Thẳng thắn, rõ giải pháp

Tại Kỳ họp thứ Mười hai, HĐND tỉnh Bắc Ninh khóa XIX, HĐND tỉnh đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề được cử tri và dư luận rất quan tâm là việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đối với các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp... Lãnh đạo các sở có liên quan đã thẳng thắn, trách nhiệm, trả lời đúng trọng tâm và làm rõ nội dung chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Như Hùng cho biết, tại Nghị quyết số 176/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phân bố vốn đầu tư công năm 2023; riêng các công trình giao thông giao cho ngành giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, đã phân bổ 2.541 tỷ đồng cho 21 dự án. Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành, đến ngày 5.6.2023, mới giải ngân được 371,5 tỷ đồng, đạt 15% kế hoạch. Đại biểu đề nghị, Giám đốc Sở GTVT nêu nguyên nhân đạt tỷ lệ giải ngân thấp, giải pháp trong thời gian tới?

Các đại biểu chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Khánh Duy

Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Minh Hiếu cho biết, Sở GTVT thực hiện giải ngân vốn đầu tư giao kế hoạch năm 2023 là 1.015/2.571 tỷ đồng cho 25 dự án, gồm: 12 dự án chuyển tiếp; 9 dự án khởi công mới và 4 dự án chuẩn bị đầu tư.

Tính đến thời điểm hiện tại (5.7.2023), Ban quản lý Dự án xây dựng giao thông Bắc Ninh (Chủ đầu tư) đã thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công được 39%. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GTVT cũng thẳng thắn thừa nhận, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chưa đạt yêu cầu đặt ra, chủ yếu liên quan đến các thủ tục giải quyết vướng mắc đầu tư do Trung ương giải quyết tại một số dự án lớn.

Đơn cử nhưDự án đầu tư xây cầu Kênh Vàng và đường dẫn 2 đầu cầu qua 2 tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương, cần xin Quốc hội sửa Luật; vì dự án đi qua địa phận 2 tỉnh, chưa phân định rõ chủ đầu tư... Đối với Dự án Đầu tư xây dựng đường ĐT.285B - đoạn từ đường ĐT.295 đến QL.3 mới, huyện Yên Phong; đường ĐT.287 xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong đi phường Đồng Nguyên, TP. Từ Sơn cũng gặp vướng mắc do công tác chuyển đổi đất lúa có diện tích trên 10ha phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc, cần xác định nguồn gốc đất do lịch sử để lại, đã ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công… Cùng với đó là việc các nhà thầu thi công cầm chừng do giá cả các loại vật tư, vật liệu biến động; chênh lệch lớn giữa giá thực tế ngoài thị trường với thông báo giá của cơ quan có thẩm quyền...

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Minh Hiếu cho biết, sẽ tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các chủ đầu tư, phân công rõ trách nhiệm cho lãnh đạo đơn vị phụ trách từng Dự án để trực tiếp chỉ đạo, giải quyết tháo gỡ khó khăn, kịp thời tham mưu đề xuất với lãnh đạo Sở xem xét, giải quyết, nhằm đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2023 và các năm tiếp theo.

Theo các đại biểu, Sở GTVT cần tăng cường kiểm tra, rà soát năng lực thực tế của các nhà thầu thi công công trình bị chậm tiến độ để có biện pháp xử lý, giải quyết dứt điểm. Trường hợp nhà thầu không đủ năng lực để thực hiện thi công, đề nghị chủ đầu tư xem xét điều chuyển khối lượng còn lại cho nhà thầu khác trong liên danh hoặc xem xét thanh lý hợp đồng theo quy định; đồng thời, chỉ đạo nhà thầu tập trung triển khai thi công, hoàn thành dứt điểm các hạng mục công trình đối với các đoạn tuyến đã được bàn giao mặt bằng, đủ điều kiện triển khai thi công; không chờ địa phương bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch mới triển khai thi công, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Tăng cường kết nối cung, cầu lao động

Đại biểu Chu Quang Hảo chất vấn do tình hình kinh tế khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, một số lao động nghỉ việc về quê, một số chuyển khu công nghiệp khác. Tình trạng lao động nghỉ việc nhiều dẫn đến nhiều hệ lụy trong công tác tuyển dụng sau này… Đại biểu băn khoăn về giải pháp giải quyết vấn đề này, nhất là khi nền kinh tế phục hồi cần tuyển dụng nhiều lao động.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Nhân Chinh cho biết, tính đến ngày 31.5.2023, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là trên 17.000 doanh nghiệp, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp trên 426.000 người. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian tới tiếp tục có xu hướng suy giảm, dự báo từ nay đến cuối năm 2023, tổng số lao động sẽ tiếp tục bị cắt giảm khoảng 20.000 lao động, nhưng bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng của một số doanh nghiệp cũng tăng với khoảng trên 20.000 lao động.

Nhằm tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, tỉnh Bắc Ninh đã kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp, đồng hành cùng các doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, thực hiện “mục tiêu kép” với nhiều sáng tạo, đổi mới. Cụ thể như tổ chức đối thoại với doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài; thành lập “Tổ công tác đặc biệt”, tổ chuyên gia gỡ khó về quy hoạch - xây dựng; đất đai - môi trường; đầu tư; lao động; an ninh - an toàn.

Thời gian tới, khi nền kinh tế ổn định và phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao, Sở tăng cường kết nối cung cầu lao động tới các tỉnh có nguồn lao động cao, rà soát nhu cầu việc làm theo ngành nghề, để từ đó xây dựng kế hoạch, kịp thời cung cấp thông tin về thị trường lao động; hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động; thường xuyên thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp đến với người lao động; tổ chức rà soát, nắm bắt trình độ, tay nghề của người lao động để thông báo, cung cấp cho các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng.

Mai Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/thang-than-ro-giai-phap-i335396/