Thanh Hóa: Cần sớm xử lý dứt điểm vướng mắc cho người dân tại Cụm công nghiệp Thượng Ninh

Mặc dù đã qua 4 mùa vụ, người dân xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất từ Cụm công nghiệp Thượng Ninh thế nhưng địa phương này lại đang cho thấy sự chậm trễ trong giải quyết vấn đề.

Theo đó, trong quá trình xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp (CCN) Thượng Ninh tại địa bàn làng Xuân Thượng, xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân (Thanh Hóa), một khối lượng không nhỏ đất đá đã bị sạt lở và trôi xuống vùi lấp cũng như xen lẫn vào một số thửa ruộng trên cánh đồng sản xuất của hàng chục hộ dân nơi đây. Không những thế, việc tưới tiêu tại cánh đồng này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nguồn nước thay đổi dòng chảy.

CCN Thượng Ninh sau 3 năm tính từ thời điểm khởi công vẫn còn dở dang chưa hoàn thành.

Ghi nhận hiện trường cho thấy, cánh đồng của người dân nói trên nằm sát cạnh CCN Thượng Ninh đang thi công dở dang. Một số vị trí của CCN đất đá đã sạt lở, vùi lấp vào những thửa ruộng của người dân, làm thay đổi hiện trạng đất canh tác.

Cùng với đó, trong quá trình xây lắp hạ tầng, việc đặt hệ thống cống tiêu thoát nước phía cổng vào cụm công nghiệp cũng đã khiến dòng chảy bị thay đổi, nước không tràn được vào cánh đồng.

Để có được nguồn nước phục vụ mùa màng, bà con trong làng đã phải rất vất vả đắp một con đập tạm thời ngăn nước và đặt 2 đường ống nhỏ bằng cổ tay để dẫn nước vào. Tuy nhiên, lượng nước chảy qua đường ống cũng rất nhỏ giọt, con đập ngăn nước rất dễ bị cuốn trôi khi có mưa lớn hoặc dòng nước chảy mạnh qua đây.

Trải qua 4 mùa vụ sản xuất, cánh đồng của bà con làng Xuân Thượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng huyện Như Xuân đang cho thấy sự chậm trễ trong giải quyết vấn đề.

Anh Nguyễn Trọng Huấn, người dân làng Xuân Thượng có hơn 2 sào ruộng tại cánh đồng bức xúc cho biết, đã 4 mùa vụ qua, gia đình anh và những hộ dân gần như không sản xuất được bởi lúa cấy xuống mọc không qua đầu gối và khi trổ bông thì như bông cỏ may do bị thiếu nước. Hơn thế nữa, đất đá lẫn lộn vào đất ruộng hàng chục mét tính từ mép cụm công nghiệp trở ra, khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất.

Anh Huấn còn cho biết, người dân đã rất nhiều lần đề xuất với chủ đầu tư và có ý kiến tại các buổi tiếp xúc cử tri cũng như báo cáo lên thôn và UBND xã. Thế nhưng, chính quyền lại nói là sang trực tiếp gặp họ (gặp chủ đầu tư-PV). "Có lần chúng tôi thấy xã xuống đo đạc gì đó nhưng rồi sau đó lại không thấy động thái gì? Về phía doanh nghiệp, họ cũng chưa hề có hỗ trợ, bồi thường cho người dân bị thiệt hại", anh Huấn chia sẻ.

Đất đá sạt lở, cuốn theo dòng nước vùi lấp nhiều thửa ruộng của người dân.

Ông Nguyễn Xuân Nhân, Chủ tịch UBND xã Thượng Ninh đã thừa nhận việc đất đá từ CCN bị sạt lở xuống cánh đồng của người dân và cho biết đất nằm phía mép cụm công nghiệp khi trời đổ mưa xuống cứ mỗi năm tràn ra một ít. Còn về nước tưới tiêu là do dòng chảy bị thay đổi nên không tràn lên cánh đồng được.

