'Thánh đường' của những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật

Hơn 100 năm nay, Cô nhi viện Thánh An (nằm trong quần thể tòa thánh Bùi Chu, xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), vẫn ngày ngày thu nhận, nuôi dưỡng những trẻ em khuyết tật, bị bỏ rơi... bởi tấm lòng từ bi của các cha, sự yêu thương của các sơ đã cống hiến đời mình nơi nhà Chúa.

1. Nơi cưu mang những số phận bất hạnh

Từ thành phố Nam Định, đi theo Quốc lộ 21 về huyện Xuân Trường rất dễ tìm về xã Xuân Ngọc - nơi có Tòa Giám mục Bùi Chu nổi tiếng với nét kiến trúc cổ kính. Nơi đây, hòa cùng những tiếng chuông nhà thờ và bài thánh ca ngân vang, ẩn hiện bên trong là một khu nhà đầy ắp tiếng cười trẻ thơ. Cô nhi viện Thánh An được coi là thánh đường của những tâm hồn trẻ thơ thiếu vắng tình cảm gia đình.

Cô nhi viện Thánh An là ngôi nhà ấm cúng của 105 em nhỏ mồ côi, khuyết tật và 5 người già yếu cao tuổi. Đây có thể coi là một "làng" trẻ mồ côi thu nhỏ với 7 dãy nhà được xây dựng khang trang, sạch sẽ, có hệ thống nhà ăn, phòng ngủ, khu bếp, nhà cầu nguyện, khu vui chơi và sinh hoạt chung. Ngoài ra, xung quanh cô nhi viện còn có ao, vườn, chuồng trại được các nữ thiện nguyện chăn nuôi, trồng trọt gia tăng sản xuất, cải thiện bữa ăn cho các em.

Mái ấm yêu thương cho hơn 100 đứa trẻ mồ côi, khuyết tật.

Tại mái ấm này, tình thương không có biên giới. Theo Linh mục Giuse Phạm Ngọc Oanh, Giám đốc cô nhi viện chia sẻ, vào cuối thế kỷ XIX, đời sống của người dân rất khốn khó, nhiều trẻ em bị bỏ rơi vì gia đình thiếu thốn. Đa số các em bị bỏ rơi thường là do đau yếu, bệnh tật cần sự chăm sóc. Vì thế, năm 1852 Linh mục Giuse An (vốn là người Tây Ban Nha, Giám mục Giáo phận Trung - Bùi Chu) đã thành lập cô nhi viện với tên gọi Nhà Dục Anh, để nhận nuôi dưỡng, giáo dục các em nhỏ bị bỏ rơi, mồ côi, khuyết tật từ 12 tuổi trở xuống, không phân biệt lương - giáo. Sau này, Nhà Dục Anh được đổi tên thành thành Cô nhi viện Thánh An – dù thế nhưng tên gọi này giờ vẫn hiện hữu ngay trước cổng cô nhi viện như một phần không tách rời trong lịch sử hình thành và phát triển.

2. Những "người mẹ" thầm lặng nuôi dưỡng nụ cười, tương lai trẻ thơ

Cha Phạm Ngọc Oanh cùng với đội ngũ các sơ đã dành cả cuộc đời mình để chăm sóc và nuôi dưỡng những đứa trẻ này. Sứ mệnh của họ không chỉ dừng lại ở việc cung cấp dinh dưỡng và giáo dục mà còn là việc truyền đạt giá trị tinh thần và tạo ra môi trường gia đình cho các em. Họ là những người hùng thầm lặng, đang thay đổi cuộc đời hàng trăm trẻ em.

Trực tiếp chứng kiến các sơ thiện nguyện làm việc ở đây mới thấu hiểu tình người, tình yêu thương bao la mà chỉ có những người ruột thịt mới có thể làm được. Không quản ngày đêm, các chị chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ, có khi thức trắng đêm vì các con bị bệnh quấy khóc.

Sơ Phạm Thị Tươi (SN 1973, quê ở Thọ Nghiệp, Xuân Trường), phụ trách văn phòng cô nhi viện chia sẻ với chúng tôi rằng: "Nơi đây luôn dang tay đón những trẻ dưới 12 tuổi. Các em nhỏ ở đây đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi em mang trong mình một số phận, hoàn cảnh, nỗi đau riêng nhưng các em cùng chung cảnh ngộ là bị chính gia đình chối bỏ. Có em được phát hiện bị bỏ rơi khi còn nguyên núm rốn bên lề đường, ngoài cổng chuông, bãi rác, trong vườn hoặc ngay khuôn viên giáo xứ. Có em được người thân dẫn vào tận nhà nguyện Thánh An làm lễ, rồi bỏ lại".

Những trẻ bị khuyết tật, bại liệt, phát triển không bình thường sẽ được sinh hoạt tại một khu riêng.

