Thanh Hóa: Kỷ niệm 130 năm khởi nghĩa Ba Đình, 70 năm thành lập Đảng bộ Nga Sơn

Tối 25/11, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 130 năm khởi nghĩa Ba Đình (1866-2016) và 70 năm thành lập Đảng bộ Nga Sơn (1946-2016).

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy trao tặng Đảng bộ và Nhân dân Nga Sơn bức trướng mang dòng chữ “Phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, sáng tạo, xây dựng Nga Sơn trở thành huyện Nông thôn mới trước năm 2020”.

Tham dự lễ kỷ niệm có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, đại diện một số Bộ, Ban, ngành Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo huyện Nga Sơn các thời kỳ, đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong huyện.

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Mai Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã ôn lại ý nghĩa, giá trị của cuộc khởi nghĩa Ba Đình trong lịch sử đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân Pháp. Đồng thời nêu bật vai trò lãnh đạo của Đảng bộ huyện trong hai cuộc chiến tranh giành độc lập tự do và thống nhất đất nước, cũng như trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển của huyện nhà.

Cách đây vừa tròn 130 năm, hưởng ứng phong trào Cần Vương, tại căn cứ Ba Đình, thủ lĩnh Phạm Bành, Đinh Công Tráng đã lãnh đạo nghĩa quân đứng lên chống Pháp. Từ chỗ ban đầu chỉ có 300 người, nghĩa quân đã nhanh chóng phát triển, quy tụ tới 2 vạn nghĩa sỹ. Lợi dụng địa hình hiểm trở và công sự vững chắc, được bao bọc giữa lũy tre dầy đặc và hệ thống hào rộng, cắm chông nhọn, lớp tường thành cao được gia cố bằng các rọ tre chứa đất bùn nhào với rơm, bố trí các lỗ châu mai có thể ẩn nấp và bắn tỉa, nghĩa quân Ba Đình đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của quân Pháp. Sau khi lực lượng đủ mạnh, nghĩa quân Ba Đình đã tổ chức nhiều cuộc tấn công, phục kích, giáng cho giặc nhiều đòn thất điên bát đảo. Trong đó, nổi bật nhất là cuộc tấn công táo bạo vào tòa Công sứ tỉnh cùng nhiều phủ, thành của quân Pháp.

Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân, sau nhiều cuộc tấn công thất bại, ngày 12/3/1886, giặc Pháp đã huy động lực lượng hùng hậu với 76 sỹ quan, 3.500 lính tinh nhuệ cùng súng máy, đại bác tiến đánh Ba Đình. Trong ngày đầu tấn công, quân Pháp đã nã tới 16.000 quả đại bác vào Ba Đình, biến nơi đây thành biển lửa. Với tinh thần xả thân vì đại nghĩa, nghĩa quân ba Đình đã chiến đấu anh dũng, gây tổn thất nặng nề cho quân Pháp. Tuy nhiên, cung nỏ, giáo mác cùng súng hỏa mai không thể đối chọi với vũ khí tối tân, sau 32 ngày đêm kháng cự, để tránh bị tiêu diệt hoàn toàn, các thủ lĩnh Đinh Công Tráng, Phạm Bành đã lãnh đạo nghĩa quân mở đường máu, rút lui về căn cứ Mã Cao. Khởi nghĩa Ba Đình thất bại nhưng đã khiến quân Pháp run sợ, đồng thời để lại cho hậu thế bài học về tinh thần quật khởi cùng lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc.

Tiếp nối truyền thống quật cường của khởi nghĩa Ba Đình, sau khi được thành lập, Đảng bộ Nga Sơn đã sát cánh, kề vai, lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đứng lên khởi nghĩa cướp chính quyền cũng như hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất đất nước.

Trong kháng chiến chống Pháp, Nga Sơn có hàng vạn người tham gia bộ đội, dân quân, du kích, dân công phục vụ chiến trường. Kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến, toàn huyện có 200 liệt sỹ hy sinh vì độc lập dân tộc.

Bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ, giành lại hòa bình, thống nhất đất nước, với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, Nga Sơn đã tiễn 24.367 thanh niên ưu tú vào bộ đội, 1.446 người tham gia thanh niên xung phong, 2.675 người đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường. Chiến tranh kết thúc, 2.400 người con ưu tú của Nga Sơn đã vĩnh viễn không về, ngoài các anh hùng Lliệt sỹ, toàn huyện còn có 1.316 thương, bệnh binh đã để lại tuổi thanh xuân cùng một phần thân thể trên chiến trường. Với những đóng góp to lớn trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nga Sơn đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bước vào thời kỳ đổi mới, nhờ những quyết sách phù hợp cùng sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ, Nga Sơn đã từng bước vươn lên, trở thành một trong những huyện phát triển nhanh về kinh tế cũng như phong trào xây dựng Nông thôn mới của tỉnh. Liên tục trong 10 năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế của huyện đều đạt trên 13%, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao với thu nhập bình quân đầu người năm 2016 ước đạt 24,3 triệu đồng/người. Trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, nhờ có sự đồng thuận, tham gia nhiệt tình của nhân dân nên đã thu được kết quả tích cực, bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc… Phát huy thành quả đã đạt được, Nga Sơn đặt mục tiêu trước năm 2020 đạt chuẩn huyện Nông thôn mới.

Trở lại với lễ kỷ niệm, phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chúc mừng những thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nga Sơn trong suốt bề dầy lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, cũng như trong công cuộc đổi mới hiện nay; đồng thời, ghi nhận và bầy tỏ tin tưởng Nga Sơn sẽ tiếp tục thu được những thành quả mới trong giai đoạn xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Nhấn mạnh về ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Ba Đình, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy mong muốn thế hệ trẻ Nga Sơn phát huy hơn nữa truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương, phấn đấu học tập, tu dưỡng để có những đóng góp xứng đáng cho quê hương, đất nước.

Một tiết mục văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm.

Lễ kỷ niệm khép lại với chương trình văn nghệ đặc sắc và màn pháo hoa rực rỡ, để lại trong lòng người tham dự một niềm hy vọng, dự cảm mới về tương lai tươi sáng của vùng quê tươi đẹp, giầu truyền thống đấu tranh cách mạng và văn hóa lịch sử Nga Sơn.

Đào Nguyên

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/thanh-hoa-ky-niem-130-nam-khoi-nghia-ba-dinh-70-nam-thanh-lap-dang-bo-nga-son.html