Thăng trầm nghề nuôi hươu hái lộc

Khi những mầm xanh đang vươn mình chào Xuân cũng là lúc người nông dân huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vào vụ thu hoạch lộc nhung. Cái nghề nuôi hươu đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng với người dân nơi đây, con vật này được coi trọng như là 'báu vật'.

Phấn khởi đón lộc đầu Xuân

Sáng sớm đầu năm, ông Võ Văn Tuấn, trú xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn lại tất bật công tác chuẩn bị hạ lộc nhung hươu 4 năm tuổi. Dù trải qua nghề nuôi hươu sao trên 30 năm, nhưng mỗi lần nhung đến ngày thu hoạch, lão nông này lại rạo rực.

"Năm nay lộc đến sớm hơn, giá đầu mùa cũng cao nên vui lắm. Giờ hàng xóm đến đông đủ rồi, chuẩn bị công tác để hạ lộc thôi", ông Tuấn vui mừng nói. Nói xong, ông Tuấn vội vàng chạy vào nhà lấy rượu nếp trắng đổ vào bát, đốt rơm, hong lá chuối để chuẩn bị cắt nhung. Theo ông Tuấn, hươu rất nhát, nên để cắt nhung phải nhờ 4-5 người hàng xóm cùng giúp sức.

Nghề nuôi hươu sao lấy nhung đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Cầm trên tay dây thừng được cột từ đầu sào bằng tre, ông Tuấn lồng qua thanh chắn cửa ở chuồng để bẫy hươu. Khi con hươu sa vào bẫy, ngã xuống nền, ông Tuấn cùng những người hàng xóm trói chân, ghì chặt rồi dùng chiếc lưỡi cưa nhỏ, nhẹ nhàng cắt lần lượt cặp sừng mọc trên đầu.

Đón lấy cặp nhung màu hồng, mới chỉ có một nhánh phụ bóp thấy mềm, ông Tuấn giải thích đây là nhung yên ngựa. "Nhung yên ngựa tức là nhung còn mềm, còn non. Như cặp này nặng khoảng 700gram. Giá nhung đầu mùa từ 12-14 triệu đồng/lạng, gia đình thu về khoảng 8 triệu đồng", ông Tuấn phấn khởi nói.

Người dân cắt lộc nhung hươu.

Với kinh nghiệm cắt nhung hươu lâu năm của mình, ông Tuấn giải thích, mỗi cặp nhung đầu mùa nặng trên dưới nửa cân là tốt nhất. Cắt đúng kỳ là nhung từ 43 đến 45 ngày, kể từ lúc nhú sẽ cho chất lượng tốt nhất. Nếu để lâu cân nặng, nhung cứng, khô cũng mất chất, còn cắt trước 40 ngày thì nhung còn non, chưa đủ chất.

Trong gian chuồng rộng chừng 60m2, ông Tuấn phân thành từng ngăn nhỏ để nuôi 8 con hươu. Mỗi ngăn sẽ nuôi một con hươu, thức ăn chủ yếu là lá rừng, cỏ và sắn, ngô. Hươu nái nuôi giống, mỗi năm thuận lợi sẽ sinh một chú hươu con. Còn đối với hươu đực, mỗi năm sẽ cho ra 1-2 cặp nhung.

Ông Tuấn bật mí thêm, muốn nuôi hươu đạt hiệu quả thì phải chọn được con giống tốt. Ngoài ra thức ăn phải đảm bảo, đặc biệt trong giai đoạn hươu bắt đầu ra lộc. Với quy trình nuôi khép kín, mỗi năm gia đình ông Tuấn thu về từ 50-80 triệu đồng từ nghề bán nhung hươu. "Bình thường chỉ cho ăn các loại lá cây như cỏ sữa, lá mít, còn khi hươu bắt đầu lên lộc phải cho ăn bổ sung ngô non, khoai sắn, gạo nếp, mít non, quả sung. Nghề này tuy vất vả, nhưng bù lại dịp đầu năm mới có thu nhập nên dân cũng phấn khởi", ông Tuấn chia sẻ.

Ông Võ Văn Tuấn phấn khởi thu hoạch lộc nhung.

Là một trong những hộ nuôi hươu nhiều ở xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, ông Nguyễn Văn Luận (60 tuổi) chia sẻ, nhờ nuôi con vật này, gia đình khấm khá hơn khi tậu được xe mới, có của ăn của để. Đặc biệt 3 người con học đại học cũng nhờ nuôi hươu. Nhắc đến nghề nuôi hươu, ông Luận vui khi từ năm 2019 đến nay, giá hươu tăng, nhung hươu được nhiều người tin dùng nên dân rất phấn khởi.

