Thăng Long - Hà Nội năm 1945 - 1954:"Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh"

ND- Tháng 3-1929, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Hà Nội được thành lập. Đây là một sự kiện rất quan trọng của Cách mạng Việt Nam.

Sau ngày 3-2-1930, phong trào cách mạng phát triển khắp nội thành, ngoại thành Hà Nội. Tháng 3-1937, Thành ủy Hà Nội chính thức được thành lập. Từ đây, phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân, trí thức Hà Nội ngày càng mạnh mẽ, với nhiều cuộc mít-tinh, biểu tình, đình công, bãi công chống thực dân Pháp và tay sai. Tháng 9-1940, phát-xít Nhật vào Thủ đô Hà Nội. Sau Hội nghị lần thứ 8 (năm 1941) của T.Ư Đảng Cộng sản Đông Dương, Ban cán sự Đảng của Hà Nội được thành lập. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Các đội tự vệ của Hà Nội tăng cường lực lượng để chuẩn bị khởi nghĩa. Ngày 15-8-1945, phát-xít Nhật đầu hàng Đồng minh, và Hà Nội sôi sục không khí cách mạng. Thành ủy Hà Nội chủ động tổ chức, lãnh đạo quần chúng đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa. Tại Hội nghị bất thường giữa cán bộ phụ trách và các đội trưởng các Đội xung phong, Tự vệ chiến đấu, Tuyên truyền xung phong triệu tập tại Chùa Hà (Cầu Giấy), Thành ủy Hà Nội chỉ đạo: Vận động quần chúng nhân dân tham gia chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, tổ chức mít-tinh, sửa soạn vũ khí để đối phó với mọi tình huống. Cuộc tuần hành của nhân dân Hà Nội chiều 17-8-1945 cho thấy quần chúng cách mạng đã sẵn sàng. Chớp thời cơ, ngày 19-8, Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội tổ chức cuộc mít-tinh quy mô lớn tại Quảng trường Nhà hát Lớn. Cuộc mít-tinh đã nhanh chóng biến thành cuộc tuần hành thị uy của lực lượng cách mạng, từ đó chiếm phủ Khâm sai, trại Bảo an binh, Sở Mật thám... Và chính quyền từ tay phát-xít Nhật đã hoàn toàn thuộc về nhân dân. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, nhân dân Hà Nội vinh dự chứng kiến giờ phút lịch sử khi Chính phủ Cách mạng lâm thời ra mắt và Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, công bố trước toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội ngày 6-1-1946 thành công tốt đẹp. Tại phiên họp đầu tiên, Quốc hội quyết định Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi nước nhà giành được độc lập, cùng với cả nước, nhân dân Hà Nội kiên cường giữ vững chính quyền dân chủ nhân dân, đấu tranh với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Nhân dân Hà Nội đã tự nguyện đóng góp vào Quỹ độc lập và ủng hộ Tuần lễ vàng được hơn hai nghìn lượng vàng và gần 100 tấn thóc. Sau đó, trước âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, ngày 17 và 18-12-1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Thường vụ T.Ư Đảng và viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đêm 19-12-1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Hà Nội đã nổ súng mở đầu cho cuộc toàn quốc kháng chiến. 60 ngày đêm với tinh thần "mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến lũy", nhân dân Hà Nội đã ngoan cường chiến đấu, tạo điều kiện để lực lượng cách mạng rút lên chiến khu an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ T.Ư Đảng và Bác Hồ giao phó. Trong Thư gửi cán bộ và chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, Bác Hồ đã viết: "Các em là đội cảm tử, các em quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại". Từ đầu năm 1946, thực dân Pháp chọn Hà Nội là nơi đặt cơ quan chỉ huy chiến trường Bắc Đông Dương, tập trung các đơn vị quân đội Pháp cho cả chiến trường Đông Dương. Trong chín năm kháng chiến, lực lượng cách mạng vẫn có mặt ở nội thành Hà Nội, bám đất, bám dân để gây dựng cơ sở kháng chiến, bồi dưỡng lực lượng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp, thành lập các đội diệt tề trừ gian, bảo vệ cơ sở kháng chiến, bảo vệ nhân dân. Đêm 17-1-1950, đội vũ trang Hà Nội tổ chức đột nhập vào sân bay Bạch Mai, phá hủy 25 máy bay. Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, ngày 4-3-1954, quân dân Hà Nội đột kích sân bay Gia Lâm phá hủy 18 máy bay, đốt cháy kho xăng. Phải nói rằng, quân và dân Hà Nội đã thực hiện xuất sắc kế hoạch quân sự, phá phần lớn các kho hàng, sân bay, kho xăng của địch, ngăn không cho chúng tiếp viện cho Điện Biên Phủ và các chiến trường Đông Dương. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, Hà Nội ở trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Đảng bộ Hà Nội đã dựa vào dân, gắn bó với dân, giữ vững cơ sở quần chúng trong vùng tạm chiếm, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Ngày 10-10-1954, hàng vạn nhân dân Hà Nội đã tưng bừng đón đoàn quân cách mạng từ chiến khu trở về. Tại lễ chào cờ chiến thắng, cờ đỏ sao vàng - hình ảnh thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, tượng trưng cho độc lập, chủ quyền của dân tộc Việt Nam, đã tung bay trên đỉnh Cột cờ. Đó cũng là ngày nhân dân Hà Nội vui mừng đón nhận lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh".

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=184397&sub=134&top=43