Thanh Ba sử dụng hiệu quả diện tích đất nông nghiệp sau dồn đổi, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa

PTĐT - Tiếp nối những thành công trong công tác dồn đổi ruộng đất, năm 2019 nhằm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, huyện Thanh Ba tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhiều mô hình sản xuất rau, củ quả sạch xuất hiện ở Thanh Ba khi thực hiện có hiệu quả việc dồn đổi ruộng đất tại các xã trên địa bàn.

Nhiều mô hình sản xuất rau, củ quả sạch xuất hiện ở Thanh Ba khi thực hiện có hiệu quả việc dồn đổi ruộng đất tại các xã trên địa bàn.

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15/4/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Ba đã xây dựng và ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 25/11/2016 về công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đến năm 2020. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, năm 2018, huyện Thanh Ba hoàn thành công tác dồn đổi ruộng đất với tổng diện tích trên 1.300ha, 36.778 thửa và 7.931 hộ tham gia dồn đổi, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch trước 2 năm. Sau dồn đổi giảm 21.393 thửa, trung bình còn 1-2 thửa/hộ, giảm từ 3-5 thửa/hộ. Từ đó, huyện đã tiến hành quy hoạch, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, khắc phục tình trạng manh mún, phân tán về ruộng đất, đem lại nhiều thuận lợi trong sản xuất và thu hoạch nông sản.
Năm 2019, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp sau dồn đổi theo Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐND ngày 19/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Nghị quyết số 11/NQ-HĐND, ngày 05/8/2016 của HĐND huyện Thanh Ba về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với cơ chế hỗ trợ các chương trình nông nghiệp trọng điểm trên địa bàn giai đoạn 2016-2020, huyện đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn sự nghiệp từ chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới,

chương trình giảm nghèo bền vững để triển khai thực hiện các mô hình phát triển nông nghiệp. Nhằm tiếp tục phát huy thế mạnh của 3 tiểu vùng và sử dụng có hiệu quả quỹ đất sau dồn đổi, huyện đã tích cực xây dựng những vùng sản xuất lớn, khuyến khích các hộ dân chuyển nhượng, dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện tích tụ ruộng đất, chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang phát triển các trang trại, gia trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong đó ưu tiên sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng cao hướng đến sản xuất hàng hóa...
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao cho UBND huyện tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra bám sát tình hình sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, được cơ giới hóa vào sản xuất, chú trọng các giải pháp quy hoạch đất đai, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến khích phát triển sản xuất, quản lý tình hình dịch bệnh… Để giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, liên kết hóa trong sản xuất, doanh nghiệp hóa sản phẩm và xã hội hóa đầu tư… huyện tăng cường khuyến khích các công ty, doanh nghiệp, các tập thể, cá nhân vào đầu tư liên kết theo chuỗi giá trị, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất để tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nhân dân. Xác định phát triển nông nghiệp trọng điểm theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với khai thác có hiệu quả diện tích đất nông nghiệp sau dồn đổi là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, quyết tâm của Nhân dân, sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển ổn định và có bước tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân luôn đạt 4,2%/năm trở lên. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 374,3 tỷ đồng, tăng 3,5% so cùng kỳ. Các dự án sản xuất nông nghiệp hàng hóa tiếp tục được triển khai tích cực, hiệu quả. Đến nay, huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa như sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, mô hình nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi trang trại gắn với bảo vệ môi trường...

Mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Lương Lỗ.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Lương Lỗ.

Việc hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất cho hiệu quả và thu nhập cao. Tiêu biểu như các mô hình: Trồng hoa ở xã Đại An với diện tích 7.000m2, kinh phí hỗ trợ 520 triệu đồng, trừ chi phí lãi từ 900 triệu đồng/năm; mô hình sản xuất rau sạch trong nhà màng xã Thanh Hà với quy mô 2.400m2, kinh phí hỗ trợ 3 tỷ đồng, thu nhập bình quân trừ chi phí 600 triệu đồng/năm; mô hình trồng cây gai xanh AP1 lấy sợi xã Hoàng Cương với quy mô 10ha..., lợi nhuận đạt 960 triệu đồng/năm...Ngoài các mô hình có quy mô và áp dụng công nghệ cao, huyện đã chỉ đạo thực hiện khảo nghiệm các mô hình như nuôi trai lấy ngọc nước ngọt tại xã Đỗ Sơn, nuôi dê thương phẩm tại xã Vân Lĩnh, nuôi lươn không bùn tại thị trấn Thanh Ba, mô hình chuối tiêu hồng, gà thương phẩm ở Đỗ Sơn... bước đầu đạt hiệu quả tốt, phù hợp phát triển trên địa bàn huyện, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cho nhân dân. Để sản phẩm đầu ra có sự liên kết theo chuỗi sản xuất ổn định và bền vững, thời gian tới, huyện sẽ chú trọng đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, chỉ đạo các xã vận động Nhân dân tiếp tục dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất lớn, tập trung theo hướng hàng hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Trong đó, tiếp tục phát triển mô hình trồng bưởi chất lượng cao với quy mô trên 100ha tại xã Đông Thành; mô hình liên kết sản xuất chè theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm đối với cây chè xanh tại xã Đông Lĩnh, Vân Lĩnh, Hanh Cù, Thanh Vân… với diện tích trên 300ha; tập trung phát triển dự án chè búp tím giá trị cao; liên kết sản xuất cây gai xanh AP1 với quy mô 500ha tại xã Hoàng Cương, Thanh Xá và các xã có diện tích đất cao hạn, đất đồi; tiếp tục phát triển liên kết HTX rau an toàn tại xã Thanh Hà, Đỗ Xuyên với diện tích trên 80ha; tập trung phát triển mở rộng diện tích các mô hình, làng nghề trên địa bàn các xã Đỗ Xuyên, Yển Khê…Đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất. Quan tâm công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa, hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì, xây dựng đăng ký thương hiệu. Bên cạnh đó tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hỗ trợ thông tin, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và xuất khẩu cho bà con Nhân dân.Việc sử dụng có hiệu quả vốn đất sau dồn đổi gắn với tăng cường sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đã góp phần không nhỏ phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa và gắn với tiêu thụ, tạo thành chuỗi giá trị bền vững. Tin tưởng thời gian tới các sản phẩm nông nghiệp của huyện sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng đưa Thanh Ba sớm về đích là huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Nguyễn Văn ĐứcBí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Ba

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201911/thanh-ba-su-dung-hieu-qua-dien-tich-dat-nong-nghiep-sau-don-doi-phat-trien-san-xuat-theo-huong-hang-hoa-167641