"Nay giá nhung, giá hươu giống tăng lên nhiều so với trước. Nhưng cũng không biết kéo dài được lâu hay không, bởi cái nghề này lúc trầm lắng, lúc thịnh vượng cũng khiến không ít gia đình lao đao", ông Luận chia sẻ.

Theo ký ức của lão nông này, nghề nuôi hươu ở Hương Sơn có từ lâu đời. Vào thời điểm năm 1980, cả huyện số lượng hươu chỉ đếm trên vài ngàn con. Nhung hươu rất giá trị, thu hoạch xong chuyển ra Hà Nội chế biến thành thuốc bổ cao cấp. Giá nhung lúc đó cũng rất cao, mỗi con hươu cái ba tháng tuổi khoảng 50-60 triệu đồng. "Vì hươu lúc đó giá cao, cứ 7-8 gia đình góp nhau chung tiền mua một con hươu. Khi đó hươu nái giá trị hơn khi có thể nuôi để lấy giống. Nhà nào có hươu thì được xem như là đại gia ở vùng này", ông Luận nhớ lại.

Thức ăn của Hươu chủ yếu là lá cây.

Giá hươu trên trời, người mua như trẩy hội. Cả xóm lũ lượt bán gà, bán thóc, bán trâu bò để gom tiền xin chung chi để nuôi hươu với mong muốn "đổi đời". Họ xem hươu như là tất cả, bao nhiêu tiền của cũng muốn trở thành chủ sở hữu của một phần con hươu.

"Lúc đó ai có tiền xin bỏ vào một phần chân hươu, tức là sở hữu một phần trong con hươu này. Nhưng khổ nỗi lúc đó, do sự hiểu biết về kỹ thuật nuôi còn kém, người dân lại chăm bẵm quá kỹ. Cứ nghĩ bồi bổ nhiều món cao lương hươu sẽ béo khỏe, trong khi đó nó lại là con vật ăn thanh cảnh, chỉ khoái khẩu những món lộc cây có mủ nên hươu thường xuyên bị bệnh đường ruột và chết nhiều", ông Luận nói.

Dấu mốc năm 1993 có lẽ là thời điểm thê thảm nhất của nghề nuôi hươu khi giá rớt xuống thấp. Từ chỗ hươu trưởng thành có giá 50 - 60 triệu đồng/con thì vào thời điểm ấy, giá hươu chỉ còn khoảng 300 - 500 nghìn đồng/con, đã khiến nhiều gia đình đã lâm vào cảnh nợ nần, chẳng thể bám trụ với con hươu. Không ít hộ chăn nuôi đã phải bỏ nghề, bán hươu cho các lò mổ để chuyển hướng làm ăn. Mãi đến năm 1999, giá hươu sao khởi sắc và tăng lên từng ngày, nhờ thế, việc chăn nuôi, buôn bán lộc và thịt hươu cũng thuận lợi hơn.

Huyện miền núi thu 200 tỷ mỗi năm

Từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch là chính vụ thu hoạch lộc nhung. Đến mùa hạ lộc, khắp nẻo đường miền quê Hương Sơn nườm nượp đón từng tốp khách đến trải nghiệm cắt lộc nhung. Vừa xem nông dân cắt nhung hươu, anh Nguyễn Trọng Đồng (trú TP Hà Tĩnh) bày tỏ sự thích thú khi "giải mã" được những thắc mắc bao năm nay.

"Trước đây cứ nghĩ cắt nhung hươu là bạo lực, làm tổn thương con hươu. Nhưng giờ mới biết cắt sừng vừa để hươu bảo vệ sức khỏe, còn giúp người dân có thu nhập khá. Hươu cắt xong sang năm sau nó lại mọc sừng lên tiếp. Khi đến xem, được nghe dân kể chuyện mới hiểu đến những khó khăn trong nghề, họ nuôi một năm mới có được cặp nhung hươu cho thu hoạch, so với công sức đã bỏ ra thì không đáng kể", anh Đồng nói.

Những năm gần đây, các hộ dân ở Hương Sơn đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác.

