Thành phố đẹp không dành cho người khuyết tật

Thành phố luôn được người ta trầm trồ vì những tòa cao ốc chọc trời tráng lệ với những con đường to nhiều làn xe để hướng đến một cuộc sống văn minh và phát triển. Trong hình ảnh ấy, sự phát triển có thể nhận thấy nhưng một đô thị văn minh, nhân văn thì có lẽ chưa, bởi ngay đến cả những con đường dốc dành cho xe lăn, hay nhà vệ sinh, lối đi riêng dành cho nhưũng người khuyết tật hầu như không có. Những chi tiết này chẳng mấy khi có trong đầu những người lành lặn về thể xác, nhưng nếu có tâm hồn lành mạnh, chắc chắn người ta sẽ không bao giờ bỏ qua.

Nỗi mặc cảm là người khuyết tật sẽ luôn đeo bám mọi người khi đi đến đâu, người ta cũng thấy mình bị thiệt thòi và chính những tiện ích công cộng đang “nhắc nhở” họ rằng: Họ luôn cần phải có sự giúp đỡ. Khá nhiều người khuyết tật có ý chí mạnh mẽ, muốn tự lập, tự sống, nhưng chuyện hòa nhập với xã hội ngay từ việc đi đường cũng đã khiến họ tự chán nản với mong ước ấy. Việt Nam có 7 triệu người khuyết tật trên toàn quốc, trong số đó, không ít người vẫn mơ giấc mơ bình đẳng, được đóng góp công sức cho xã hội, không cần sự thương hại, nhưng thật khó.

Bạn N.V.T – người khuyết tật hiện đang theo học tập tại TP.HCM tâm sự, hằng ngày bạn thường được bố chở đi học bằng xe gắn máy vì từ bé bị liệt hai chân: “Bố mình năm nay đã ngoài 50 nên đôi khi sức khỏe không tốt nhưng ngày nào bố cũng phải vất vả cõng mình lên xe và chở mình đến trường. Điều này khiến mình suy nghĩ mãi về một ngày nào đó mình có thể tự mình đến trường bằng xe buýt mà không cần bố hay ai giúp cả”. Nhìn sâu trong đôi mắt ấy là một nỗi niềm của một chàng trai trẻ khát khao sống có ích cho đời và mong muốn được sống tự lập, không phải nhờ mãi đến người cha tần tảo của mình.

Nhìn về những câu chuyện tuy nhỏ của người khuyết tật mới thấy, xã hội vẫn đang quá vô tâm khi chưa tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập được với cuộc sống, đồng thời có được môi trường sống đầy đủ tiện ích, có khả năng thích ứng cao với những điều kiện xung quanh để cùng xây dựng một xã hội phát triển.

Hiện nay,Việt Nam là quốc gia có số người khuyết tật cao trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều này đòi hỏi cần tạo ra những cơ chế, chính sách tạo điều kiện để người khuyết tật có thể hòa nhập và đóng góp cho sự phát triển xã hội. Ngày 22/10/2007,Việt Nam đã tiến hành ký kết CRPD – hiệp định thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của nhà nước dành cho việc đảm bảo những lợi ích cho người khuyết tật tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, dường như các cam kết vẫn chỉ trên giấy.

Khác với người bình thường, những người khuyết tật sẽ có thể gặp vô vàn những khó khăn trong những sinh hoạt hằng ngày, từ việc sử dụng các phương tiện công cộng đến việc tra cứu thông tin trong thư viện hay đơn giản là việc di chuyển bình thường trên đường phố. Việc di chuyển bằng xe lăn, dùng gậy dò đường hay bảng chữ nổi của những người khuyết tật sẽ gặp nhiều bất tiện nếu không có sự trợ giúp của những tiện ích hợp lý khác dành cho họ trong các thư viện, tuyến đường, xe buýt hay các văn phòng, tòa nhà.

