Thắng lợi từ công tác hậu cần khoa học, hợp lý, hiệu quả

Sau khi thay đổi phương châm tác chiến, từ 'đánh nhanh, giải quyết nhanh' sang 'đánh chắc, tiến chắc', công tác tổ chức, bố trí, hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ được Bộ Chính trị điều chỉnh khẩn trương để đáp ứng yêu cầu bảo đảm dài ngày, quân số lớn, trong điều kiện địch đánh phá ác liệt...

Những tính toán sai lầm của phía Pháp

Các nhà khoa học quân sự nhìn nhận, thất bại của quân đội Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ có nguyên nhân từ công tác tiếp tế hậu cần. Những sai lầm này xuất phát từ đánh giá quá thấp khả năng hậu cần của quân đội Việt Minh. Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương Henri Navarre trong cuốn hồi ký Đông dương hấp hối (Agonie de l’Indochine) có viết về năng lực vận chuyển của đối phương như sau: “Muốn tấn công Điện Biên Phủ, quân đội Việt Minh chỉ có thể trông vào sự tiếp tế của các đoàn cu-li, do đó cũng chỉ có thể phát triển một lực lượng hạn chế”.

Dân công dùng xe đạp thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TL

Với sức mạnh không quân chiếm ưu thế tuyệt đối, Pháp hoàn toàn tin rằng việc tiếp tế hậu cần sẽ rất thuận lợi, tạo điều kiện cho việc tiêu diệt Việt Minh một cách dễ dàng, vì khả năng tiếp tế của Việt Minh rất yếu, chỉ dựa vào sức người, phương tiện vận chuyển lại thô sơ, lạc hậu. Tướng Navarre và Bộ chỉ huy Pháp cũng tin bộ đội của Võ Nguyên Giáp không biết sử dụng súng phòng không để chống lại sự đánh phá bằng máy bay trên toàn tuyến vận tải và lực lượng hậu cần của đối phương chỉ có thể duy trì một trận đánh kéo dài chừng 4 ngày.

Theo họ, việc Việt Minh tập trung quân chủ lực trên hướng Điện Biên Phủ là một “dự án thiếu thực tế”. “Việt Minh là một đội quân hành tiến và tiếp tế đều bằng đôi chân, trong trường hợp một cuộc tổng công kích Điện Biên Phủ xảy ra, sức ép lên bảo đảm hậu cần sẽ tăng lên tới một nhịp độ mà quân Việt Minh sẽ không thể kham nổi quá một tuần” (theo tài liệu dịch của Lê Đỗ Huy, Sự kiện - Nhân chứng).

Tác giả Jules Roy trong cuốn sách Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp (bản dịch của Bùi Trân Phượng, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1994) đã viết về những tính toán của phía Pháp: “Một người dân công mang được tối đa 22kg, mỗi ngày đi được 20km và sẽ ăn hết 1kg gạo. Vì họ phải đi và về nên số gạo tiêu thụ sẽ là 2kg cho 20km. Muốn đi 180km thì ăn hết 18kg gạo. Do đó, số gạo mang để tiếp tế cho chiến trường thực tế chỉ còn 4kg”.

Khi xét đến khả năng vận chuyển vũ khí của Việt Minh vào chiến trường, giới chỉ huy Pháp cũng cho rằng Việt Minh không đủ khả năng vận chuyển pháo hạng nặng vào Điện Biên Phủ. Yên tâm về hậu cần cùng với những tính toán khác về chiến thuật, ngày 20.11.1953, quân đội Pháp bắt đầu đổ bộ lên Điện Biên Phủ và với sự giúp đỡ của không quân, tất cả trang bị khí tài, đạn dược, nhu yếu phẩm cũng đã theo lên với số lượng rất lớn.

Với sự chuẩn bị kỹ càng, Điện Biên Phủ trở thành một cứ điểm bất khả chiến bại ở chiến trường Đông Dương thời kỳ đó. Với so sánh lực lượng và tính toán như vậy, Navarre cho rải truyền đơn “Thách tướng Võ Nguyên Giáp tiến công Điện Biên Phủ”.

