Thành phố Hồ Chí Minh 100 điều thú vị

Trong 100 điều thú vị của TPHCM đón chào năm mới 2024, Chuỗi Bảo tàng và Di tích Biệt động Sài Gòn được bình chọn đến 3 điều. Đặc biệt, 'Biệt động Sài Gòn' đứng đầu 'Chương trình tham quan TPHCM thú vị'. Đây là niềm vui, vinh dự lớn đối với gia đình anh Trần Vũ Bình khi nhận được tình cảm đặc biệt từ người dân thành phố, cùng sự yêu thích của du khách…

BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN - 3 ĐIỀU THÚ VỊ

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM ngày đầu năm 2024, anh Trần Vũ Bình - con trai Anh hùng LLVT Trần Văn Lai (tự Mai Hồng Quế), phấn khởi: Chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị” được Sở Du lịch TPHCM tổ chức công bố ngày 03/12/2023. Chương trình được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng đánh giá cao, tin tưởng đây là một điểm sáng của ngành du lịch TP dịp cuối năm 2003, chào đón năm mới 2024, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh điểm đến của thành phố mang tên Bác.

Tại lễ công bố, Chuỗi Bảo tàng và Di tích Biệt động Sài Gòn được vinh danh ở 3 hạng mục. Trong đó, Biệt động Sài Gòn đứng đầu hạng mục “Chương trình tham quan TPHCM thú vị”; Hệ thống Di tích Biệt động Sài Gòn được bình chọn trong hạng mục “Điểm tham quan thú vị” và Cà phê Đỗ Phủ được bình chọn trong hạng mục “Quán cà phê thú vị”.

Gia đình anh Trần Vũ Bình trước Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Anh Trần Vũ Bình cho biết, suốt hơn 30 năm qua, anh và gia đình, trong đó có người mẹ đáng kính - bà Đặng Thị Thiệp (Đặng Thị Tuyết Mai, cũng là nữ chiến sĩ Biệt động), đã bỏ bao công sức, tiền của để phục dựng lại nhiều căn cứ của lực lượng Biệt động Sài Gòn cũng như dày công sưu tầm những kỷ vật, hình ảnh, câu chuyện, cuộc đời của các chiến sĩ Biệt động. Những tâm huyết của anh và gia đình đã mang lại kết quả bước đầu rất đáng trân trọng. Đến nay, có gần 10 căn cứ hoàn tất việc phục dựng, hình thành chuỗi Bảo tàng và Di tích Biệt động Sài Gòn được người dân thành phố cũng như du khách trong và ngoài nước biết đến. Mới nhất là Garage Biệt động Sài Gòn tại số 499/20 Cách Mạng Tháng Tám, P13Q10, TPHCM.

Đại tá Trần Đức Thơ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định (gọi tắt là CLB), cho biết: “Đây là một cơ sở cách mạng của Biệt động Sài Gòn, hiện CLB đã hoàn tất hồ sơ, thủ tục để được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa. Chúng tôi tin tưởng, TPHCM sẽ có thêm “địa chỉ đỏ”, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta…”.

Niềm vui của anh Bình và gia đình tăng gấp bội khi Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải, Q1) đã được Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cấp phép hoạt động vào ngày 21/6/2023. Giám đốc Bảo tàng Trần Trọng Nghĩa là con trai của anh Bình, tuổi đời còn trẻ nhưng rất tâm huyết, giống như bố.

Đại tá Trần Đức Thơ bày tỏ sự phấn khởi: “Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định cùng với hệ thống các bảo tàng trên địa bàn TPHCM, đặc biệt là các bảo tàng về chiến tranh cách mạng sẽ góp phần tích cực vào việc giáo dục lịch sử một cách sinh động đối với thế hệ trẻ, cùng đông đảo công chúng. Bảo tàng hướng đến mục tiêu bảo tồn giá trị di sản văn hóa “yêu nước, mưu trí, sáng tạo, kiên trung, bất khuất” của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Bảo tàng sẽ trở thành điểm tham quan du lịch trong bản đồ du lịch của TP”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi bà Đặng Thị Thiệp (vợ Anh hùng LLVT Trần Văn Lai), ngày 30/01/2018

