới phải được phân bổ đến các xã đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng mục đích, đúng đối tượng, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Người dân được tham gia bàn bạc, quyết định theo cơ chế "dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng" và có sự giám sát của Ban giám sát cộng đồng. Chú trọng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ năm, kết hợp xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới với xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, điện chiếu sáng, hệ thống cấp nước, thoát nước, trường học, trạm y tế… theo tiêu chí phường với tầm nhìn cho nhiều năm tiếp theo, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thứ sáu, cần động viên khen thưởng kịp thời những cá nhân, tổ chức tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới nhằm khuyến khích, thúc đẩy phong trào. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng 19/19 tiêu chí đã đạt được với phương châm phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ cảnh quan môi trường, xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững gắn với phát triển đô thị. Phấn đấu trong giai đoạn 2022- 2024 xây dựng 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; từ năm 2024- 2025 đưa 3 xã Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phúc trở thành phường và thành phố Ninh Bình đáp ứng tiêu chí đô thị loại I.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Bảo Yến (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thanh-pho-ninh-binh-tiep-tuc-phan-dau-xay-dung-nong-thon-moi/d2022061308231484.htm