Tháng 6 tới, các đại gia bán lẻ tỉ đô sẽ cùng đến Việt Nam tìm nguồn cung ứng

Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, giá cả… Đầu tháng 6 tới đây, hàng loạt tập đoàn phân phối, thu mua lớn trên thế giới như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Safeway (Mỹ); Falabella (Chile); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thụy điển), LuLu (UAE)… sẽ có mặt tại Việt Nam để tìm kiếm nguồn hàng.

“Hiện tại, trong các hệ thống siêu thị Central có tới 95% sản phẩm là hàng Việt Nam. Điển hình như tôm Cà Mau, cá ba sa, xoài cát Hòa Lộc… Chúng tôi kỳ vọng chuỗi sự kiện ‘Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế’ Viet Nam International Sourcing 2024 sắp tới sẽ tìm kiếm thêm được nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam để đưa vào hệ thống và xuất khẩu”, ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail chia sẻ tại buổi tọa đàm diễn ra sáng 12-4 nhằm chuẩn bị cho chuỗi sự kiện Viet Nam International Sourcing 2024 dự kiến diễn ra từ ngày 6-8 tháng 6.

Theo ông Paul Le, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm chất lượng nhưng để có thể đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các hệ thống phân phối cần tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng ở từng thị trường khác nhau. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có sự đầu tư cho bao bì, mẫu mã và thương hiệu để khẳng định sự hiện diện của hàng Việt trên thị trường quốc tế.

Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail, chia sẻ tại buổi tọa đàm chuẩn bị cho chuỗi sự kiện Viet Nam International Sourcing 2024. Ảnh: Minh Anh

Cùng nhận định International Sourcing có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm nguồn hàng, ông Yuichiro Shiotani, Giám đốc Aeon Topvalu, cho biết năm qua, Aeon đã kết nối được với nhiều đối tác mới và đã xuất khẩu được chuối tươi sang nhiều thị trường châu Á. Viet Nam International Sourcing năm nay Aeon dự định sẽ mời thêm các nhà thu mua từ Thái Lan, Campuchia tới sự kiện để kết nối thu mua… Mục tiêu của Aeon đến năm 2025 sẽ xuất khẩu 1 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Việt Nam qua hệ thống Aeon.

Cũng tại tọa đàm, đại diện Aeon Topvalu cho rằng doanh nghiệp Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm tiêu dùng tại thị trường nội địa nhưng vẫn gặp khó khăn nhất định khi sản xuất hàng xuất khẩu. Hiện tại các sản phẩm như may mặc, điện tử Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cao nhưng cũng phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu. Trong khi đó, Việt Nam có sẵn nguồn nông sản đa đạng, chất lượng tốt, do đó, nên tận dụng thế mạnh của mình để tạo ra giá trị cao hơn.

“Để tăng sản lượng xuất khẩu, ngoài sản phẩm tươi, Việt Nam cần phát triển thêm các sản phẩm chế biến như nước ép, snack chuối, xoài đông lạnh… Các sản phẩm sản xuất xanh cũng đang được các nhà thu mua phân phối quan tâm và ưu tiên”, ông Yuichiro Shiotani chia sẻ.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng cấp cao phát triển nhà cung cấp khu vục châu Á của Walmart, trong thời qua Walmart đã thu mua và nhập khẩu 7 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Việt Nam và coi Việt Nam là địa điểm thu mua chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện tại trong 500 doanh nghiệp Việt Nam đang cung cấp hàng cho Walmart chủ yếu là các doanh nghiệp nghiệp FDI, doanh nghiệp có chủ người Việt chiếm tỷ trọng chưa cao, chủ yếu chỉ là nhà cung cấp thứ cấp. Walmart mong muốn có thể hợp tác, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam để có thể chủ động nguồn hàng, giảm các chi phí trung gian.

