Thanh Hóa bước đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 có hiệu quả

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình 1719), tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo thực hiện bước đầu đạt được những hiệu quả tích cực.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

NỘI DUNG

Ưu tiên đầu tư giáo dục có trọng điểm và xóa mù chữ

Thúc đẩy khởi nghiệp và thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS&MN

Bám sát Kế hoạch số 106/KH-UBND, ngày 5-5-2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa (thực hiện nội dung số 01 và nội dung số 02 thuộc Tiểu dự án 01, Dự án 10: Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền vận động đồng bào DTTS), các đơn vị, địa phương đã và đang tập trung triển khai thực hiện các nội dung của Tiểu dự án 01.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa.

Theo kế hoạch, đối với nội dung số 01 về biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín, sẽ được tổ chức quy mô cấp tỉnh, thực hiện trong quý IV-2023. Đối với nội dung số 02 về phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS.

Để thực hiện tốt Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Thực hiện Quyết định số 495/QĐ-UBDT ngày 28/7/2022 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt Kế hoạch truyền thông về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025; Ngày 03 tháng 10 năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 238/KH-UBND về truyền thông về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2022- 2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 7 hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân tại các thôn bản đặc biệt khó khăn tại các huyện: Lang Chánh, Quan Sơn, Thạch Thành, Ngọc Lặc. Thời gian triển khai các hội nghị được thực hiện vào quý III, quý IV năm 2023.

Cùng với đó, Ban Dân tộc phối hợp tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật cho học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Như Thanh và huyện Thạch Thành dưới hình thức sân khấu hóa. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thông qua các nội dung tuyên truyền nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác vận động phát huy vai trò của người có uy tín; biểu dương tôn vinh, ghi nhận công lao và sự đóng góp của các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào vùng DTTS&MN của tỉnh, nhất là người dân ở vùng đặc biệt khó khăn.

Ưu tiên đầu tư giáo dục có trọng điểm và xóa mù chữ

Về giáo dục, tỉnh Thanh Hóa có 39 dự án (10 trường phổ thông dân tộc nội trú, 29 trường phổ thông dân tộc bán trú và trường có học sinh bán trú); xây mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống khối phòng phục vụ học tập, ăn, ở cho học sinh và giáo viên; các công trình nước sạch, hạ tầng kỹ thuật.

Một số kiến nghị được Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đề cập gồm: Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú; xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS.

Sở Giáo dục đào tạo Thanh Hóa tổ chức cho cán bộ, giáo viên cốt cán đã được cử đi tham dự tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tập huấn đại trà cho đội ngũ giáo viên các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú. Đồng thời, tổ chức biên soạn tài liệu phù hợp với đặc thù trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa.

Từ tháng 9/2023, Đồn Biên phòng Trung Lý thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Lát và Trung tâm giáo dục cộng đồng xã Trung Lý khai giảng lớp xóa mù chữ, xóa tái mù chữ cho các học viên là hội viên phụ nữ và nhân dân đồng bào dân tộc Mông ở bản Pa Búa, xã Trung Lý, huyện Mường Lát.

Theo đó, giáo viên đảm nhiệm giảng dạy lớp học là các quân nhân chuyên nghiệp biết tiếng dân tộc Mông, có năng khiếu sư phạm, thuộc Đồn Biên phòng Trung Lý, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa. Thời gian học tập từ 19h30 đến 21h30 hằng ngày, để các học viên vừa tranh thủ được thời gian theo học mà vẫn có điều kiện làm công việc gia đình.

Thông qua lớp học này, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cũng tổ chức tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân khu vực biên giới, nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn về việc chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Được biết năm 2023, Đồn Biên phòng Trung Lý đã hoàn thành 1 lớp xóa mù chữ cho 36 học viên là hội viên phụ nữ dân tộc Mông của bản Khằm 1 và Khằm 2, xã Trung Lý.

Thúc đẩy khởi nghiệp và thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS&MN

Phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Lang Chánh khởi nghiệp bằng cách sản xuất gối ngủ từ thảo dược.

Giai đoạn 2023 - 2025, nhằm thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa tập trung triển khai nhiều hoạt động.

Mục tiêu của các hoạt động này là nhằm triển khai có hiệu quả các hoạt động thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vào vùng DTTS&MN của tỉnh Thanh Hóa theo Nội dung số 3, Tiểu Dự án, thuộc Dự án 3.

Qua đó, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng sáng tạo của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn miền núi; thúc đẩy thực hiện hóa các ý tưởng, mô hình sản xuất, kinh doanh trong đồng bào dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương, cơ sở. Thúc đẩy, cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp; kích thích sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm ứng kinh doanh, khơi dậy những ý tưởng khởi nghiệp, đam mê, khát vọng làm giàu trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là đoàn viên, thanh niên.

Nội dung này hướng tới mục tiêu thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; tạo việc làm và thu nhập ổn định kết hợp với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tri thức truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Thanh Hóa được Trung ương giao nguồn vốn ngân sách cho giai đoạn 2021-2025 thực hiện chương trình là 1.231,275 tỷ đồng. Năm 2022, tổng vốn ngân sách Trung ương giao cho tỉnh là 394,483 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư 238,108 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 156,375 tỷ đồng). Năm 2023, tổng vốn ngân sách Trung ương giao cho tỉnh là 759,892 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển là 310,809 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 449,083 tỷ đồng).

Quang Nhân - Kim Dung

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thanh-hoa-buoc-dau-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-1719-co-hieu-qua-169230927220603076.htm