Trải qua nhiều thăng trầm, những năm gần đây, ngoài việc phát triển tổng đàn, nhờ được đầu tư chăm sóc, tập huấn đầy đủ kiến thức nên các sản phẩm từ nhung hươu được nhiều người biết đến. Nhung hươu là một trong bốn loại thuốc quý (sâm, nhung, quế, phụ) có tác dụng bổ dương, thận, tủy; ích khí huyết sinh tinh, làm mạnh gân xương, điều hòa kinh mạch. Nhung hươu thường sử dụng trong các trường hợp trẻ em suy dinh dưỡng, chậm lớn, chậm phát triển về trí tuệ, thể lực; đàn ông thiếu tinh trùng, bất lực về sinh lý, mệt mỏi, ù tai, hoa mắt, lạnh tứ chi; đàn bà hiếm muộn do lạnh tử cung, thận suy, đau lưng, tâm nhược, xuất huyết tử cung.

Chính vì tác dụng bồi bổ thượng đẳng của nó mà hồi xa xưa nhung hươu là thứ dâng vua chúa, thời nay thì giá nhung khá cao, nên nhiều gia đình có điều kiện mới có thể mua sử dụng để bồi bổ sức khỏe. Theo người dân Hương Sơn, hươu dễ chăm sóc, lượng thức ăn ít hơn so với nhiều các loại gia súc khác nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Trước đây mỗi cặp nhung bình quân từ 0,5 đến 1kg, nhưng mấy năm gần đây, có những con giống tốt thu lộc lên đến 5kg.

Nhung hươu được coi là một trong 4 thượng dược (sâm, nhung, quế, phụ) có tác dụng bồi bổ sức khỏe, phòng và chữa bệnh hàng đầu cho con người.

Gia đình chị Hoàng Thị Thanh (ở thôn Kim Cương 2, xã Sơn Kim 1, Hương Sơn) cho biết, năm nay gia đình chị nuôi 20 con hươu, vụ nhung năm nay có 12 con cho thu hoạch.

"Nuôi hươu không phải đầu tư nhiều về chuồng trại, cách chăm sóc dễ dàng. Nhờ nuôi hươu mà gia đình tôi có cuộc sống khá giả hơn so với trước. Không chỉ gia đình tôi, nhiều hộ dân trên địa bàn có thu nhập rất khá từ nghề nuôi hươu lấy nhung này", chị Thanh nói.

Nhung hươu được thái lát mỏng, sấy khô để tiện cho người sử dụng. Ảnh:TL.

Từ năm 2019, khi các sản phẩm chế biến từ nhung hươu được công nhận sản phẩm OCOP đã nâng cao giá trị của nhung hươu Hương Sơn, giúp đặc sản địa phương vươn tầm, rộng khắp thị trường, được người tiêu dùng cả nước đón nhận.

Trước đây, người dân chỉ có sản phẩm duy nhất là nhung hươu tươi khiến doanh thu bấp bênh, thị trường bó hẹp do phụ thuộc vào mùa vụ và không có phương thức bảo quản. Thông qua chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP của tỉnh, huyện, những năm gần đây, các hộ dân ở Hương Sơn đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhung hươu.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn, toàn huyện có hơn 44.500 con hươu. Riêng Tết năm nay, dự kiến sẽ có khoảng 21.000 con cho nhung với sản lượng ước tính khoảng hơn 18,9 tấn, ước đạt sẽ thu được trên 200 tỷ đồng từ việc bán lộc nhung.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Kiều Hưng cho biết, nuôi hươu sao lấy nhung được xem là loài vật phát triển kinh tế chủ lực của người dân miền núi Hương Sơn, giúp bà con có nguồn thu nhập tốt, ổn định cuộc sống. Hương Sơn chọn phát triển các sản phẩm OCOP từ nhung hươu.

Tuy nhiên, theo ông Hưng thì mô hình này cũng yêu cầu và đòi hỏi rất cao khi ngoài là sản phẩm sạch thì còn yêu cầu phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, từ chăn nuôi đến sản xuất phải tuần hoàn, các sản phẩm gắn với chế biến sâu thành các sản phẩm OCOP đưa ra thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu sang các nước.

"Để chọn xã tham gia vào mô hình này cũng phải hội tụ nhiều yếu tố để có thể thực hiện được dự án. Sơn Giang được xem là xã có tổng đàn hươu lớn nhất toàn huyện Hương Sơn, là một trong những địa phương có kinh nghiệm về nuôi hươu từ lâu đời. Ngoài ra trên địa bàn xã còn có những mô hình nuôi hươu tuần hoàn lớn nhất toàn huyện, đó được xem là một trong những điều kiện thuận lợi để giúp liên kết, nhân rộng ra các hộ khác", Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho hay.

Minh Thùy - Nguyễn Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thang-tram-nghe-nuoi-huou-hai-loc-169240131153814803.htm