Thành công của những đạo diễn 'tay ngang'

Giới điện ảnh thời gian qua xôn xao và ngỡ ngàng trước các phim của diễn viên Trấn Thành và ca sĩ Lý Hải với doanh thu trăm tỷ đồng. Điều ngạc nhiên là cả 2 người đều là “đạo diễn tay ngang” nhưng lại thành công tới mức nhiều đạo diễn nổi tiếng cũng phải ngả mũ vị nể. Trấn Thành với phim Bố già (đồng đạo diễn với Vũ Ngọc Đãng) và mới đây là Nhà bà nữ đều có doanh thu hơn 400 tỷ đồng, đạt kỷ lục Việt Nam. Ca sĩ Lý Hải cũng rầm rộ với phim Lật mặt - Tấm vé định mệnh doanh thu hơn 271 tỷ đồng! Bên cạnh đó, có thể nhắc thêm đạo diễn trẻ Trần Hữu Tấn với những phim: Bắc kim thang, Chuyện ma gần nhà doanh thu 58 tỷ đồng. Điều thú vị là Trần Hữu Tấn xuất thân từ nghề nhân viên giao hàng, pha chế, làm quảng cáo sáng tạo rồi lấn sân sang điện ảnh và thành công. Lý giải sự thành công của các đạo diễn mới này, nhiều nhà chuyên môn đánh giá đó là nhờ họ đã bắt đúng nhịp xu hướng của khán giả. Thêm một yếu tố thành công là thương hiệu của Trấn Thành và Lý Hải đã tạo sức hút khán giả đến rạp xem phim của mình.

Tuy nhiên, thành công của các đạo diễn trẻ “tay ngang” hôm nay không có gì đặc biệt bởi thực tế trước đó có nhiều đạo diễn nổi tiếng của nền điện ảnh Việt Nam đều xuất phát điểm không phải là đạo diễn điện ảnh - phim truyện!

Đạo diễn tiêu biểu nhất chính là Đặng Nhật Minh. Ông là đạo diễn tài hoa bậc thầy của Việt Nam với các phim: Thị xã trong tầm tay. Bao giờ cho đến tháng 10, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi, Đừng đốt…, trong đó Bao giờ cho đến tháng 10 là một trong những phim hay nhất châu Á qua nhiều bình chọn. Vậy nhưng, ông tự nhận mình là “đạo diễn không bằng cấp” bởi ông học phổ thông ở Trung Quốc rồi đi học tiếng Nga ở Liên Xô 2 năm, sau đó về làm chuyên viên ở Bộ Văn hóa. Do Hãng phim truyện Việt Nam thiếu phiên dịch tài liệu về điện ảnh nên đã mời ông sang cộng tác. Rồi ông làm phiên dịch cho nhà điện ảnh nổi tiếng Liên Xô A.Iraghimop, giảng dạy rồi dịch các giáo trình điện ảnh. Vì thế, “dòng sông điện ảnh đã chảy trong máu mình” - ông từng nói thế. Trải qua nhiều năm phụ làm phim tài liệu, một ngày Đặng Nhật Minh mày mò viết kịch bản Thị xã trong tầm tay, dù phim gây tranh cãi nhưng vẫn giành giải Bông sen vàng. Sau đó, đến Bao giờ cho đến tháng 10 thì tên tuổi Đặng Nhật Minh vang danh cho đến tận hôm nay như một đạo diễn xuất sắc hàng đầu của điện ảnh Việt Nam.

Đạo diễn - NSND Hồng Sến gắn với kiệt tác điện ảnh: Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Chiến trường chia nửa vầng trăng…, là một trong những tên tuổi lớn của làng điện ảnh Việt Nam về phim chiến tranh. Riêng bộ phim Cánh đồng hoang đạt giải vàng Liên hoan phim quốc tế Matxcova năm 1981. Tuy nhiên, vị đạo diễn này chưa từng học đạo diễn mà chỉ là quay phim tài liệu, tham gia bộ phim tài liệu lừng danh Nước về Bắc Hưng Hải, Đường ra phía trước đạt giải vàng liên hoan phim tài liệu quốc tế của thập niên 60… Ông tham gia quay phim truyện Lửa trung tuyến, Kim Đồng… Sau ngày đất nước giải phóng, ông chuyển sang làm phim truyện và thành công vang dội. Ông được phong tặng NSND đợt đầu tiên năm 1996.

Cùng với đó, chúng ta có thể kể đến đạo diễn NSND Trần Phương - chàng A Phủ năm xưa chuyển sang làm đạo diễn với những phim nổi tiếng: Tội lỗi cuối cùng, Đứng trước biển, Mưa rơi trong thành phố, Dòng sông hoa trắng… Trần Phương là diễn viên lứa đầu với nhiều vai chính suốt thập niên 60, 70. Sau đó, ông chuyển sang làm đạo diễn phim và rất thành công.

Thời kỳ đổi mới có Lê Hoàng - từ nhà biên kịch nổi tiếng Vị đắng tình yêu 1, sang Vị đắng tình yêu 2 từ biên kịch ông kiêm luôn đạo diễn. Lê Hoàng được công nhận là đạo diễn có tài, có cá tính khi cho ra đời các phim: Lưỡi dao, Ai xuôi vạn lý, Những chìa khóa vàng, đặc biệt là những bộ phim làm cháy vé phòng chiếu như: Gái nhảy, Trai nhảy.

Và còn rất nhiều người “sang ngang” từ diễn viên như các đạo diễn: Trần Cảnh Đôn, Lê Cung Bắc, Đặng Lưu Việt Bảo, Nguyễn Hữu Mười, Đào Bá Sơn, Đặng Tất Bình, Quang Đại, Hà Văn Trọng, Trần Vịnh… Các đạo diễn đều thành công trong mảng phim truyện và truyền hình, là nòng cốt cho nền điện ảnh Việt Nam suốt thời gian dài.

Ngẫm ra, nếu được học hành bài bản nghề đạo diễn thì quá quý, nhưng đó không phải yếu tố bắt buộc trong nghề. Những đạo diễn “tay ngang” đã nỗ lực rất nhiều để vươn lên và thành công.

DƯƠNG MY ANH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202307/thanh-cong-cua-nhung-dao-dien-tay-ngang-3dd3b5a/