Tại Hà Nội, rất hiếm các công trình công cộng như các trung tâm thương mại thiết kế đường lên hay hệ thống thang máy cho người khuyết tật. Điều này cho thấy việc cần khuyến khích và đẩy mạnh đồng bộ hóa những tiện ích để thực sự tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia sinh hoạt bình thường.

Có thể thấy, hầu như tại các tỉnh thành Việt Nam, không có các tuyến đường hỗ trợ cho người khiếm thính tự qua đường, các tòa nhà, trung tâm thương mại khi xây dựng không hề tính toán đến những công trình, khu vực dành riêng cho người khuyết tật – một nhu cầu xã hội tất yếu trong thời đại ngày nay. Và các phương tiện giao thông công cộng không hề hỗ trợ cho người khuyết tật khi tham gia sử dụng. Các tuyến đường trong nội thành thường có sự chênh lệch giữa lòng đường và vỉa hè đến hơn 30cm hay lối vào các trung tâm thương mại lớn như Vincom là những bậc thang cao, sân bay không bố trí nhà vệ sinh dành riêng, các ngã tư không có thiết bị xin đường cho người khiếm thị.

Mục đích cuối cùng của những hỗ trợ đó thực sự là để người khuyết tật tự mình sử dụng một cách hiệu quả, thuận lợi và có một cuộc sống sinh hoạt không cần dựa dẫm hay nhờ vả vào bất cứ ai. Xây dựng cho họ lối sống độc lập để cảm thấy mình vẫn có thể thực hiện những công việc đơn giản, phục vụ cho nhu cầu căn bản hằng ngày của họ. Từ đó, tạo động lực để họ tham gia vào các hoạt động kinh tế- xã hội, có công việc ổn định, đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội.

Cộng đồng những con người khuyết tật luôn sôi nổi với những hoạt động tập thể, các tổ chức, câu lạc bộ ra đời, họ cùng động viên và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Việc khuyến khích sự hòa nhập xã hội của người khuyết tật rất quan trọng, do đó,việc tạo lập nhiều hơn những chương trình, hoạt động giao lưu xã hội miễn phí đối với người khuyết tật tạo cơ hội để mọi người có thể chia sẻ, đồng cảm và cùng nhau tiến về phía trước.

Tại các thành phố thiết kế nhân văn, công trình công cộng đều gắn liền với những tiện ích dành cho người khuyết tật. Họ hoàn toàn có thể tự mình làm mọi việc, kể cả việc tự qua đường, mua sắm trong các siêu thị bằng hệ thống xe lăn điện, đỗ xe tại bãi đỗ dành cho người khuyết tật trong các trung tâm thương mại hay dễ dàng sử dụng xe buýt… Theo quy định về an toàn đô thị, tại Mỹ bắt buộc ở những trung tâm thương mại hay tòa nhà nào nếu có cầu thang bộ đều phải xây dựng kèm theo lối vào dành riêng cho người khuyết tật (đường dốc cho người đi xe lăn) với yêu cầu nghiêm ngặt về tính chống trơn trượt, tấm che, độ dốc, có tay vịn, biển báo nguy hiểm và ánh sáng phù hợp... Đây chính là một trong những kết quả của các cuộc tranh luận, đấu tranh của hội những người khuyết tật gây sức ép đến công trình tư nhân phải có tiêu chuẩn dành cho xe lăn.

Qua đó, ta thấy đằng sau các khẩu hiệu, các lời hứa, để chuyển hóa thành hành động thiết thực cần rất nhiều nỗ lực.

Một thành phố ngập tràn cao ốc, trung tâm mua sắm và các biệt thự sang trọng nhưng thiếu vắng hoàn toàn những tiện ích công cộng dành cho người khuyết tật thì tất cả những phù hoa đó chỉ cho thấy một xã hội giàu có vô cảm. Hà Nội đang ở đâu?

Hà Nhi

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-khong-gian-song/thanh-pho-dep-khong-danh-cho-nguoi-khuyet-tat