"Cũng có em năm nay đã gần 20 tuổi nhưng tàn tật sống trong hình hài đứa trẻ, ngây ngô và không thể sinh hoạt như người bình thường. Tất cả mọi việc từ sinh hoạt, ăn, ngủ đều phải nhờ các nữ thiện nguyện. Nhưng cũng không ít bé, chưa kịp chăm sóc thì đã chết vì đói rét…", Sơ Tươi nghẹn ngào.

Chính vì lẽ đó, mà những năm gần đây, cô nhi viện còn đón những người phụ nữ lầm lỡ có thai để nuôi dưỡng, đến ngày sinh nở mẹ tròn con vuông, vừa tránh miệng đời chê trách, vừa tránh điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Nụ cười trẻ thơ tiếp thêm nguồn động lực cho Linh mục và vị sơ nơi đây.

Trong số 105 em đang được nuôi dưỡng tại Cô nhi viện Thánh An, Sơ Tươi chia sẻ, có 26 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, bị bại liệt, thần kinh… được sinh hoạt tại một khu riêng. Ở đây, ngoài việc được chăm sóc y tế, các em luôn được các nữ thiện nguyện theo sát để đảm bảo an toàn, tránh những mối nguy hiểm khi lên cơn bệnh.

Đối với các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, cô nhi viện tạo điều kiện cho đi học văn hóa, học nghề nhằm giúp các em tự lập và hòa nhập với cộng đồng. Lớn lên, các em có thể lập gia đình đi ở riêng, hoặc tiếp tục ở lại cô nhi viện phục vụ noi gương Đức thánh Tổ phụ.

Ở một gian phòng nhỏ khu dành cho trẻ tàn tật, có một cô bé tên Thơm, dù mắc phải căn bệnh liệt toàn thân nhưng khuôn mặt xinh xắn và đáng yêu của cô bé luôn toát lên sự tươi sáng và lạc quan. Cô bé ấy đang thể hiện một nỗ lực đáng kinh ngạc đó là "vẽ tranh bằng miệng." Dẫu biết có những hạn chế về cơ thể nhưng tâm hồn và tài năng của cô bé Thơm vẫn tỏa sáng qua từng nét vẽ trên bức tranh.

Thơm - cô bé bị bại liệt toàn thân tại cô nhi viện nhưng có biệt tài vẽ tranh bằng miệng rất đẹp.

Hiện, cô nhi viện đã tạo điều kiện cho 58 nhỏ mồ côi ở độ tuổi đi học từ nhà trẻ đến học sinh trung học, được theo học văn hóa giúp các em có cơ hội được học hỏi và phát triển.

Cùng với Sơ Tươi, hơn 30 chị em khác trong dòng nữ tu nơi đây đều âm thầm làm chiếc cầu nối tâm tư, tình cảm của con người với con người, thắp lên ngọn lửa nhiệt tình sưởi ấm những phận đời éo le, cô đơn và lạnh lẽo. Sơ Tươi tâm sự: "Tôi đã xác định từ đầu là tự nguyện làm việc nên mọi khó khăn vất vả sẽ phải vượt qua".

Sơ Tươi tâm sự, nuôi một hai trẻ đã khó, thế nhưng để chăm sóc cho hàng trăm mảnh đời bất hạnh thì quả là không đơn giản chút nào. Đặc biệt đối với những đứa trẻ khuyết tật, chậm phát triển trí não thì còn gian nan hơn cả. Với mỗi cháu bé lại có tính cách khác nhau, do vậy phải lựa theo tính cách mỗi cháu bé để bảo ban và chăm sóc.

"Đó không phải là những đứa trẻ do chính chúng tôi sinh ra, thế nhưng sứ mệnh cao cả của chúng tôi trở thành người mẹ nuôi dạy chúng thành người. Khi có em bé bị ốm, chúng tôi thức thâu đêm để chăm nom các con".

Cô nhi viện Thánh An Bùi Chu - thánh đường của những mảnh đời bất hạnh là một biểu tượng tinh thần về tình thương, lòng nhân ái và hy vọng. Tại đây, trẻ em không chỉ nhận được sự chăm sóc về vật chất mà còn cảm nhận được sự ấm áp và tình thương bao quanh. Mái ấm này là minh chứng sống về sự đoàn kết của xã hội trong việc giúp đỡ những trái tim nhỏ bé, những người có số phận éo le và đem lại cho họ một tương lai tươi sáng.

Rời Cô nhi viện Bùi Chu, tâm trí tôi vẫn đọng lại hình ảnh của các em nhỏ, những em nằm liệt và chỉ có hai bàn tay hơi ngọ nguậy, những em bệnh thần kinh ngồi bất động... trong ngôi nhà tình thương. Chợt thấy lòng những "người cha nuôi. mẹ nuôi" ở đây, thật bao la rộng lượng vô cùng...

Xem thêm bài viết được quan tâm:

Quỳnh Đinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thanh-duong-cua-nhung-dua-tre-mo-coi-khuyet-tat-169230915144805764.htm