Tháng ba này hoa gạo nơi đâu?

Với tôi, ký ức một loài cây đến từ những câu chuyện cuộc đời. Ký ức ấy không chỉ là bóng mát, là lá phổi xanh cho sự sống của con người mà còn là chốn neo đậu biết bao tâm hồn yêu thiên nhiên.

Không ai biết cây gạo bên quốc lộ 14, đoạn vào cổng chào TP. Pleiku có từ bao giờ. Nhiều người ước chừng cây gạo có tuổi đời khoảng 100 năm, là chứng nhân cho bao đổi thay của đất và người, song hành cùng tiến trình phát triển của thành phố. Vì thế, khi nghe tin cây bị chết già, rỗng mục và được chuyển đi nơi khác, người dân không khỏi tiếc nuối. Còn tôi thì bần thần, tựa như mất đi một người thân quý. Bởi lẽ, sự thiếu vắng quá rõ khi nơi đây không còn tỏa bóng xanh tươi hay màu hoa thắm đỏ.

Nhiều nơi người ta gọi cây gạo là mộc miên, còn bà con Tây Nguyên gọi là pơ lang. Vào mùa trổ hoa, cây gạo già bên đường nở bông đỏ rực một vùng trời, thu vào không biết bao nhiêu bức ảnh của lữ khách từ nơi xa đến. Cây cao lớn vững chãi, thân mình đầy những u mấu sần sùi. Trước đó, khi cây nằm ngay tim con đường được quy hoạch, người ta đã họp bàn, thống nhất nắn con đường uốn cong mềm mại một chút để giữ cây ở lại.

Tôi nhớ thuở ấu thơ, nhớ đến màu hoa đỏ, lòng lại ấm lên như có ngọn đuốc lớn, rực cả một góc trời tháng ba. Khi chùm nắng ngày mới bắt đầu, từng cánh hoa xòe rực rỡ, lấp lánh ánh đỏ trước bình minh. Màu hoa đủ để xua tan chút lạnh còn vương, nở rực đỏ trên nền xanh của núi đồi, thắp lửa cùng mùa.

Minh họa: Huyền Trang

Tháng ba năm nào cũng lưu lại trong tôi sắc đỏ thân thương. Làm sao tôi quên được những buổi sớm mai đến trường, bạn và tôi đèo nhau trong sương giá, bạn đạp xe chở tôi vượt qua con dốc đứng, bàn tay ủ bông hoa đỏ. Dừng chân nơi gốc gạo, bạn và tôi giòn tan tiếng cười, trong trẻo ngước nhìn những chùm hoa đỏ đung đưa trong gió.

Những buổi đi học về, nhiều khi đói đến lả người, từ xa, chỉ cần nhìn thấy cây gạo ở đó thôi, chúng tôi khấp khởi vui mừng vì biết mình sắp về tới nhà. Vì thế, đoạn đường có xa, bước chân có mỏi vì dốc cao, trưa nắng, nhưng có cây gạo định hướng mà đích đến như gần hơn. Cây như một sự nương náu, an ủi, vỗ về trong tâm hồn tuổi thơ tôi ngày ấy và in dấu mãi không phai.

Trong hành trình đến và đi, cây gạo vẫn luôn ở đó để tiễn người đi xa và đón người trở về. Trên quãng đường xa ngái, cây gạo tựa như một câu hát, ru lòng người đi xa để thấy hành trình ngắn lại, đợi ngày trở về.

Có phải cây đang nói lời tạ từ và tháng ba này, hoa gạo nơi đâu? Nhìn những bông hoa đỏ thắm phải lìa cành mà lòng người tiếc nuối. Chẳng sao đâu, tôi nghĩ hoa đã làm trọn sứ mệnh của mình và đẹp ngay cả khi về với đất.

Người bạn ở xa của tôi khi đăng tải thông tin trên mạng xã hội về cây gạo đã chết già, đọc những bình luận đầy cảm xúc, tôi mới hiểu thiên nhiên, cây cối cũng như con người, gắn bó khăng khít thân tình. Cây gạo luôn ở đấy trong ký ức của mọi người, dù bây giờ nó đã trôi về miền nào xa lắm.

Và dù có đi qua bao nẻo đường, có gặp bao màu hoa mới lạ, bao dáng cây vững chãi khác thì nơi đây vẫn mãi là khoảng ký ức bình yên đầy lấp lánh. Tôi thẫn thờ trước vẻ đẹp đã qua, băn khoăn liệu có ai sẽ trồng lại cây gạo khác cho vẻ đẹp tiếp nối mai này không?

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/thang-ba-nay-hoa-gao-noi-dau-post269829.html