Phát huy sức mạnh tổng hợp toàn quân toàn dân

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, PGS.TS. Dương Hồng Anh đánh giá, khi chấp nhận tiến hành trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng phải giải quyết bài toán khó khăn về bảo đảm hậu cần khi chiến trường ở rất xa căn cứ chính và lực lượng vận tải cơ giới trong tay ông còn rất nhỏ bé. Để bảo đảm cho cuộc chiến đấu dài ngày ở Điện Biên Phủ, bộ đội Việt Minh đã chuẩn bị hậu cần cho chiến dịch bằng những phương cách người Pháp không thể ngờ tới.

Một đạo quân hàng trăm nghìn người vận chuyển lương thực, đạn dược đến Điện Biên Phủ trên những chiếc xe đạp, hoặc trên vai. Sức mạnh của toàn quân toàn dân, từ tiền tuyến đến hậu phương đã được động viên vào trận quyết chiến Điện Biên Phủ. PGS.TS. Dương Hồng Anh phân tích: “Để bảo đảm hậu cần cho chiến trường chính Điện Biên Phủ, chúng ta đã huy động sức người sức của từ vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, Tây Bắc, Việt Bắc và cả nhiều tỉnh vùng địch tạm chiếm ở Bắc Bộ. Hơn 26 vạn người đã hăng hái đi dân công, thanh niên xung phong tham gia làm đường, vận tải tiếp tế, phục vụ chiến dịch, bảo đảm hậu cần cho một mặt trận xa hậu phương hơn 500km, trong điều kiện đường sá khó khăn, phương tiện vận tải thô sơ, thiếu thốn, thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt”.

Ngành hậu cần đã có những giải pháp tránh tối đa tổn thất dọc đường nhằm cung cấp đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm cho chiến dịch. Đó là tổ chức vận chuyển theo hình búp măng, càng vào gần Điện Biên, càng ít lực lượng vận tải, để tận dụng hết năng lực vận chuyển các loại phương tiện. Ta sử dụng tối đa 628 ô tô vận tải hiện có lúc đó, huy động nhiều nhất phương tiện thô sơ của Nhân dân như hàng nghìn ngựa thồ, gần 21.000 xe đạp thồ, 11.800 thuyền mảng phục vụ vận chuyển cho chiến dịch thay cho việc huy động dân công gánh bộ.

Các đơn vị tự khai thác tạo nguồn hậu cần, có đơn vị lùa từng đàn bò từ Thanh Hóa, Phú Thọ lên cung cấp thực phẩm phục vụ chiến dịch. Tổ chức đánh bắt cá, thu hái rau rừng, huy động thu mua lương thực, thực phẩm của đồng bào. Ở tuyến chiến dịch, khi pháo đã vào trận địa, hậu cần đề nghị mượn xe của pháo để vận chuyển vật chất. Đã có 50% số xe kéo pháo tham gia vận chuyển vật chất hậu cần…

Trong cuốn Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp, tác giả Jules Roy đã viết: “Bất chấp hàng tấn bom đạn đã được ném xuống đường giao thông, con đường bảo đảm cho quân lính đối phương tiếp nhận được vũ khí, trang bị ấy không bao giờ bị cắt đứt. Đừng nghĩ là sự viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Navarre, mà chính là những chiếc xe đạp Peugeot của Pháp thồ được từ 200 - 300kg, điều khiển bởi những con người ăn không đủ no và ngủ ngay trên những tấm nilon trải trên mặt đất. Tướng Navarre không bị đánh bại bởi các phương tiện chiến tranh mà bởi trước hết là sự thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương”.

Theo nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Trung tướng Nguyễn Vĩnh Phú, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành hậu cần đã tiến bộ vượt bậc, bước đầu xây dựng được cơ sở vững chắc về tổ chức, quan điểm phục vụ và kinh nghiệm bảo đảm hậu cần cho chiến dịch quyết chiến chiến lược. Đó là kinh nghiệm quý về kết hợp hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân thông qua Hội đồng Cung cấp mặt trận trung ương và các cấp huy động nhân lực, vật lực phục vụ tiền tuyến.

Kinh nghiệm về chỉ huy, chỉ đạo hậu cần bảo đảm tính khoa học, hợp lý, hiệu quả thông qua việc phân tuyến giữa hậu phương và hậu cần chiến lược, chiến dịch và chiến đấu… Công tác hậu cần đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm cho bộ đội chiến đấu liên tục, dài ngày trên địa bàn xa hậu phương, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/thang-loi-tu-cong-tac-hau-can-khoa-hoc-hop-ly-hieu-qua-i367326/