Thành lập 'Siêu Ủy ban' quản lý vốn Nhà nước: Có khả thi ?

Dự thảo Nghị định quy định thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (UB) với quy mô vốn và tài sản lên tới gần 130 tỷ US D vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố đang vấp phải sự phản đối của nhiều đại biểu và chuyên gia tài chính. Theo đa số ý kiến, thành lập UB này không khả thi thậm chí nếu xét về lâu dài, hoạt động của UB này sẽ không hiệu quả.

Thành lập “Siêu Ủy ban” quản lý vốn Nhà nước để quản lý nhiều lĩnh vực: xăng dầu, điện, dầu khí, viễn thông… sẽ không hiệu quả trong kế hoạch dài hạn, đây là nhận định của nhiều chuyên gia và đại diện các ban ngành – Ảnh minh họa

Theo đó, 30 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc nhiều lĩnh vực: xăng dầu, điện, dầu khí, viễn thông… đang thuộc sở hữu của nhiều Bộ ngành hiện nay sẽ được chuyển về UB quản lý có thể ảnh hướng đến toàn bộ công cuộc cải cách, thoái vốn DNNN của Việt Nam trong thời gian qua.

Theo nhận định của ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, tuy thành lập UB là thực hiện theo đúng Nghị quyết của Đại hội XII của Đảng, tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng quản lý của cơ quan chủ sở hữu và cũng là để phù hợp với tình hình phát triển mới của đất nước nhưng phải tiến hành xem xét dự thảo một cách chặt chẽ bởi điều này có thể khiến tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước bị chậm lại, thậm chí còn khiến bộ máy hành chính Nhà nước “phình to” hơn.

Ông Tiến phân tích rằng, nếu mô hình UB là một cơ quan quản lý Nhà nước thì sẽ khó tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng quản lý của cơ quan chủ sở hữu. Như vậy, “sẽ không có gì khác so với sự quản lý của Bộ, ngành với các DN hiện nay”, ông Tiến khẳng định.

Xét về bản chất,mô hình của UB này vẫn chưa giải quyết triệt để được việc quản lý hiệu quả đồng vốn của Nhà nước tại DNNN. Cụ thể là hướng đến thành lập cơ quan quản lý vốn, tài sản thống nhất theo Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội.

Bên cạnh đó, nếu hoạt động theo mô hình này, UB sẽ thay mặt cho nhiều Bộ, ngành vừa làm công tác quản lý vừa điều hành sản xuất kinh doanh. “Đây là điều khó có thể thực hiện được bởi cơ quan này không thể có khả năng phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh của 30 tập đoàn, tổng công ty thuộc các ngành nghề khác nhau”, ông Tiến khẳng định thêm.

Thực tế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) 10 năm trước đây cũng chỉ rõ, bên cạnh việc quản lý vốn đầu tư, SCIC làm cả việc quản lý lao động, sản xuất, kinh doanh đã dẫn đến những kết quả không như mong đợi. SCIC chỉ nên và có thể đảm nhận một vai trò là đơn vị quản lý đầu tư (quan tâm việc bảo toàn, gia tăng vốn đầu tư), không nên và cũng không thể “ôm đồm” nhiều việc.

Tương tự với “Siêu ủy ban” này, gánh vác khối lượng công việc cùng chức năng và vai trò quá lớn như trong dự thảo quy định, cơ quan này sẽ phải tuyển thêm người để thực hiện đồng nghĩa với việc làm “phình thêm” bộ máy hành chính trong khi tiền chi hoạt động của cơ quan này lại hoàn toàn là tiền từ ngân sách.

Tinh thần kiến tạo mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cũng đã rõ ràng, phải đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước theo hướng thu gọn lại số lượng DNNN chỉ còn khoảng 200 DN. Trong khi, 30 doanh nghiệp đưa về UB này đều nằm trong diện cổ phần hóa thời gian tới.

Chính vì vậy, ông Tiến khẳng định rằng, xét về lâu dài, tính hiệu quả hoạt động của Ủy ban sẽ không phù hợp thậm chí ảnh hưởng lớn đến quá trình cổ phần hóa DNNN bởi quá trình tách, chuyển giao doanh nghiệp từ Bộ chủ quản về Ủy ban sẽ mất nhiều thời gian. Một số DN có tâm lý không muốn cổ phần hóa sẽ lấy lý do này để chậm trễ.

Vấn đề này cũng đã được thảo luận trong các buổi trò chuyện bên lề Kỳ hợp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng, không có sự khả thi nào khi hình thành “Siêu Ủy ban” này.

Theo quan điểm của ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), không nên tập trung cả quyền lực hành chính lẫn quản lý vốn vào trong một cơ quan như vậy khi Việt Nam đã xác định xóa bỏ chế độ chủ quản, thành lập cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước. “Cơ quan này nên nếu thành lập thì nên được tổ chức theo hình thức Tập đoàn chứ không nên là mô hình Bộ hay Ủy ban của Chính phủ”, ông Lộc khẳng định.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, mô hình “Siêu Ủy ban” là không khả thi bởi nguồn vốn Nhà nước tại DN không nên giao cho nhiều cơ quan mà nên tập trung giao cho cơ quan đang quản lý tài sản vốn nhà nước, đó là Bộ Tài chính. Thất bại của Trung Quốc trong việc thành lập “siêu bộ” đã rõ ràng và Việt Nam không nên học tập hình thức này.

Quỳnh Liên

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thanh-lap-sieu-uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-co-kha-thi/