Thanh Hóa: Xử lý nghiêm việc xâm hại Di tích Quốc gia chùa Quan Thánh

Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm việc xâm hại Di tích Quốc gia chùa Quan Thánh, đồng thời xây dựng phương án khôi phục, bảo vệ di tích.

Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy về việc kiểm tra, xử lý nghiêm việc xâm hại Di tích Quốc gia chùa Quan Thánh.

Giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH,TT&DL, các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh; yêu cầu dừng ngay các hoạt động xâm phạm và xây dựng phương án khôi phục, bảo vệ di tích; báo cáo theo quy định.

Thường trực Thành ủy TP. Thanh Hóa chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong công tác quản lý nhà nước để di tích bị xâm hại; báo cáo Thường trực Tỉnh ủy kết quả trước ngày 30/11.

Chùa Quan Thánh bị xâm hại nghiêm trọng

Chùa Quan Thánh bị xâm hại nghiêm trọng

Như thông tin phản ánh, chùa Quan Thánh thuộc Khu di tích Quốc gia danh lam thắng cảnh núi An Hoạch, phường An Hưng, TP. Thanh Hóa bị xâm hại, tô sơn mới.

Ghi nhận tại hiện trường cho thấy có hơn 10 bài văn, thơ tạc trên vách đá, hình khắc tượng người, các linh vật (voi, ngựa) trên vách đá tại chùa Quan Thánh đã bị tô sơn mới, lòe loẹt đủ sắc màu, làm thay đổi yếu tố gốc vốn có của di tích. Việc xâm hại di tích này còn rất nghiêm trọng khi một văn bia ghi chữ nho đã bị khoan, đục lỗ làm hư hỏng 2 chữ trong văn bia.

Đáng nói, rất nhiều ký tự chữ cổ trên vách đã đã được tô vẽ lại, trong đó có nhiều ký tự chữ nho đã bị vẽ sai, dẫn đến việc không thể dịch thuật đúng nghĩa của những bài văn, bài thơ.

Dọc lối lên và trong khuôn viên ngôi đền chính nằm trong lòng vách núi đã bị kẻ, lát các loại gạch đá hỗn độn, không cùng chủng loại.

Một số hạng mục được cơi nới bằng gạch vồ, mái tôn che đậy chắp vá quanh di tích gây mất mỹ quan, che khuất tầm nhìn... Những việc làm trên đã gây bức xúc dư luận xã hội.

Theo báo cáo của phường An Hưng, "thủ phạm" gây ra sự việc trên chính là người trông coi chùa, bà L.T.T. (người địa phương). Bà T. giải trình rằng thời gian trông coi chùa Quan Thánh, thấy các tấm bia, linh vật bị mốc đen nên đã thuê thợ về sơn vẽ lại với số tiền 8 triệu đồng. Toàn bộ chi phí đều do bà T. tự bỏ ra.

Được biết, chùa Quan Thánh nằm trong Khu di tích danh lam thắng cảnh núi An Hoạch, được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1992, cùng với đình Thượng, chùa Hinh Sơn, lăng Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa và hòn Vọng Phu. Chùa còn được gọi là Tiên Sơn tự, được xây dựng trong động đá, cheo leo trên vách núi, với nhiều bức phù điêu tạc hình người, voi, ngựa tinh xảo. Di tích còn có nhiều văn bia chữ Hán cỡ lớn khắc trên vách đá.

Gia Hân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/thanh-hoa-xu-ly-nghiem-viec-xam-hai-di-tich-quoc-gia-chua-quan-thanh-172221117082143875.htm