Thanh Hóa phát hiện hàng trăm cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động khi chưa được cấp phép

Trong năm 2023, Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa đã kiểm tra, rà soát và chuyển danh sách 178 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và 132 cơ sở kinh doanh dược hoạt động khi chưa được cấp phép.

Thời gian qua, hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có sự phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Bên cạnh những cơ sở hành nghề y, dược tư nhân chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật và của ngành y tế, vẫn còn không ít cơ sở chưa tuân thủ, hoạt động vi phạm quy định của pháp luật.

Trong năm 2023, Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa đã kiểm tra, xử phạt 16 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực dược, với số tiền 203,25 triệu đồng; 14 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, với số tiền 382,7 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động có thời hạn 04 cơ sở và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn của 04 cá nhân; tiêu hủy thuốc giả, thuốc không có số đăng ký lưu hành, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nhập lậu, trị giá trên 9,4 triệu đồng.

Cơ sở thẩm mỹ MAYO bị xử phạt hành chính với số tiền 45 triệu đồng.

Đơn cử, ngày 11/9/2023, Thanh tra Sở Y tế ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với 2 cơ sở thẩm mỹ với tổng số tiền 90 triệu đồng; đình chỉ hoạt động trong thời hạn 18 tháng/cơ sở.

Theo đó, Chánh Thanh tra Sở Y tế quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Đỗ Thị Tâm, chủ Cơ sở thẩm mỹ MAYO, địa chỉ 45-47 Đại lộ Lê Lợi, phường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa, với số tiền 45 triệu đồng vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cơ sở còn chịu hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong thời hạn 18 tháng (từ ngày 5/9/2023 đến 5/3/2025).

Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Thị Phương, chủ Cơ sở thẩm mỹ viện Savina (Phương Japan), có địa chỉ tại tầng 3, PG2-01, Khu đô thị Vincom, đường Nguyễn Du, phường Điện Biên, TP. Thanh Hóa với số tiền 45 triệu đồng vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, cơ sở còn chịu hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong thời hạn 18 tháng (từ ngày 7/9/2023 đến 7/3/2025).

Lực lượng chức năng tháo dỡ biển quảng cáo của phòng khám không phép.

Trước đó, ngày 12/6/2023, Sở Y tế Thanh Hóa thành lập Đoàn kiểm tra nội dung phản ánh về hoạt động hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại 2 Phòng khám nha khoa Smile Dental (địa chỉ tại số 742 Lê Lai, phường Quảng Hưng, TP. Thanh Hóa) và Phòng khám nha khoa Sài Gòn (địa chỉ tại Căn A2.1, chợ Tân An, Tân Bình, đường Phạm Vấn, phường Đông Vệ, TP .Thanh Hóa).

Tại thời điểm kiểm tra, cả 2 cơ sở trên đều có nhân viên đón tiếp bệnh nhân và có hoạt động thăm khám, điều trị cho bệnh nhân với các trang thiết bị chuyên dụng điều trị răng. Qua kiểm tra, hai cơ sở này chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính cơ sở có hành vi vi phạm cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không có giấy phép hoạt động và đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Tiến hành niêm phong ghế, trang thiết bị hành nghề, tháo dỡ bảng quảng cáo. Đồng thời, yêu cầu chủ cơ sở không được cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp giấy phép hoạt động...

Trong năm 2023, Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa cũng đã kiểm tra, rà soát và chuyển danh sách 178 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và 132 cơ sở kinh doanh dược hoạt động khi chưa được cấp phép đến UBND các huyện, thị xã, thành phố để phối hợp quản lý, xử lý vi phạm theo quy định.

Trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn quản lý. Đồng thời tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về y tế cho đối tượng quản lý, người hành nghề y, dược trên địa bàn.

Để giải quyết triệt để vấn đề hành nghề y, dược tư nhân không phép cần có sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt, thường xuyên của các đoàn kiểm tra liên ngành.

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 1.600 cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập (tăng 2,4% so với năm 2022) và 3.535 cơ sở kinh doanh dược ngoài công lập (tăng 2,3% so với năm 2022). Các bệnh viện ngoài công lập hiện có 3.991 giường bệnh nội trú, chiếm 25,2% tổng số giường bệnh toàn tỉnh.

Ngọc Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thanh-hoa-phat-hien-hang-tram-co-so-kham-chua-benh-hoat-dong-khi-chua-duoc-cap-phep-169240108101132023.htm