Thành kính tưởng nhớ, tri ân những Anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh

Đất nước Việt Nam hình chữ S bên bờ biển Đông trong lịch sử dựng nước và giữ nước luôn luôn phải chống chọi với thiên tai và giặc ngoại xâm, chỉ với diện tích gần 332.000 Km2 nhưng hiện có tới hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ nơi an nghỉ của hơn 1,2 triệu liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, chủ quyền lãnh hải mà đến nay vẫn còn hơn 200 nghìn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ, là nơi yên nghỉ của hơn 6 vạn anh hùng liệt sĩ, trong đó có hai nghĩa trang quốc gia là Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn - nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sĩ hy sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại và Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 là nơi yên nghĩ của hơn 9.500 anh hùng, liệt sĩ thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong đó có 3.227 mộ liệt sỹ được xác định đầy đủ tên tuổi quê quán, được mai táng theo từng tỉnh, thành phố, có 785 mộ xác định chưa đầy đủ, còn lại chưa rõ tên tuổi.

Cả nước hiện có gần 100.000 thương binh, bệnh binh, hơn 9,2 triệu người có công với nước. Những con số nêu trên đã nói lên cái giá của hòa bình để đất nước ta có cơ đồ hôm nay.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị chăm sóc các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9. Ảnh: qdnd.vn

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị chăm sóc các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9. Ảnh: qdnd.vn

Ngày 27/7 năm nay kỷ niệm 76 năm ngày thương binh, liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023) là tháng của hành động tri ân, đáp nghĩa, ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ. Khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, tất cả con tim của người con đất Việt đều hướng về anh linh, vong hồn của các anh hùng, liệt sĩ để nhắc nhở rằng, không được quên quá khứ hào hùng của dân tộc, không được lãng quên những mất mát, hy sinh của hàng triệu anh hùng, liệt sĩ, trong đó có, không được quên sự hy sinh thầm lặng, sắc son của hậu phương dành cho tiền tuyến.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, những người có công với nước vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ, sống mãi trong các thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau.

Ngày 27/7 đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc Việt Nam. Vì tổ quốc, vì nhân dân, rất nhiều người con của dân tộc, trong đó có những con người tuổi đời mới mười chín, đôi mươi đã để lại phía sau hạnh phúc riêng tư, những trang sách, giảng đường… sẵn sàng lên đường đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, để thành kính tưởng nhớ những Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cũng như tôn vinh những tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vươn lên, vượt qua sự mất mát to lớn và nỗi đau chiến tranh để lại.

Thấu hiểu, sẻ chia với những nỗi đau đó, trong suốt 76 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa và ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, những người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP, theo đó mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng tăng thêm 26,5% và được áp dụng từ 01/7/2023.

Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội”… ngày càng phát triển, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng với tinh thần trách nhiệm, ý thức xã hội cao.

Được sống trong hòa bình xây dựng đất nước hôm nay, chúng ta trân trọng và khâm phục tinh thần “tàn nhưng không phế”, ý chí, nghị lực và sự nỗ lực vươn lên của những thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, gia đình người có công đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, vượt qua nỗi đau chiến tranh, mất mát to lớn, chiến thắng bệnh tật, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, tài năng để xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Theo Bộ Lao động Thương binh Xã hội, từ năm 2023, kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tăng thêm 2.728 tỷ đồng. Cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng; 2.988 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, phụng dưỡng. Đến nay, 99% hộ người có công với cách mạng cả nước có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Mặc dù Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo người có công và thân nhân với tấm lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao nhất, nhưng đời sống của một bộ phận thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn; nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính...

Do vậy, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng. Trong đó tập trung phát huy mạnh mẽ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ; để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Đó là sự tri ân trọn vẹn của thế hệ hôm nay và mai sau để đền đáp công ơn, sự hy sinh của các thế hệ đi trước vì sự trường tồn của đất nước Việt Nam. Hãy tự răn mình bằng những việc làm hữu ích cho non sông đất nước.

Vũ Xuân Bân

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/thanh-kinh-tuong-nho-tri-an-nhung-anh-hung-liet-si-thuong-benh-binh-a20052.html