“Để làm việc với Walmart phải đáp ứng yêu cầu rất cao của thị trường Mỹ. Khảo sát của chúng tôi thì doanh nghiệp Việt vẫn có những khó khăn nhất định khi xuất hàng đi Mỹ. Đặc biệt là khả năng về dịch vụ, không chỉ vấn đề giao hàng, chất lượng mà khả năng tìm hiểu thị trường đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng Mỹ”, ông Trọng chia sẻ. Ngoài ra ông Trọng cho biết Walmart cũng sẽ có đoàn thu mua cấp cao từ Mỹ tham gia Viet Nam International Sourcing.

Ông Nguyễn Đức Trọng, chia sẻ vai trò của thị trường Việt Nam trong chiến lược thu mua hàng của Walmart. Ảnh: Minh Anh

Ông Mirash Basheer, Giám đốc Công ty May Exports Vietnam, Tập đoàn Lulu, cho biết với thị trường Việt Nam, doanh nghiệp đã tiến hành tìm hiểu để có những nguồn hàng xuất khẩu sang Trung Đông.

“Sau sự kiện Viet Nam International Sourcing năm 2023, chúng tôi đã xuất khẩu được một số sản phẩm của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ. Kim ngạch xuất khẩu của chúng tôi năm 2023 tăng 15% so với năm trước. Định hướng của chúng tôi sẽ phát triển một số trung tâm logistics tại Việt Nam, cụ thể là ở TPHCM và một số tỉnh thành lân cận, đồng thời muốn thu mua chuối và cà phê. Chúng tôi đang bắt đầu một số quy trình và đã huy động được một số nhà thu mua trong tập đoàn như Kuwait, Qatar để tham gia International Sourcing Expo năm nay”, đại diện Tập đoàn Lulu nói.

Viet Nam International Sourcing được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2023 và nhận được sự quan tâm từ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước cho đến các tập đoàn phân phối, nhập khẩu quốc tế từ nhiều nước trên thế giới.

Toàn cảnh buổi tọa đàm chuẩn bị cho chuỗi sự kiện Viet Nam International Sourcing 2024. Ảnh: Minh Anh

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm các nước Bắc Âu, cho biết tại Viet Nam International Sourcing 2023, các tập đoàn FH (Đan Mạch), IKEA (Thụy Điển), hay doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thực phẩm Á châu như Scanesia (Na Uy), East Asia (Thụy Điển)… đã ít nhiều có cái nhìn tích cực hơn đối với thị trường Việt Nam nói chung và hàng xuất khẩu của Việt Nam nói riêng. Một số hợp đồng đã được ký kết ngay sau hội chợ. Nhiều mặt hàng mới được đưa vào thị trường từ bánh mì Việt Nam đông lạnh, đến đu đủ xanh nạo sợi…

Bà Thúy cho biết, dự kiến các tập đoàn IKEA, CTFood, Á Châu Liên, và đoàn doanh nghiệp của Latvia do Phòng Thương mại và Công nghiệp Latvia đồng tổ chức sẽ tới tham dự Viet Nam International Sourcing 2024.

Năm nay, sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8-6, với các hội thảo chuyên đề và kết nối giao thương được tổ chức xuyên suốt trong 3 ngày, với sự quan tâm và tham dự của nhiều tập đoàn lớn thế giới như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Safeway (Mỹ); Falabella (Chi-lê); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thụy điển), LuLu (UAE)… cũng như các nhà thu mua chuyên nghiệp cho các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Còn theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương), Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả, với chất lượng ngày càng được cải thiện, bảo đảm nguồn cung bền vững. Các doanh nghiệp Việt cũng ngày càng nâng cấp năng lực cung ứng.

“Viet Nam International Sourcing 2024 không chỉ là sự kiện thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường quan trọng mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của các doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ hội hiếm có để các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm và năng lực xuất khẩu học hỏi nhằm mở rộng thị trường, và để các doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu nghiên cứu thông tin, xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường phù hợp cho những nỗ lực phát triển xuất khẩu thời gian tới,” ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh.

Minh Anh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thang-6-toi-cac-dai-gia-ban-le-ti-do-se-cung-den-viet-nam-tim-nguon-cung-ung/