Thắng lợi ở Quảng Trị năm 1972 có ý nghĩa chiến lược to lớn cả về quân sự, chính trị, ngoại giao

Thắng lợi của ta trên chiến trường Quảng Trị năm 1972 có ý nghĩa chiến lược to lớn cả về quân sự, chính trị, ngoại giao, tác động sâu sắc đến tiến trình lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc; đồng thời tác động tới tư tưởng, tình cảm của bạn bè, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới.

Tạo bước ngoặt quyết định cục diện chiến tranh

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 – 1/5/2022), 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ngày 29/4, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội thảo khoa học “Giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972 - nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển”.

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, điểm cầu chính tại thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) và nối với 15 điểm cầu trong toàn quân với gần 600 đại biểu tham dự.

Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân và dân ta đã dành thắng lợi Chiến dịch tiến công Trị - Thiên, giải phóng tỉnh Quảng Trị, 3 xã của huyện Hương Điền (tỉnh Thừa Thiên) và bảo vệ Thành cổ.

Thắng lợi trên đã giúp ta xoay chuyển tình thế cách mạng thuận lợi, thúc đẩy đấu tranh quân sự, chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch dành thắng lợi. Qua đó, góp phần vào thành công chung của cuộc tiến công chiến lược năm 1972, tạo ra lợi thế trên bàn đàm phán Paris. Mặt khác, thúc đẩy phong trào đấu tranh ngay trong lòng nước Mỹ và thế giới phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo đã nhận được gần 100 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; các cơ quan Trung ương, tỉnh Quảng Trị, các địa phương; các tướng lĩnh, sĩ quan, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội. Các tham luận đã đề cập một cách toàn diện, phong phú, sâu sắc nhiều vấn đề của hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nêu rõ: Chiến thắng Quảng Trị, chiến công bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, cùng với thắng lợi của các hướng tiến công khác trong cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam năm 1972, kết hợp với chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 đã tạo nên bước ngoặt quyết định cục diện chiến tranh. Quân và dân ta đã đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh bày tỏ, giải phóng Quảng Trị và chiến công giữ vững Thành cổ trong 81 ngày đêm năm 1972 là mốc son trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hội thảo khoa học hôm nay là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha, anh, tưởng nhớ đến đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, hy sinh cho thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước…

Quang cảnh hội thảo.

Nhiều bài học kinh nghiệm cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo đã tổng hợp lại từ những phân tích, đánh giá và luận giải về tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi trong các tham luận để đi đến khẳng định: Thắng lợi của ta trên chiến trường Quảng Trị năm 1972 có ý nghĩa chiến lược to lớn cả về quân sự, chính trị, ngoại giao, tác động sâu sắc đến tiến trình lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, đồng thời tác động mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm của bạn bè, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới.

Nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đã được đúc rút, nghiên cứu vận dụng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là các bài học: Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ về đường lối lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cuộc chiến tranh; giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược, tích cực tạo thời cơ, nắm bắt thời cơ giành thắng lợi quyết định; phát huy sức mạnh tổng hợp giữa 3 mặt trận đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, sức mạnh tổng hợp giữa hậu phương và tiền tuyến; xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân làm nòng cốt; bài học về nắm chắc địch, đánh giá đúng so sánh lực lượng, đề ra phương thức tác chiến phù hợp; bài học về xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân...

Trong khuôn khổ của hội thảo, Ban tổ chức và các đại biểu đã đến dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị; thăm và tặng quà gia đình chính sách tại thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong…

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thang-loi-o-quang-tri-nam-1972-co-y-nghia-chien-luoc-to-lon-ca-ve-quan-su-chinh-tri-ngoai-giao-post192279.html