Thần tượng ảo

Cách đây chưa lâu, Đài YTN (Hàn Quốc) đã mời Jane - một ca sĩ thuộc nhóm Eternity giao lưu cùng người dẫn chương trình truyền hình trực tiếp. Nếu không nói, nhiều người không biết 'cô' là một idol ảo, được tạo ra bằng công nghệ AI.

Ca sĩ ảo Jane (bên phải) hướng dẫn vũ đạo cho người dẫn chương trình.

Ca sĩ ảo Jane (bên phải) hướng dẫn vũ đạo cho người dẫn chương trình.

Cô ca sĩ ảo Jane đã trò chuyện rất thoải mái với Ahn Bo-ra, người dẫn chương trình; giới thiệu cho Ahn Bo-ra về thị trường người ảo toàn cầu và về nhóm nhạc Eternity của mình. Đặc biệt, Jane cũng gây chú ý khi hướng dẫn cho MC thực hiện các động tác vũ đạo của một bài hát trong album “Paradise” của nhóm.

Khi được hỏi về giá trị của người ảo, Jane nói: “Tôi có mối quan hệ tốt với mọi người. Sẽ không có chuyện say xỉn, lạm dụng hay scandal như những người nổi tiếng ngoài đời”.

Ca sĩ ảo Jane xuất hiện trên sóng trực tiếp thông qua công nghệ “Deep Real Live” của hãng Pulse 9. Hãng này cũng là đơn vị tạo ra nhóm nhạc ảo Eternity với 11 thành viên. Điều đáng thán phục là Jane xuất hiện trên sóng truyền hình cực kỳ mượt mà khiến nhiều người xem tưởng rằng MC đang trò chuyện với một ca sĩ thật. Biểu cảm của Jane rất chân thực và tinh tế, các tín hiệu được chuyển đổi ngay tại chỗ, không hề bị gián đoạn trước dàn máy quay trực tiếp của đài truyền hình.

Thần tượng ảo bắt đầu xuất hiện ở Hàn Quốc từ năm 2020 và đang dần trở thành xu thế tại quốc gia này. “Họ trẻ, đẹp, làm việc 24/7. Họ có thể hát, nhảy, làm người mẫu, giúp các công ty thu về hàng triệu USD từ quảng cáo và các sản phẩm giải trí” - Park Ji Eun, CEO của Pulse 9 nói và cho biết, nhiều công ty và nhãn hàng chuộng idol ảo vì tính hoàn mỹ, có thể tạo hình trong thời gian ngắn và quan trọng nhất là không vướng scandal.

Cũng cần nói thêm rằng những người có ảnh hưởng (influencer) được tạo ra bằng máy tính đang trở thành công cụ hái ra tiền ở Hàn Quốc. Tuy nhiên nó cũng đặt ra những vấn đề về đạo đức và văn hóa, nhất là với những người cao tuổi.

Có thể nói về trường hợp của Rozy, với hơn 130.000 người (hầu hết là người trẻ dưới 35 tuổi) theo dõi trên Instagram, nơi “cô ấy” đăng ảnh về những chuyến du lịch của mình. Trang điểm của Rozy không có chỗ để chê, cực kỳ thời trang, bắt mắt. Cô hát, nhảy và làm người mẫu.

Nhưng không có điểm nào là thật.

Vì rằng Rozy là một người ảo, một influencer do máy tính tạo ra nhưng nó thật đến nỗi cô thường bị nhầm là người thật bằng xương bằng thịt. Trong khi đó, theo Sidus Studio X - công ty có trụ sở tại Seoul đã sáng tạo ra Rozy, thì đó là sự pha trộn của người sống giữa thế giới thực và ảo. “Cô ấy có thể làm mọi thứ mà con người không thể... ở hình dạng giống con người nhất” - Sidus Studio X cho biết trên trang web của mình.

Kể từ khi ra mắt vào năm 2020, Rozy đã giành được hợp đồng với nhiều thương hiệu và tài trợ, thực hiện nhiều buổi catwalk trình diễn thời trang ảo và thậm chí đã phát hành hai đĩa đơn, thu lại lợi nhuận cho những người tạo ra “cô” rất lớn.

Tuy nhiên Rozy không phải là người ảo “có ảnh hưởng” duy nhất ở Hàn Quốc. Ngành công nghiệp người ảo đang bùng nổ và cùng với nó là một nền kinh tế hoàn toàn mới. Các influencer ảo không bao giờ già đi, không có scandal và hoàn hảo về mặt kỹ thuật số. Một influencer ảo khác là Lucy do Lotte Home Shopping của Hàn Quốc tạo ra bằng phần mềm thường được sử dụng cho trò chơi điện tử, hiện có 78.000 người trẻ theo dõi trên Instagram.

Nếu như giới trẻ thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh và internet ủng hộ, thì nhiều người lớn tuổi ở Hàn Quốc lại coi việc tương tác với một người ảo là hơi kỳ quặc. Họ cho rằng tại sao chúng ta không học theo những con người thật và bản thân những con người thật nổi tiếng thay vì phải có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng do sự ảnh hưởng của mình mà lại “đẩy trách nhiệm” sang cho “người ảo”. Khi giới công nghệ và kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận từ người ảo thì cũng đồng nghĩa là khiến con người ngày một ít giao tiếp với nhau hơn.

Ở phía ngược lại, cô Lee Na-kyoung, 23 tuổi sống ở Incheon cho biết, mình đã theo dõi người ảo Rozy được 2 năm nay và có “một tình bạn đã nảy nở”. “Chúng tôi giao tiếp như những người bạn và tôi cảm thấy thoải mái khi ở bên cô ấy, vì vậy tôi không coi cô ấy như một sản phẩm trí tuệ nhân tạo mà là một người bạn thực sự” - Lee nói và nhấn mạnh: “Tôi thích cuộc sống của Rozy. Cô ấy xinh hơn bất cứ người thật nào, đến mức tôi không thể tin rằng cô ấy là một AI”.

Còn đại diện của Sidus Studio X cho biết, phương tiện truyền thông xã hội không chỉ giúp cho các influencer ảo tập hợp nhóm người theo dõi (follower), mà đó còn là nơi tiền đổ vào. Vì thế, nó sẽ phát triển trong tương lai rất gần.

BẢO THƯ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/than-tuong-ao-5695134.html