Thăng trầm nghề đóng xuồng

Nghề đóng xuồng, ghe ở tỉnh ta hình thành và phát triển từ hàng chục năm trước, nhưng nay đang dần mai một.

Hoạt động cầm chừng

Tây Ninh có sông Vàm Cỏ Đông chảy ngang qua địa phận với chiều dài hơn 100km. Hai bên sông Vàm là hệ thống kênh, mương, rạch khá phong phú. Giao thông đường thủy ở tỉnh tương đối phát triển. Nhu cầu sử dụng xuồng ghe nhiều nên từ xa xưa, ven sông Vàm Cỏ Đông đã hình thành nghề đóng xuồng, ghe.

Cơ sở đóng thuyền Mai Bê (ấp Trường Huệ, xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành) tọa lạc gần cầu Rạch Rễ Giữa, ven quốc lộ 22B và sát bờ sông Vàm Cỏ Đông nay hoạt động cầm chừng. Trong mái che, chất chồng lên nhau hàng chục chiếc xuồng 7 lá với kích cỡ nhỏ, chờ khách đến mua. Những phương tiện này chủ yếu dùng để làm cảnh trong các khu du lịch hay trưng bày nông sản trong các hội chợ, chợ hoa xuân...

Bà Mai Thị Bê, sinh năm 1957- chủ cơ sở đóng thuyền Mai Bê kể, quê của bà ở tỉnh Tiền Giang, ông nội vốn có nghề đóng xuồng, ghe. Năm 1961, ông nội lên Tây Ninh sinh sống và mở trại đóng xuồng, ghe tại khu đất trống gần cầu Rạch Rễ Giữa. Ông nội qua đời thì đến thế hệ cha của bà nội nghiệp. “Những năm đó, gia đình tôi đóng nhiều chiếc ghe lớn, có trọng tải từ 200-300 tấn. Lúc đó tôi thường xuyên phụ cha uốn ván trên lửa để đóng ghe và trét dầu chai trong những kẽ ván nên tôi biết rành nghề này”- bà Bê nhớ lại.

Khi cha mẹ qua đời, đến lượt vợ chồng bà nối nghiệp, những năm trước đây, trên địa bàn tỉnh còn nhiều cây sao- loại cây chuyên dùng đóng xuồng, ghe- có đường kính lớn, gia đình bà còn đóng được những loại xuồng ba lá, ghe tam bản. Mỗi năm, vợ chồng bà bán cả trăm chiếc xuồng, ghe các loại cho người dân Tây Ninh và các tỉnh miền Tây.

“Thời đó, chiếc xuồng, chiếc ghe gắn bó rất thiết thân với những người dân ruộng đồng miền Đông, miền Tây Nam bộ. Chiếc xuồng được dùng để bà con đi chợ, ra đồng, đưa con đi học, chở người thân đi trạm xá, bệnh viện, chở lúa, đánh bắt cá trên sông…”, bà Bê nói.

Những năm gần đây, nguyên liệu gỗ chuyên dùng đóng xuồng, ghe ngày càng hiếm, giá cả đắt đỏ, cộng thêm công nghệ sản xuất phương tiện giao thông đường thủy bằng nhựa composite ra đời, dần dần thay thế những chiếc ghe, xuồng bằng gỗ nên nghề gia truyền của gia đình bà không còn thích hợp. Hiện nay, trong cơ sở đóng thuyền Mai Bê đang bày bán hàng chục chiếc xuồng thành phẩm, nhưng buôn bán ế ẩm.

Cần được quan tâm, hỗ trợ

Vài năm trước, chồng bà Bê qua đời, con thì đi học đại học và công tác ở TP. Hồ Chí Minh. Còn một mình nên bà Bê chuyển dần từ việc sản xuất những chiếc ghe, xuồng nhỏ có trọng tải lớn sang đóng xuồng nhỏ, có chiều dài từ 1,5 đến 3 mét, dùng để làm cảnh trong các ao đìa hoặc trưng bày hoa quả. Số lượng thợ làm nghề đóng xuồng tại cơ sở thuyền Mai Bê cũng giảm dần theo nhu cầu công việc.

Theo lời chủ cơ sở, hơn 30 năm trước, trong cơ sở của gia đình bà luôn có 5-7 người thợ chuyên kiếm sống bằng nghề này. Những năm gần đây, nhiều thợ thuyền đã giải nghệ, chuyển sang làm thuê làm mướn. “Khi nào có đơn đặt hàng, tôi mới gọi điện thoại một vòng, tìm xem có người thợ nào rảnh thì nhờ đến đóng xuồng, chứ họ không ở túc trực tại nhà như những năm trước”- chủ cơ sở thuyền Mai Bê bộc bạch.

Sau vài lần ghé thăm, chúng tôi mới gặp được người thợ đóng xuồng cho bà Bê. Đó là ông Lương Thanh Hưng, 57 tuổi, ngụ ấp Cẩm Long, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu. Ông Hưng học nghề này từ khi 14 tuổi. Lớn lên, ông làm thợ cho trại đóng xuồng, ghe ở xã Cẩm Giang.

