Thanh Hóa kỷ niệm 700 năm ngày mất của Nhà sử học Lê Văn Hưu

Nhằm ghi nhận công lao và tôn vinh những đóng góp đặc biệt của Nhà sử học Lê Văn Hưu, sáng nay (21/4) tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa diễn ra Lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất của Nhà sử học Lê Văn Hưu (1322 - 2022) và khánh thành Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lê Văn Hưu.

Nhà sử học Lê Văn Hưu sinh năm 1230, ở làng Phủ Lý (nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa). Từ thuở nhỏ, ông nổi tiếng là người thông minh, học giỏi. Với tài học lừng danh, lại chăm dùi mài kinh sử, Lê Văn Hưu đã đỗ Bảng nhãn khoa thi năm Đinh Mùi (năm 1247) đời vua Trần Thái Tông - đây là khoa thi đầu tiên trong lịch sử nước ta lấy danh vị Tam khôi.

Tại lễ kỷ niệm, ngay sau diễn văn khai mạc là chương trình nghệ thuật đặc sắc được dàn dựng công phu với chủ đề: Lê Văn Hưu, người khởi dựng quốc sử Việt Nam.

Lê Văn Hưu là Bảng nhãn, nhà sử học lỗi lạc đầu tiên của đất nước, nhà giáo, nhà chính trị, quân sự, nhà văn hóa lớn ở thế kỷ 13 - 14. Đóng góp lớn nhất, đưa tên tuổi của Lê Văn Hưu vào lịch sử dân tộc không dừng lại ở việc đỗ Bảng nhãn và làm quan, mà là người đặt nền móng cho quốc sử dân tộc, biên soạn và hoàn thiện bộ quốc sử có tên “Đại Việt sử ký”.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng nhấn mạnh đến học vấn uyên thâm, đức độ hơn người của Nhà sử học Lê Văn Hưu, và trở thành hình tượng gắn liền với truyền thống hiếu học và sự nỗ lực vươn lên trên con đường học vấn không chỉ của người Thanh Hóa mà nhiều nơi trong cả nước.

Cắt băng khánh thành Đền thờ Lê Văn Hưu.

Ông Đầu Thanh Tùng nói: "Bằng tài năng, đức độ hơn người, Lê Văn Hưu đã ghi tên mình vào “bảng vàng” danh nhân văn hóa Việt Nam. Đồng thời, trở thành niềm tự hào của mảnh đất Thanh Hóa giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Để rồi, sử gia Lê Văn Hưu cùng nhiều tên tuổi lớn như Lê Quát, Lương Đắc Bằng, Lê Trạc Tú,… đã trở thành hiện thân của truyền thống yêu nước, tinh thần kiên trung, nhân nghĩa, trọng tình, hiếu học đã được gây dựng và trao truyền suốt nhiều thế kỷ, để thế hệ hôm nay thừa hưởng và tiếp tục bồi đắp cho dày thêm và đẹp hơn. Cũng chính cội nguồn truyền thống ấy đã và đang trở thành điểm tựa để Thanh Hóa đổi mới và phát triển".

Dịp này tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ khánh thành Đền thờ Lê Văn Hưu và dâng hương tại Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung huyện Thiệu Hóa./.

Sỹ Đức/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/thanh-hoa-ky-niem-700-nam-ngay-mat-cua-nha-su-hoc-le-van-huu-post938585.vov