Tháng Ramadan - Tháng yêu thương của đồng bào dân tộc Chăm An Giang

Tháng Ramadan, đối với người Chăm tại An Giang có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những lễ lớn nhất trong năm...

Hiện tỉnh An Giang có gần 17.000 tín đồ theo đạo Hồi (Islam), tập trung ở các huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành, thị xã Tân Châu và thành phố Long Xuyên. Đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm tỉnh An Giang luôn hòa quyện với phong tục tập quán, bà con sinh hoạt tôn giáo ở 12 thánh đường, 16 tiểu thánh đường.

Thánh đường Mubarak ở ấp Phủm Xoài, xã Châu Phong (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) là thánh đường lớn nhất của cộng đồng người Chăm An Giang, trong Tháng Ramadan tất cả tín đồ về ngôi thánh đường để cầu nguyện. (Ảnh: Phương Nghi)

Với người Chăm An Giang, Ramadan là tháng rất quan trọng, linh thiêng với cả cộng đồng. Năm nay, Tháng Ramadan năm 2024 (tức năm 1445 Hồi lịch) diễn ra từ ngày 11/3 đến 9/4.

Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang Haji Jacky cho biết: “Tháng Ramadan (còn gọi Tháng yêu thương) là lễ quan trọng nhất của những người theo đạo Hồi. Trong tháng Ramadan, các tín đồ Hồi giáo Islam đến tuổi trưởng thành đều phải nhịn ăn, nhịn uống ban ngày để tu tâm, dưỡng tánh, để đo lường, thẩm định sự đói khát của mình, từ đó, sẽ có sự cảm thông, biết yêu thương và chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, mọi người không phân biệt giàu nghèo càng ngày xích lại gần nhau hơn. Trong Tháng Ramadan, rất quan tâm đến việc làm từ thiện, vì đây là một trong 5 điều rường cột Islam quy định. Sau suốt một tháng khép mình theo luật đạo, tín đồ được phép trở lại trạng thái sinh hoạt bình thường ngay khi trời vừa sụp tối”.

Từ khi bắt đầu Tháng Ramadan, nhiều hoạt động từ thiện được Ban đại diện tổ chức trao nhiều quà cho bà con có hoàn cảnh nghèo, khó khăn ở các địa phương. Theo bà Sity Hara, Phó Ban Từ thiện xã hội, Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang cho biết, đối với người Hồi giáo, tháng Ramadan là tháng chia sẻ với người nghèo khổ, để cho người Islam biết được nỗi cơ cực, khốn khổ, đó là lý do để học biết và chia sẻ.

Vì thế, từ đầu tháng 3/2024 đến nay, Ban đại diện rất vui mừng nhận được hỗ trợ những tổ chức trong và ngoài nước để có được tổng cộng gần 1.000 phần quà phát cho bà con có hoàn cảnh khó khăn, mong bà con có được một tháng Ramadan đầy đủ và sung túc.

Những phần quà từ sự sẻ chia của cả cộng đồng người Chăm Islam An Giang và các nhà hảo tâm, với mong muốn tất cả mọi người cùng đón tháng lễ linh thiêng Ramadan một cách trọn vẹn. (Ảnh: Phương Nghi)

Trong suốt Tháng Ramadan, tất cả tín đồ Hồi giáo đều phải thực hiện nghiêm quy định không ăn, không uống, không hút thuốc, nhưng chỉ áp dụng vào ban ngày (từ lúc mặt trời mọc đến mặt trời lặn). Tín đồ Chăm vẫn lao động bình thường, phụ nữ vẫn dệt thổ cẩm, vẫn may, phái nam vẫn ra sông tung chài bủa lưới, ra đồng chăm sóc lúa.

Đúng 30 ngày, khi thấy phía Tây có trăng non ló rạng, người ta ăn uống trở lại bình thường. Ngày cuối tháng Ramadan, cộng đồng người Chăm An Giang hân hoan bước vào ngày hội “Rona Pittak” (mãn chay), mọi người mở tiệc, cùng nhau ăn uống thoải mái. Tiệc tùng khá thịnh soạn, thường là những món bánh truyền thống như nằm-prăng, ha-pum, pây-kgah, cha-đoll, pây-nung nhất là loại bánh din-pà-gòn làm bằng nếp với nước cốt dừa, dồn đầy vào ống tre tươi, đem đốt cho đến chín, ăn rất béo, thơm ngon lạ thường. Còn tiệc mặn thì không thể thiếu các món cà ri, cà púa, hay tung lò mò…

Trong Tháng Ramadan, tín đồ Chăm vẫn lao động bình thường, phụ nữ vẫn dệt thổ cẩm. (Ảnh: Phương Nghi)

Tháng Ramadan, đối với người Chăm tại An Giang có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những lễ lớn nhất trong năm, thể hiện tinh thần chia sẻ lẫn nhau trong cộng đồng, giữa người giàu và nghèo để giúp nhau cùng vươn lên phát triển, xây dựng xóm Chăm ngày càng giàu mạnh.

Phương Nghi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thang-ramadan-thang-yeu-thuong-cua-dong-bao-dan-toc-cham-an-giang-263987.html