Thành phố Hồ Chí Minh phong tỏa một số công ty do phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới

Ngày 29/6, Thành phố Hồ Chí Minh phong tỏa 1 Công ty có địa chỉ số 42, đường Ung Văn Khiêm và Nhà máy Công ty Nidec Sankyo ở Khu công nghệ cao, thành phố Thủ Đức do phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới.

Ngày 29/6, đại diện lãnh đạo UBND phường 25, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, 20 nhân viên Công ty có địa chỉ số 42, đường Ung Văn Khiêm đã nhiễm COVID-19. Hiện chính quyền đã phong tỏa toàn bộ khuôn viên hẻm 42 và công ty.

Trước đó, một nhân viên làm tại công ty có dấu hiệu ho, sốt và làm xét nghiệm, kết quả test nhanh dương tính với COVID-19. Sáng 28/6, 81 nhân viên công ty liên hệ Bệnh viện FV, thuê xe tới bệnh viện xét nghiệm. Kết quả xác định có tất cả 20 ca dương tính. Tất cả đều không có triệu chứng.

Các trường hợp mắc COVID-19 này cư trú tại nhiều quận trên địa bàn như quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, thành phố Thủ Đức... Những người ở trong tòa nhà công ty đã được cách ly tại chỗ, không được rời khỏi vị trí. Đồng thời, vận động người từng đến công ty này từ ngày 14/6 đến 29/6 khai báo cơ quan y tế để lấy mẫu xét nghiệm.

Công nhân của Công ty Nidec Sankyo được lấy mẫu xét nghiệm, chiều 29/6. Ảnh: Quỳnh Trần.

Công nhân của Công ty Nidec Sankyo được lấy mẫu xét nghiệm, chiều 29/6. Ảnh: Quỳnh Trần.

Chiều cùng ngày, Nhà máy Công ty Nidec Sankyo ở Khu công nghệ cao, thành phố Thủ Đức, bị chính quyền phong tỏa do phát hiện một ca nghi nhiễm, 2.800 công nhân phải ở lại công ty.

Ca nghi nhiễm được phát hiện chiều qua, sau khi người này khám bệnh tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông. Công ty phối hợp ngành y tế khoanh vùng, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm cho 2.800 công nhân làm việc ca ngày. Những lao động làm ca đêm được yêu cầu cách ly tại nhà để y tế tới lấy mẫu.

Thành phố Hồ Chí Minh có 1,6 triệu công nhân và lao động, trong đó 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và một khu công nghệ cao hơn 320.000 người. Thời gian qua, các nhà máy ở khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), Tân Phú Trung (Củ Chi), Tân Thuận (quận 7) ghi nhận nhiều ca nhiễm, một số nhà máy bị phong tỏa, ngừng sản xuất.

Tính đến trưa 29/6, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 3.548 ca COVID-19, xếp thứ hai về tổng số ca trong đợt dịch thứ 4, chỉ sau Bắc Giang (5.667 ca).

UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Y tế, Thành Đoàn, HCDC đảm bảo hoạt động cho tổ công tác, tăng cường lực lượng dự phòng theo yêu cầu của các địa phương. (Ảnh: Chi Mai)

UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Y tế, Thành Đoàn, HCDC đảm bảo hoạt động cho tổ công tác, tăng cường lực lượng dự phòng theo yêu cầu của các địa phương. (Ảnh: Chi Mai)

Nhằm hỗ trợ TP. Thủ Đức và các quận huyện trong TP. Hồ Chí Minh triển khai các hoạt động phòng chống dịch, UBND TP. Hồ Chí Minh đã thành lập 22 tổ công tác đặc biệt phòng chống dịch COVID-19.Thành phần gồm có đại diện Sở Y tế làm tổ trưởng, chịu trách nhiệm chung về hoạt động của tổ và trách nhiệm chính về chuyên môn phòng chống dịch bệnh. Đại diện Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh là Tổ phó, chịu trách nhiệm huy động lực lượng hỗ trợ cho Tổ công tác.

Thành viên của Tổ gồm nhân viên Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC), sinh viên các trường Đại học Y trên địa bàn Thành phố và lực lượng đoàn viên thanh niên.

UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Y tế, Thành Đoàn, HCDC đảm bảo hoạt động cho tổ công tác, tăng cường lực lượng dự phòng theo yêu cầu của các địa phương.

UBND TP. Hồ Chí Minh cũng giao Sở Giao thông vận tải hỗ trợ Sở Y tế trong việc vận chuyển nhân sự của Tổ công tác khi có yêu cầu.

Trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều ca bệnh lây lan từ các chợ đầu mối và chợ truyền thống, trong những ngày này, nhiều chợ trên địa bàn Thành phố đã tạm đóng cửa để phòng dịch.

Trưa cùng ngày, UBND phường Linh Đông, TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) đã ra thông báo tạm ngưng hoạt động chợ Tam Hà để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trước đó, ngày 27/6, lực lượng chức năng đã tạm thời đóng cửa chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) và chợ Hòa Hưng (quận 10). Ngoài ra, chợ Thái Bình, chợ Dân Sinh (quận 1), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chợ Phạm Thế Hiển (quận 8), chợ Khu phố 2 (quận Bình Tân)... cũng đã tạm đóng cửa vì liên quan đến ca mắc COVID-19.

Tối ngày 28/6, lãnh đạo UBND phường Tam Bình (TP. Thủ Đức) cũng thông báo tạm ngưng hoạt động chợ Tam Bình, tại khu phố 3, phường Tam Bình.

Cùng ngày, một trong 3 chợ đầu mối lớn nhất TP. Hồ Chí Minh là chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn) phải tạm ngừng hoạt động trong 7 ngày. Tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) cũng phải tạm ngưng một số khu vực tại chợ để tiến hành phun khử khuẩn.

Ngoài 2 chợ đầu mối này, trên địa bàn Thành phố, nhiều chợ truyền thống cũng phải tạm ngưng hoạt động do liên quan ca mắc COVID-19. Chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú) phong tỏa từ ngày 22/6 khi ghi nhận hàng chục trường hợp mắc COVID-19 là tiểu thương và người dân sống gần chợ. Chuỗi lây nhiễm tại chợ Sơn Kỳ có liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại chợ đầu mối Hóc Môn./.

Chi Mai

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/thanh-pho-ho-chi-minh-phong-toa-mot-so-cong-ty-do-phat-hien-ca-nhiem-covid-19-moi-584246.html