Thanh Hóa: Yêu cầu Công ty Đông Phương san gạt lại mặt bằng cho người dân

UBND huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đã thành lập đoàn kiểm tra, xuống kiểm tra hiện trường việc hoàn trả mặt bằng và yêu cầu Công ty Đông Phương phải san gạt bằng phẳng lại mặt bằng cho người dân.

Theo đó, sau khi Tạp chí Kinh tế Môi trường có bài phản ánh về những bất cập trong quá trình tận thu đất san lấp tại thôn Chính Thành, xã Thành Trực, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), UBND huyện Thạch Thành đã thành lập đoàn kiển tra gồm đại diện các đơn vị: Phòng TN&MT, phòng Kinh tế Hạ tầng, công an huyện. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của Sở TN&MT, chính quyền xã Thành Trực, Công ty TNHH ĐTXD & DVTM Đông Phương (Công ty Đông Phương) và các hộ dân, tiến hành kiểm tra việc hoàn trả lại mặt bằng vào sáng ngày 04/01/2024 như đã phản ánh.

Hiện trường mặt bằng nham nhở sau khi Công ty Đông Phương hết hạn tận thu.

Trao đối với Phóng viên, ông Hồ Hữu Phú, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Thành cho biết: “Qua kiểm tra đoàn đã yêu cầu Công ty Đông Phương phải san gạt bằng phẳng lại mặt bằng cho các hộ, đồng thời tiến hành làm rảnh thoát nước để gom nước, không để nước chảy xuống phía dưới nhà các hộ dân. Cùng với đó, ngay chiều nay đơn vị sẽ làm văn bản chỉ đạo và gửi tới báo chí thông tin để được biết”.

Ông Đỗ Hữu Long, Chủ tịch UBND xã Thành Trực, nơi có điểm tận thu đất của Công ty Đông Phương cũng cho hay: “Qua kiểm tra, doanh nghiệp đã cam kết sẽ hoàn trả lại mặt bằng cho người dân trong vòng 20 ngày và khi làm tới vị trí hộ nào thì hộ đó sẽ xác nhận đến khi nào ưng ý thì mới thôi. Việc cam kết còn được làm biên bản để làm căn cứ”.

Trước đó, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường trong số ra ngày 27/12/2023 đã có bài viết “Thanh Hóa: Nhiều bức xúc từ việc hoàn trả mặt bằng sau khi doanh nghiệp tận thu đất san lấp”, phản ánh về việc trong quá trình tận thu 41.071m3 đất san lấp của Công ty Đông Phương (đơn vị thực hiện hạ độ cao để làm nhà ở riêng lẻ và trồng cây lâu năm trên phần đất của 06 hộ dân tại thôn Chính Thành, xã Thành Trực, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa). Sau khi việc tận thu kết thúc vào ngày 29/8/2023, doanh nghiệp này đã để lại mặt bằng “như bãi chiến trường” với đầy rẫy những hố sâu hoắm, đứng thành, nham nhở và có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Khi trời mưa to, những hố sâu này cũng khó tránh khỏi việc biến thành ao, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao cho cả người và động vật khi di chuyển qua đây.

Nhiều thành, vách đang tồn tại tại mặt bằng, hiện đang khiến các hộ dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và làm nhà ở.

Không những thế, một số vị trí trong khi doanh nghiệp múc đất tận thu đã để lại nhiều thành, vách ngăn cách, chia nhỏ diện tích đất canh tác, nếu không được san gạt bằng phẳng sẽ hết sức khó khăn trong việc thực hiện làm nhà và trồng cây lâu năm của các hộ dân như phương án đã được chấp thuận. Đất từ vị trí khai thác một phần còn tràn cả xuống vườn và nhà ở của hộ dân sát cạnh, khiến họ gặp phải rắc rối nhất định trong sinh hoạt hàng ngày.

Trong quá trình doanh nghiệp tận thu, họ cũng đã hứa sẽ làm cho người dân một đoạn đường để thuận tiện việc đi lại, thế nhưng đến khi thực hiện xong việc tận thu doanh nghiệp đã “im hơi lặng tiếng”. Việc hoàn trả mặt bằng qua loa còn khiến chính quyền xã Thành Trực vô cùng bức xúc và cương quyết khước từ đồng ý cho doanh nghiệp ra hạn khai thác tiếp theo.

Đình Đông

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thanh-hoa-yeu-cau-cong-ty-dong-phuong-san-gat-bang-phang-lai-mat-bang-cho-nguoi-dan-84366.html