Thanh Hóa phát triển nông nghiệp bền vững

Xác định khoa học công nghệ là hướng đi bền vững, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã rất tích cực ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển theo chuỗi giá trị, thu nhập của người dân từng bước được nâng cao, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Trang trại hữu cơ Hoàng Thanh là một trong những trang trại đầu tiên của xã Xuân Hòa (huyện Như Xuân) áp dụng sản xuất cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Với diện tích hơn 6ha sản xuất cam V2, cam đường canh, ổi... trang trại đã áp dụng tiêu chuẩn “5 không”, đó là: không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không thuốc diệt cỏ, không sử dụng hóa chất, không thuốc kích thích. Những sản phẩm của trang trại đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, xu hướng của thị trường và người tiêu dùng mong muốn sử dụng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ/organic nên từ năm 2020, trang trại đã chuyển dần sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ông Nguyễn Thanh Hồng, chủ trang trại cho biết: Sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ có cơ hội lớn để tiếp cận với người tiêu dùng ở phân khúc cao, tại những thị trường khó tính và đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Ngoài “5 không” được áp còn thêm 3 tiêu chí là không đánh bồn và xáo xới gốc cây, không tiện gốc và cành, không quét và bón vôi vào gốc cây. Quá trình thực hiện quy trình sản xuất hữu cơ cần được cơ quan chuyên môn theo dõi, đánh giá trong thời gian 3 - 4 năm. Tuy mới áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ được 2 năm, song sản phẩm cây ăn quả của trang trại được người tiêu dùng ưa chuộng, đón nhận và đánh giá cao về chất lượng. Doanh thu trang trại hàng tỷ đồng mỗi năm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến thăm vườn vải không hạt tại xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc. Ảnh: M. Hạnh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 6.2023, toàn tỉnh có 20ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ, 760ha sản xuất theo hướng hữu cơ và tiến tới công nhận hữu cơ. Cùng với đó, đã xây dựng được 160ha nhà màng, nhà lưới sản xuất theo công nghệ cao. Nhiều mô hình định hướng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học và một số mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, kết hợp nuôi - trồng. Hiện, ngành nông nghiệp đang phối hợp với các huyện Hậu Lộc, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa thực hiện các mô hình chăn nuôi gà thịt, sản xuất lúa, nuôi tôm sú quảng canh… theo hướng hữu cơ. Đồng thời, chủ động liên kết với doanh nghiệp, HTX để hình thành vùng tập trung sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xóa bỏ tình trạng sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, một năm hai vụ.

Gỡ rào cản để nông sản xuất ngoại

Từ thực tế có thể thấy, việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông sản ở Thanh Hóa đang ngày càng được mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm. Nhiều sản phẩm nông sản chủ lực, tiêu biểu của tỉnh đã có mặt tại các thị trường khó tính. Điển hình, tháng 6.2023, Thanh Hóa đã xuất khẩu những tấn vải không hạt đầu tiên sang Nhật Bản và Vương quốc Anh. Cùng với đó, một số lô hàng nước mắm và mắm tôm Lê Gia cũng lên đường “xuất ngoại” đến những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và Australia. Trước đó, sản phẩm này đã có mặt ở một số thị trường như Nga, Hàn Quốc, Đài Loan.

Thống kê từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho thấy, đến giữa tháng 8.2023 đã có 22 sản phẩm OCOP của tỉnh tìm được thị trường xuất khẩu. Trong đó có những sản phẩm chủ thể sản xuất đã ký được các hợp đồng liên kết tiêu thụ với đối tác nước ngoài như sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói của Công ty cổ phần sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh (Nga Sơn) xuất khẩu trực tiếp và có chuỗi bán hàng tại 40 siêu thị ở Mỹ; sản phẩm từ tre luồng của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Bamboo Vina (Hà Trung) xuất sang EU và Bắc Mỹ; sản phẩm dứa và ngô ngọt đóng hộp của Công ty cổ phần chế biến nông sản Trung Thành (Nông Cống) xuất đi Ba Lan, Nga, Hàn Quốc, Australia.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn còn nhiều rào cản để nông sản Thanh Hóa xuất khẩu, trong đó, vấn đề lớn nhất là tư tưởng “ăn xổi” trong nuôi, trồng của một số chủ sở hữu khiến nông sản tồn dư nhiều tạp chất làm giảm tính cạnh tranh. Cùng với đó, chưa có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp mạnh chủ động liên kết với nông dân để xây dựng vùng canh tác, nuôi trồng lớn và bao tiêu, gia công sản phẩm xuất khẩu. Nếu cứ để nông dân “tự bơi” trong sự hạn hẹp về nguồn vốn, không có điều kiện để tiếp cận KHCN thì rất khó để xây dựng chất lượng, thương hiệu nông sản đáp ứng các tiêu chí của thị trường quốc tế. Chưa kể, tính kết nối để luân chuyển hàng hóa, tiếp cận thị trường quốc tế gần như bằng không.

__________

(Chương trình có sự phối hợp của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường).

MỸ HẠNH

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/thanh-hoa-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-i343988/