Thanh Hóa: Tạo động lực mới cho tăng trưởng công nghiệp gắn với dịch vụ logistics

Thanh Hóa ưu tiên thu hút các dự án mới, hàm lượng cao, tạo động lực, đột phá mới cho tăng trưởng công nghiệp.

Tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn

Theo số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, tỉnh này hiện có hàng trăm sản phẩm công nghiệp, trong đó có 25 sản phẩm công nghiệp chủ lực. Trong những năm qua, mặc dù trong bối cảnh hết sức khó khăn, nhưng sự tăng trưởng ổn định của các sản phẩm công nghiệp chủ lực và sự gia nhập của các sản phẩm mới đã tạo động lực đưa ngành công nghiệp Thanh Hóa đạt tốc độ tăng trưởng khá, đóng góp cao vào GRDP của tỉnh.

Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã có thêm 48 dự án công nghiệp được chấp thuận chủ trương trên địa bàn tỉnh, (trong đó có 18 dự án FDI) với số vốn đăng ký 13.370 tỷ đồng và 228,4 triệu USD. Hoạt động đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp cũng đang được Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa tham mưu quyết liệt đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục, tiến độ thi công, sớm tạo các mặt bằng sạch để thu hút dự án mới.

Thanh Hóa ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp mới, hàm lượng cao, tạo động lực mới cho tăng trưởng công nghiệp. Ảnh minh họa

Một số các dự án mới với quy mô lớn đi vào hoạt động phải kể đến Nhà máy xi măng Đại Dương 1 tại Khu kinh tế Nghi Sơn; Nhà máy may Victory tại thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân); Nhà máy may mặc Leading Star Thanh Hóa tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn; Nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu giày và giày xuất khẩu của tập đoàn HuaLi (huyện Yên Định)...

Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho hay, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 24,46% so với cùng kỳ năm 2023; có 14/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ, trong đó có một số sản phẩm tăng mạnh như: Điện sản xuất 744 triệu kWh, tăng 95%; dầu diesel nhiên liệu 495,5 nghìn tấn, tăng 42,9%; xi măng 1,27 triệu tấn, tăng 17,9%; xăng 279,8 nghìn tấn, tăng 16,9%; đường kết tinh 17,6 nghìn tấn, tăng 13,6%,...

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng tăng 2,14% so với cùng kỳ; tính chung 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,09%. Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 2 tăng 45,36% so với tháng trước, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Tăng tốc, bứt phá để về đích sớm

Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, những kết quả đạt được của tăng trưởng công nghiệp là đáng ghi nhận trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, với ưu thế, tiềm năng của ngành công nghiệp Thanh Hóa gắn với cảng nước sâu Nghi Sơn là rất rộng mở. Do đó, định hướng của tỉnh sẽ thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm công nghiệp mới, hàm lượng cao, tạo động lực mới cho tăng trưởng công nghiệp gắn với các dịch vụ logistics.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Theo đó, những ngành công nghiệp mới được định hướng phát triển là: Sản phẩm mới trong công nghiệp lọc hóa dầu, điện, thép, vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm, thủy sản, điện tử, sản xuất kim loại, hóa chất, cao su, nhựa, thực phẩm, đồ uống, lốp ô tô, phụ liệu may mặc,…

Đặc biệt, trong định hướng phát triển sản phẩm điện tử, kim loại sẽ tập trung phát triển sản phẩm cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại gắn với ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại phục vụ sản xuất lắp ráp ô tô và cơ khí chế tạo; các dự án đầu tư công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, sản xuất thiết bị, phụ tùng máy móc, động cơ điện, máy nông nghiệp, máy xây dựng, lắp ráp phương tiện vận tải, các sản phẩm cơ điện tiêu dùng...

Trong thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; triển khai đồng bộ các giải pháp, xây dựng các đề án kết nối doanh nghiệp sản xuất và phân phối, hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hàng hóa cho doanh nghiệp. Đồng thời tập trung đôn đốc, chỉ đạo và hướng dẫn thủ tục thành lập, đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ lấp đầy cụm công nghiệp, chú trọng phát triển các cụm công nghiệp ở khu vực nông thôn, miền núi.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng chú trọng phát triển theo chiều sâu với công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; tạo mọi điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp nhằm sớm đưa vào hoạt động, tạo thêm năng lực sản xuất mới.

Cảng nước sâu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang tạo ra những ưu thế cho ngành công nghiệp địa phương

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa Phạm Bá Oai cho biết: Năm 2024 được tỉnh Thanh Hóa xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích sớm các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025. Để thực hiện thành công mục tiêu này, ngành Công Thương Thanh Hóa sẽ nâng cao năng lực dự báo, đánh giá, phân tích tình hình, từ đó đưa các giải pháp phù hợp trong tham mưu xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch hành động về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong lĩnh vực Công Thương.

Ngành Công Thương Thanh Hóa sẽ chú trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp theo hướng phát huy các tiềm năng thế mạnh của tỉnh; phát triển theo chiều sâu và bền vững với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) sẽ tăng 8,0%, giá trị gia tăng công nghiệp (VACN) tăng 14,9% so với năm 2023.

"Ngành Công Thương Thanh Hóa xác định, năm 2024 là năm tăng tốc trong việc tổ thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX, ngành Công Thương sẽ quyết tâm nỗ lực, tăng tốc, bứt phá để cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024" - ông Phạm Bá Oai nhấn mạnh.

Hoàng Minh - Quốc Huy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-hoa-tao-dong-luc-moi-cho-tang-truong-cong-nghiep-gan-voi-dich-vu-logistics-306148.html