Vấn đề này, vừa rồi xã đã báo cáo với huyện, đang hẹn chủ đầu tư lên để kiểm kê thiệt hại và hỗ trợ ít kinh phí đền bù cho bà con. Ông còn cho hay, việc vướng mắc trong xử lý hệ thống tưới tiêu là do trước đây phân định trách nhiệm giữa huyện và doanh nghiệp chưa rõ ràng.

Do dòng chảy bị thay đổi nên bà con phải đắp đập tạm thời và 2 đường ống dẫn nước vào ruộng.

Ông Nguyễn Quang Dự, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Như Xuân khi làm việc với phóng viên cho biết, sau khi nhận được ý kiến từ UNBD xã Thượng Ninh về vấn đề trên thì tại kỳ họp giao ban tháng vừa rồi Chủ tịch UBND huyện đã có chỉ đạo và mời chủ đầu tư lên, trong đó yêu cầu doanh nghiệp được giao đất đến đâu thì phải thực hiện việc xây dựng khuôn viên và đảm bảo môi trường cũng như không được để cho đất sạt lở sang làm ảnh hưởng đến các hộ dân.

Ông Dự cũng nhận định, lúc doanh nghiệp triển khai thực hiện xây dựng do anh em chưa sát sao nên xảy ra tình trạng trên và cho rằng doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi chưa xây hệ thống tường rào chắn đất, khiến đất tràn xuống ruộng của bà con làng Xuân Thượng.

Còn đối với hệ thống tưới tiêu nước bị ảnh hưởng, trách nhiệm thuộc về ai thì phải để ông kiểm tra lại.

Dòng chảy bị thay đổi còn xói lở cả hành lang lưu không của đường Hồ Chí Minh.

Cũng liên quan đến CCN này, phóng viên còn phát hiện do dòng chảy bị thay đổi nên một phần hành lang lưu không của đường Hồ Chí Minh đã bị nước làm sói lở, nếu không được ngăn chặn kịp thời, nguy cơ sạt lở xảy ra với tuyến đường sẽ là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông trên tuyến.

CCN Thượng Ninh có quy mô 20ha, được quy hoạch phát triển các ngành nghề như: May mặc, giày da, sản xuất máy móc chế biến nông, lâm sản… Tổng mức vốn đầu tư khoảng 110 tỉ đồng do Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Minh Nguyên làm chủ đầu tư.

Theo tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thì quý I/2020 hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng, quy hoạch chi tiết, thiết kế cơ sở, giải phóng mặt bằng, giao đất. Trước tháng 12/2020 tiến hành khởi công xây dựng và hoàn thành dự án đưa vào sử dụng.

Mặc dù thủ tục về đất đai chưa hoàn thiện vì mãi đến năm 2022 UBND tỉnh Thanh Hóa mới có quyết định giao đất, tuy nhiên do nóng lòng muốn sớm hoàn thành dự án nên huyện Như Xuân đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp san lấp mặt bằng và thi công từ năm 2020. Song, sau 3 năm kể từ ngày khởi công, doanh nghiệp thi công cầm chừng, không có sự quyết tâm, dự án vẫn ngổn ngang, chưa hoàn thiện đúng yêu cầu.

Trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã yêu cầu huyện Như Xuân chỉ đạo việc quản lý và đầu tư phát triển CCN Thượng Ninh theo đúng quy định hiện hành của pháp luật; chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc đầu tư, xây dựng dự án của nhà đầu tư, đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân tại khu vực xung quanh dự án.

Như vậy qua đây có thể thấy huyện Như Xuân không chỉ chậm trễ trong việc giải quyết vấn đề nêu trên nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất cho người dân làng Xuân Thượng mà còn chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo từ phía UBND tỉnh Thanh Hóa khi thực hiện dự án cụm công nghiệp này.

Thiết nghĩ UBND huyện Như Xuân cần sớm vào cuộc xử lý dứt điểm vấn đề trên, qua đó đảm bảo việc sản xuất cho bà con nhân dân làng Xuân Thượng cũng như đảm bảo tính nguyên trạng của môi trường đất sản xuất trên cánh đồng.

Đình Đông

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thanh-hoa-huyen-nhu-xuan-cham-tre-trong-viec-bao-dam-dieu-kien-san-xuat-cho-nguoi-dan-82779.html