THEO DẤU CHÂN BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN”

Trong chuỗi Bảo tàng và Di tích Biệt động Sài Gòn được phục dựng, có 3 điểm thu hút đông đảo du khách. Đó là Hộp thư bí mật và Hầm nổi của lực lượng Biệt động Sài Gòn (số 113A Đặng Dung, Q1); Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968 và Hầm phục dựng trú ém quân (số 287/70-72 Nguyễn Đình Chiểu, Q3) và Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Anh Trần Vũ Bình cho biết, cả 3 điểm trên đều nằm trong tour du lịch “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn”, được Sở Du lịch TPHCM, CLB, Công ty lữ hành Saigontourist và Vietravel tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), đến nay vẫn thu hút rất đông du khách. Tour du lịch nhằm gợi lại một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, thông qua giới thiệu các hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn “xuất quỷ nhập thần”. Tour này còn giới thiệu đến bạn bè khắp nơi trên thế giới về người dân Việt Nam có truyền thống yêu nước, yêu chuộng hòa bình.

Trong tour du lịch “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn”, du khách có dịp thưởng thức hai món cơm tấm Đại Hàn và cà phê Đỗ Phủ (thường gọi “cà phê vợt” hay “cà phê biệt động”) tại 113A Đặng Dung, Q1, vừa được vinh danh trong 100 điều thú vị của TPHCM. Anh Bình giới thiệu cà phê Đỗ Phủ: Đây là loại cà phê từ gốc Sài Gòn xưa, được pha với một chút bơ Bretel của Pháp. Loại bơ này sẽ không tan nếu bỏ trực tiếp vào cà phê. Do đó, người Sài Gòn xưa đã nghĩ ra cách quét lớp bơ nằm bên dưới phin lọc. Khi cà phê theo nước sôi nhỏ xuống ly, đồng thời cũng làm cho bơ tan chảy, hòa quyện vào ly cà phê (có thể pha thêm sữa đặc). Cà phê bơ pha xong, dùng bánh cháo quẩy chấm ăn, sau đó mới thưởng thức hương vị cà phê còn lại trong ly. Chỉ một ly cà phê đã thể hiện sự độc đáo, đa văn hóa của Sài Gòn xưa. Không chỉ tận hưởng cơm tấm và cà phê với hương vị đặc trưng của Sài Gòn xưa, du khách còn được nghe kể những câu chuyện lịch sử sống động, hấp dẫn.

Anh Trần Vũ Bình và hai con trai thuyết minh cho Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên các hiện vật tại bảo tàng

Trong những ngày Tết đến xuân về, anh Bình bày tỏ niềm vui và tự hào vì đã có thế hệ thứ tư tiếp nối: “Sáng kiến tổ chức tour tham quan chuỗi Bảo tàng và Di tích Biệt động Sài Gòn của cháu Trần Trọng Nghĩa (SN 2001). Ý tưởng “Bảo tàng thông minh về Biệt động Sài Gòn cũng do Nghĩa đưa ra, đã được triển khai tại di tích 145 Trần Quang Khải. Năm 17 tuổi, Nghĩa đã đứng trước du khách thuyết minh về các căn hầm bí mật do chính ông nội mình (Anh hùng LLVT Trần Văn Lai) thiết kế trong những năm hoạt động cách mạng ngay giữa đô thành Sài Gòn. Vợ chồng tôi rất mừng vì cả con trai út Trần Trọng Nhân (SN 2009) cũng đã tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình. Cả hai cháu đều rất vinh dự được thuyết minh cho nhiều vị lãnh đạo về chuỗi Bảo tàng và Di tích Biệt động Sài Gòn, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên... Hai cháu còn được Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khen ngợi, tiếp tục phát huy, tranh thủ mọi thời gian, cơ hội học thêm ngoại ngữ, chuẩn bị tốt hơn cho tương lai. Đây là niềm vinh dự, khích lệ lớn lao đối với gia đình chúng tôi…”.

Văn Cương

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/thanh-pho-ho-chi-minh-100-dieu-thu-vi_158786.html