Thành công với món bánh tráng trộn

Bánh tráng trộn là món ăn vặt được nhiều người yêu thích, nhất là giới trẻ. Bằng đôi bàn tay khéo léo, sự chăm chỉ, chị Phạm Thị Hậu (SN 1983, ngụ phường Khánh Hậu, TP.Tân An, tỉnh Long An) khởi nghiệp thành công từ món ăn vặt này và xây dựng nên thương hiệu Bánh tráng Cô Út được nhiều người ưa chuộng.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, thật khó hình dung trước đây, gia đình chị Hậu từng phải “chạy ăn từng bữa”. Chị kể, lúc trước, gia đình chị rất khó khăn, sau nhiều năm trăn trở tìm sinh kế, chị quyết định khởi nghiệp với món bánh tráng trộn. Thời điểm đó (năm 2014), thị trường bánh tráng trộn tại TP.Tân An chưa nhiều như hiện nay.

Dù vốn khởi nghiệp chỉ vỏn vẹn 200.000 đồng nhưng nghĩ là làm, chị Hậu đến làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa (phường 5, TP.Tân An) để mua nguyên liệu và tự nghiên cứu cách làm nước sốt me trộn bánh tráng. Lúc đầu, chị chỉ buôn bán nhỏ ở lề đường.

Trên chiếc xe máy “cà tàng”, mỗi ngày chị Hậu rong ruổi trên đường để mưu sinh. “Lúc đó, 3 đứa con tôi còn nhỏ. Chồng tôi làm tài xế, thu nhập cũng bấp bênh. Tôi chỉ mong mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn đồng để trang trải cuộc sống là mừng lắm rồi!” - chị Hậu tâm sự.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị Phạm Thị Hậu còn tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị Phạm Thị Hậu còn tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động

Không ngại vất vả, chị Hậu dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu để có thể chế biến ra loại bánh tráng trộn có hương vị đặc biệt, "níu chân" được nhiều khách hàng. Nguyên liệu chính là bánh tráng và các loại gia vị quen thuộc như muối, dầu ăn, hành, tỏi, chanh, me,... nhưng chị Hậu biết kết hợp khéo léo, tạo nên hương vị bánh tráng trộn thơm ngon, lạ miệng. Dù chỉ buôn bán nhỏ ở lề đường nhưng vài tháng sau đã có nhiều người tìm đến mua bánh tráng trộn của chị Hậu để ăn hoặc làm quà khi về quê.

Nhờ công việc kinh doanh thuận lợi, khoảng 1 năm sau, chị Hậu có điều kiện mở rộng sản xuất. Không còn buôn bán nhỏ ở lề đường, chị cùng chồng mạnh dạn thuê mặt bằng ở mặt tiền đường lớn để buôn bán thuận tiện hơn và xây dựng Cơ sở Sản xuất bánh tráng trộn Cô Út. Với số tiền tích cóp được cùng sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, chị đầu tư máy trộn bánh tráng và một số máy móc khác phục vụ sản xuất. Nhờ đó, chị có thể tiết kiệm thời gian, từng bước hướng đến sản xuất bánh tráng trộn sạch hoàn toàn bằng máy.

Bánh tráng được đóng gói với bao bì sạch sẽ, có nhãn hiệu, địa chỉ rõ ràng

Bánh tráng được đóng gói với bao bì sạch sẽ, có nhãn hiệu, địa chỉ rõ ràng

Hiện Cơ sở Sản xuất bánh tráng trộn Cô Út có máy trộn bánh tráng, máy nấu dầu điều, máy phi hành tỏi, máy đóng gói,... Chị Hậu chia sẻ: “Là cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nên chúng tôi đặc biệt chú trọng đến việc bảo đảm an toàn thực phẩm, tập huấn và kiểm tra sức khỏe đúng quy định.

Các nguyên liệu, gia vị dùng trong sản xuất được chọn mua ở những cơ sở có giấy xác nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Cùng với đó, tôi đầu tư máy móc phục vụ quá trình chế biến, đóng gói sản phẩm với số lượng lớn. Bánh tráng được đóng gói với bao bì sạch sẽ, có nhãn hiệu, địa chỉ rõ ràng. Bình quân mỗi ngày, cơ sở sản xuất trên 1 tấn bánh tráng thành phẩm cung cấp đến các điểm bán sỉ, lẻ trong và ngoài tỉnh”.

Tính đến nay, chị Hậu có 9 năm gắn bó với nghề sản xuất, kinh doanh bánh tráng trộn. Chị xây dựng thành công thương hiệu Bánh tráng Cô Út và tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động. Hiện chị Hậu tiếp tục đầu tư máy móc theo quy trình khép kín nhằm tạo ra sản phẩm bánh tráng không chỉ ngon mà còn an toàn đến người tiêu dùng./.

Thùy Minh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thanh-cong-voi-mon-banh-trang-tron-a166239.html