Thành phố Hồ Chí Minh: Nhộn nhịp phố nghề - làng nghề lồng đèn Trung thu

Trước mỗi dịp Trung thu, làng nghề lồng đèn Phú Bình (phường 5, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh) lại nhộn nhịp những chuyến xe chở hàng tỏa đi khắp các tỉnh, thành phía Nam. Từ nhiều năm trước, đèn lồng Phú Bình đã là món đồ chơi không thể thiếu trên con phố Lương Nhữ Học (phường 11, quận 5), góp phần biến con phố này trở thành 'thiên đường lồng đèn' và thu hút du khách nhiều lứa tuổi...

Nhộn nhịp phố lồng đèn Lương Nhữ Học.

“Thiên đường lồng đèn”

Năm nào cũng vậy, ngay từ những ngày đầu tháng Tám âm lịch, tuyến phố Lương Nhữ Học đã nhộn nhịp thu hút du khách mọi lứa tuổi đến tham quan, chụp ảnh và mua sắm đồ chơi Trung thu. Con phố như khoác tấm áo mới nhờ hàng chục loại lồng đèn lớn, nhỏ lung linh tỏa sáng trước các cửa hàng. Bà Nguyễn Thị Kim Dung (65 tuổi) vừa tự tay lựa đèn vừa chia sẻ: “Tôi có thói quen không thể bỏ là năm nào cũng mua đèn lồng cho các cháu. Gần tới Trung thu, cả nhà tôi sẽ cùng ra phố lồng đèn để tận hưởng không khí vui vẻ tại đây”.

Có thể thấy, các sản phẩm đồ chơi Trung thu năm nay khá đa dạng về kích cỡ, phong phú về mẫu mã với đèn ông sao, đèn cá chép, đèn bươm bướm, đèn con thỏ... Ông Trần Phú (70 tuổi), tiểu thương phố đèn lồng Lương Nhữ Học cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hàng ngoại nhập năm nay không nhiều. Mặt hàng được tìm mua nhiều là đèn lồng Phú Bình truyền thống với mẫu mã phong phú, đa dạng, giá cả phải chăng”.

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách, người nhiều năm gắn bó với làng nghề Phú Bình cho biết: Cách đây hơn 50 năm, nhiều người dân làng Báo Đáp (thuộc xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đã di cư vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp bằng nghề làm đèn lồng Trung thu truyền thống, từ đó hình thành nên làng nghề Phú Bình. Khác với làng Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) chuyên làm đèn ông sao hay làng Đàn Viên (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) chỉ làm đèn kéo quân, đèn lồng Phú Bình có mẫu mã đa dạng với nhiều hình thù con giống khác nhau. Đặc điểm nổi bật của đèn lồng Phú Bình là được làm từ giấy bóng kính, trang trí cầu kỳ, mang đậm tinh thần và bản sắc văn hóa Việt.

“Đặc biệt, đèn lồng Phú Bình có độ bền cao do hệ thống kết cấu “xương” được lắp ghép khoa học, vì vậy, các con giống - đèn lồng có thể chuyển động nhờ vận dụng những quy luật vật lý thông minh của người xưa”, nhà nghiên cứu Trịnh Bách cho biết.

Khai thác du lịch từ truyền thống

Những năm 1990 là thời điểm cực thịnh của làng nghề lồng đèn Phú Bình với hơn 100 hộ chuyên sản xuất đèn lồng phục vụ Tết Trung thu. Trải qua bao thăng trầm, làng nghề hiện đứng trước nguy cơ mai một khi chỉ còn chưa tới chục hộ còn gắn bó với nghề. Nghệ nhân Nguyễn Trọng Thành cho biết: “Mặc dù nghề này không mang lại thu nhập ổn định thường xuyên nhưng chúng tôi sẽ khắc phục khó khăn để giữ gìn nghề truyền thống của cha ông”.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông marketing Công ty du lịch TST Travel cho rằng, Phú Bình có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, tuy nhiên, chưa được địa phương quan tâm đầu tư tương xứng. Trong khi đó, phố lồng đèn Lương Nhữ Học đã rất nhạy bén khi thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chụp hình, mua hàng...

Theo chia sẻ của một cán bộ quận 5, thời gian qua, quận đã đưa vào quản lý và phát triển 4 tuyến phố chuyên doanh gồm phố Đông y, phố vàng bạc trang sức, phố thời trang và phố lồng đèn thời vụ Trung thu. Đơn vị này cũng đang khảo sát để chọn khu vực chợ Phùng Hưng làm phố ẩm thực; cải tạo lại công viên Văn Lang, Trung tâm thương mại The Garden Mall nhằm đa dạng hóa sản phẩm, thu hút khách du lịch đến với quận ngày một nhiều hơn.

Bà Trần Phương Linh, Giám đốc truyền thông Công ty BenThanh Tourist cho rằng, phố lồng đèn Lương Nhữ Học từ lâu đã thu hút người dân và du khách như một nét đặc trưng văn hóa. “Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp du lịch xây dựng tour đưa khách đến đây. Để trở thành điểm đến thu hút khách du lịch, cần bố trí không gian cho khách trải nghiệm làm lồng đèn và mang về những sản phẩm do chính họ làm ra. Bên cạnh đó, quận 5 và quận 11 có thể cùng nhau xây dựng một tour chung, bao gồm tham quan làng nghề Phú Bình, phố lồng đèn Lương Nhữ Học kết hợp với khám phá ẩm thực đặc trưng của người Hoa tại khu vực này. Sự giao lưu văn hóa giữa cộng đồng với du khách sẽ tạo nên sức hấp dẫn đặc trưng cho sản phẩm tour”.

Việc khai thác các giá trị truyền thống để phát triển du lịch không còn quá xa lạ, đặc biệt với trường hợp của làng nghề Phú Bình và phố lồng đèn Lương Nhữ Học. Nếu làm được điều đó, đây sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn của thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại.

Bài và ảnh: Minh Hoàng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/979708/thanh-pho-ho-chi-minh-nhon-nhip-pho-nghe---lang-nghe-long-den-trung-thu