Thành công hay thất bại, TPP đã, đang và sẽ thay đổi Việt Nam

Việt Nam là 1 trong 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định này được kỳ vọng thúc đẩy quá trình cải tổ diễn ra hàng chục năm tại Việt Nam. Tuy nhiên, tân Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump – tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận này.

Nhằm đáp ứng những yêu cầu của TPP, chính phủ Việt Nam đang lên kế hoạch đẩy mạnh 30 dự luật riêng biệt liên quan tới lao động, kinh doanh thương mại, vv. Kể từ khi Hiến pháp mới được thông qua năm 2013, các nhà lập pháp Việt Nam đã thông qua hơn 100 dự luật. Đây là đợt thay đổi quy mô lớn nhất kể từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Trong cuộc phỏng vấn tại Hà Nội cuối tuần trước, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện những gì đã lên kế hoạch, tập trung cải thiện hai mảng công nghệ và quản trị doanh nghiệp.

Việt Nam được coi là người hưởng lợi nhiều nhất từ TPP bởi hiệp định này giúp các ngành sản xuất của nước này tiếp cận các thị trường lớn một cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, TPP cũng giúp củng cố mối quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ.

Trong trường hợp Mỹ chính thức rút khỏi TPP, Việt Nam sẽ không mất đi tất cả. Hiệp định được coi là lớn nhất thế giới hiện nay đóng vai trò động lực thúc đẩy những thay đổi cơ cấu. Điều này giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ hơn 6%/năm, nằm trong top đầu tại khu vực châu Á. Thời kỳ mới công bố kế hoạch cải cách doanh nghiệp nhà nước năm 2011, chỉ một phần nhỏ cổ phần được bán ra, quá trình diễn ra chậm chạp khiến nhiều doanh nghiệp rút lại kế hoạch niêm yết.

Sự chuẩn bị tốt

Traphaco JSC hiện là công ty dược lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt Nam. Chủ tịch Traphaco – bà Vũ Thị Thuận – cho biết công ty của bà đang cố gắng chuẩn bị tốt nhất cho tương lai cho dù có hay không TPP. Bởi khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt. Bà Thuận cho biết Traphaco đang dành một khoản lớn để nâng cao tính cạnh tranh, trong đó bao gồm việc xây dựng nhà máy trị giá 22 triệu USD.

Phó vụ trưởng Vụ pháp luật Quốc hội – ông Phạm Trọng Nghĩa– cho biết các công ty trong lĩnh vực xuất khẩu như dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ và các sản phẩm nông nghiệp cũng đang đầu tư nhiều hơn. Sự chuẩn bị kỹ càng giúp các doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh ngay cả khi TPP không có hiệu lực. Ông Nghĩa kết luận rằng TPP là một nhân tố quan trọng trong giai đoạn 2011-2016 – giai đoạn cải cách mạnh mẽ nhất của Việt Nam trong thời kì đổi mới.

Đà cải cách

Theo ông Nghĩa, TPP giúp nâng cao nhận thức của các bên liên quan về tác động của tự do thương mại. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thể hiện quyết tâm giữ đà cải cách được TPP tạo ra.

Nhà kinh tế trưởng Alan Phạm tại VinaCapital Group – công ty quản lý quỹ lớn nhất Việt Nam – nhận định rằng TPP vẽ ra một lộ trình cho đất nước hình chữ S trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Ông Alan nói: “Cho dù có TPP hay không, Việt Nam vẫn sẽ phải cải cách.”. Hiệp định này giúp chính phủ và doanh nghiệp trong nước biết mình phải làm gì để thực sự trở thành một phần của kinh tế toàn cầu.

Hồi tháng 10, chính phủ thông qua một nghị quyết về hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định cam kết tiếp tục mở cửa thị trường. Bộ Tài chính cũng đề xuất các biện pháp hỗ trợ công ty khởi nghiệp, trong đó có việc giảm tỷ suất thuế thu nhập cho doanh nghiệp vừa và nhỏ từ 20% xuống 15%.

Thỏa thuận với Trung Quốc

TPP được Tổng thống Mỹ đương nhiệm – ông Barack Obama – khởi xướng với mục đích kìm hãm sự bành trướng của Trung Quốc. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính TPP chiếm 40% GDP toàn cầu (30.000 tỷ USD) và khi có hiệu lực, thỏa thuận này sẽ giúp GDP của các quốc gia thành viên tăng trung bình 1,1%/năm cho tới năm 2030.

Việt Nam đang tham gia nhiều tổ chức và hiệp định kinh tế toàn cầu

Để đáp trả hành động này của Mỹ, Trung Quốc đang thúc đẩy một thỏa thuận giữa 16 nước mang tên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Việt Nam cũng nằm trong thỏa thuận này.

Tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong trường hợp TPP thất bại, Việt Nam sẽ đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế thông qua 12 thỏa thuận thương mại tự do đã ký kết. Ông Phúc nói: “Sẽ thật tốt nếu có TPP, nếu không, chúng ta vẫn có những kế hoạch hội nhập khác để thực hiện.”

Ngày 11/11, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định rằng các thỏa thuận thương mại hiện nay, nổi bật là 2 thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc, đủ sức giúp Việt Nam nắm bắt cơ hội tăng trưởng trong những năm tới.

Trưởng ban đại diện Vũ Tú Thành của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN cho rằng sự sụp đổ của TPP không tốt nhưng cũng không quá xấu bởi như vậy Việt Nam sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị cho sự cạnh tranh khốc liệt sắp tới

Ông Thành nhận định TPP chỉ làm một phần của quá trình cải cách. Nếu không có TPP, quá trình này vẫn sẽ diễn ra.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/thanh-cong-hay-that-bai-tpp-da-dang-va-se-thay-doi-viet-nam-2016112906149983p145c151.news