Sau khi trại xuồng, ghe ở đó giải thể, ông mới lên làm thợ đóng thuyền cho cơ sở bà Bê đến nay. Ông Hưng nhớ lại: “Nghề này thịnh hành nhất vào khoảng từ năm 1996 đến năm 2000. Những năm đó, nước lụt thường xuyên dâng cao, nên người dân có nhu cầu sử dụng xuồng ghe nhiều.

Thời điểm đó trong xóm ông có 6-7 người chuyên làm nghề đóng xuồng. Mỗi ngày cha con tôi làm được từ 1 đến 2 chiếc xuồng. Hiện nay, anh em đã giải nghệ, chỉ còn một mình tôi theo nghề”. Ông Hưng có người con trai cũng thạo nghề này và từng theo cha hành nghề nhiều năm, nhưng hiện nay con của ông đã buông dụng cụ, trở thành công nhân trong một công ty ở khu công nghiệp. “Tôi nhiều lần kêu con trai nối nghiệp đóng xuồng, ghe nhưng nó không chịu. Vài năm nữa, tuổi cao, sức yếu, chắc tôi cũng bỏ nghề”- người thợ già nhìn xa xăm.

Theo lời ông Hưng, chiếc xuồng nhìn đơn giản nhưng để hoàn thành được một chiếc là cả một dây chuyền sản xuất từ cưa xẻ gỗ, phơi gỗ, cưa, bào, đục, uốn ván, trét dầu chai v.v… Quan trọng nhất là tay nghề búng mực, phải làm sao cho thật chính xác thì khi cưa, ráp các bộ phận của chiếc ghe, xuồng mới ăn khớp với nhau. Quá trình sản xuất này đòi hỏi người thợ mộc phải giỏi nghề, nhiều kinh nghiệm, kiên nhẫn mới hoàn thành được. Vì vậy, hiện nay ít có người nào đủ kiên nhẫn theo học nghề này.

Sát bên cạnh cơ sở đóng thuyền Mai Bê là cơ sở đóng xuồng ghe Bảy Phước. Bà Bê cho hay, cơ sở này của người em ruột trong gia đình. Nhiều năm trước, cơ sở Bảy Phước cũng chuyên nghề sản xuất xuồng, ghe, nhưng những năm gần đây chủ yếu chuyển sang kinh doanh loại vỏ lãi bằng nguyên liệu nhựa composite.

Cách cơ sở đóng thuyền Mai Bê vài trăm mét cũng có một cơ sở đóng xuồng, ghe khác, nhưng nhiều lần chúng tôi đến thăm, thấy nơi này không có thợ thuyền nào hành nghề. Trong sân cũng đang trưng bày vài chục chiếc xuồng nhỏ và vỏ lãi nhựa composite.

Hệ thống đường giao thông nông thôn ngày càng được nâng cấp mở rộng. Khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ. Phương tiện giao thông đường thủy bằng nguyên liệu nhựa composite dần đẩy lùi những chiếc xuồng ghe bằng gỗ vào quá khứ. Đấy là sự đi lên tất yếu của xã hội.

Tuy không nổi tiếng và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể như làng nghề đóng ghe xuồng Rạch Bà Đài ở tỉnh Đồng Tháp, nhưng nghề đóng xuồng ghe ở Tây Ninh đã tồn tại hơn 60 năm. Hiện nay, làng nghề này đang đứng trước nguy cơ mai một và có thể biến mất trong tương lai, rất cần chính quyền địa phương và ngành chức năng có chính sách duy trì, bảo tồn làng nghề; qua đó tạo thêm nhiều sản phẩm phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan, du ngoạn của đông đảo khách thập phương khi đến vùng đất Tây Ninh.

Ông Hưng- thợ đóng xuồng của cơ sở Mai Bê.

Ông Hưng- thợ đóng xuồng của cơ sở Mai Bê.

Bà Bê kiểm tra kích thước các chiếc xuồng.

Bà Bê kiểm tra kích thước các chiếc xuồng.

Ông Hưng- một trong số ít thợ còn gắn bó với nghề đóng xuồng ghe.

Ông Hưng- một trong số ít thợ còn gắn bó với nghề đóng xuồng ghe.

Ông Hưng với bà Bê cẩn thận nắn nót từng đường bào, mũi đinh để có được chiếc xuồng đạt chất lượng tốt nhất.

Ông Hưng với bà Bê cẩn thận nắn nót từng đường bào, mũi đinh để có được chiếc xuồng đạt chất lượng tốt nhất.

Hàng chục chiếc xuồng ế ẩm ở cơ sở đóng thuyền Mai Bê đang chờ khách hàng đến mua.

Hàng chục chiếc xuồng ế ẩm ở cơ sở đóng thuyền Mai Bê đang chờ khách hàng đến mua.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/thang-tram-nghe-dong-xuong-a162969.html