Thận trọng với chiêu lừa lan đột biến tái xuất

Theo chuyên gia, có thời điểm lan đột biến được thổi lên mức giá cao quá mức tưởng tượng, đến mức phi lý. Khó có chuyện một cây lan nào có giá đến vài trăm triệu đồng, kể cả trên thế giới.

Tái diễn cơn sốt lan đột biến

Từ đầu tháng 2/2024 đến nay, thị trường hoa lan đột biến bắt đầu nhộn nhịp trở lại khi nhiều cây được chào bán trên mạng xã hội với giá hàng trăm triệu đồng. Kèm theo đó là lời quảng cáo đầy sức hấp dẫn "giữ được lan sẽ thắng lớn" và hình ảnh các túi tiền to, thông tin sắp có giao dịch "khủng" giống năm 2020 - thời hoàng kim của lan đột biến với các cuộc chuyển nhượng bạc tỷ.

Một số tài khoản chào bán những chậu lan đột biến với giá khá cao. Một chậu lan đột biến 5 cánh trắng Kinh Bắc được chào bán với giá 350 triệu đồng, lan đột biến 5 cánh trắng tia chớp Pleiku với giá gần 130 triệu đồng…

Cơn sốt lan đột biến đang có dấu hiệu tái diễn.

Thời điểm nửa đầu năm 2022, giới buôn lan đột biến từng bị bóc mẽ là tự dựng nên những cuộc giao dịch ảo giá "khủng" để gây sốt ảo, đẩy giá lan lên cao vút, khiến nhiều người ham làm giàu tiền mất tật mang do đổ tiền mua lan đột biến. Thị trường sau đó nhanh chóng lụi tàn, chỉ còn lác đác những giao dịch bình thường của những người thích chơi hoa lan với giá trị chỉ từ 100.000 - 200.000 đồng. Phải chăng cơn sốt lan đột biến đang tái diễn?

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đây là những thông tin không có thật, nhưng người ta vẫn tung ra do nó chưa ảnh hưởng trực tiếp đến ai. Có thể đây cũng là trao đổi trong một nhóm nhỏ nào đó để mong thị trường hồi phục. Do đã có một thời gian dài nhiều người đầu tư vào lan đột biến, nên họ mong chờ, thấp thỏm, hy vọng giá lan đột biến sẽ cao hơn. Hoặc đây là sự động viên, an ủi những người đã trót đầu tư vào lan đột biến, chứ giá thật trên thị trường thì không có như thế.

"Thời điểm lan đột biến được thổi lên mức giá cao quá mức tưởng tượng, đến mức phi lý. Khó có chuyện một cây lan nào có giá đến vài trăm triệu đồng, kể cả trên thế giới. Ngày nay công nghệ ngày càng phát triển, việc sản xuất ra các loài lan đặc hữu không quá khó khăn. Sẽ ít có khả năng lan đột biến trở lại mức giá phi lý như trước đây", PGS.TS Đặng Văn Đông nhìn nhận.

Theo ông Vương Xuân Nguyên, Chánh Văn phòng Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, làn sóng lan đột biến có giá trị cao đã kết thúc. Sau một thời gian bị đóng băng, thị trường lan đột biến đã có sự sàng lọc nhất định. Hiện tại, những nhà vườn lớn và những người sưu tầm lan nhiều năm bắt đầu có những hoạt động giao lưu, trao đổi trở lại trên cơ sở một số địa phương công nhận lan là một loại cây đặc hữu, đưa cây lan vào xây dựng thành sản phẩm ocop. Việc một số hội nhóm đăng tải thông tin giá lan cao bất thường chủ yếu là thổi giá lên. Người chơi lan cần tỉnh táo để sàng lọc thông tin.

Tạo ra lan đột biến không khó

PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết, công nghệ hiện đại ngày nay cho phép con người thay tự nhiên tạo ra đột biến. Rất nhiều giống cây trồng có giá trị cao hiện nay được tạo ra từ đột biến nhân tạo, được thúc đẩy bởi tác nhân vật lý (tia UV, tia phóng xạ, sốc nhiệt, …) hoặc hóa học (EMS, NMU, Colchicine, …).

Những đột biến này không có định hướng, mang tính may rủi (có thể tạo ra cây hoa nhiều màu vô cùng diễm lệ, nhưng cũng có thể tạo ra cây không có hoa, hoặc hoa dị dạng), nên cần có sự sàng lọc lựa chọn rất kỹ càng sau đột biến. Để có thể gây đột biến chính xác một gen cụ thể (ví dụ gen kháng sâu bệnh, gen chịu hạn mặn, gen cho cánh hoa màu trắng tuyền, cánh hoa màu trắng môi màu hồng..), các nhà khoa học sử dụng phương pháp biến đổi gen hoặc chỉnh sửa gen.

Tuy còn có nhiều tranh cãi về tính pháp lý và hệ lụy xã hội - môi trường của những phương pháp này, nhưng không thể không công nhận tính đột phá của chúng trong việc tạo ra những giống cây trồng không những có năng suất cao, chất lượng tốt, màu sắc độc đáo mà còn có khả năng chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là những bệnh khó phòng trừ.

"Như vậy về cơ sở khoa học, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để có thể phát hiện, tạo ra và phát triển hoa lan đột biến (không chỉ với phi điệp mà còn cho nhiều chủng loại lan khác) thực tế ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều đã ứng dụng và đã mang lại thành công.

Đặc điểm của thực vật nói chung và cây hoa lan nói riêng, đó là tính toàn năng, tức là từ 1 mô (thậm chí 1 tế bào) có thể phát triển thành 1 cây hoàn chỉnh, cây con hoàn toàn giữ nguyên đặc tính di truyền của cây mẹ. Do vậy tôi xin khẳng định việc nhân giống bằng Invitro không làm thay đổi đặc tính của cây con so với cây mẹ ban đầu, cây con được nhân từ 1 đoạn cành hoặc 1 mô của của cây mẹ, có thể cho ra hàng vạn cây con giữ nguyên hoàn toàn đặc tính của cây mẹ (trừ trường hợp cây mẹ đang ở trạng thái " thường biến" nên có sự hiểu nhầm)",PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết.

Nếu chúng ta biết khai thác các thế mạnh về nguồn gen thì chắc chắn chúng ta sẽ tìm tòi phát hiện, tạo ra được nhiều giống hoa lan biến dị khác, đồng thời phát triển các giống lan mới này thành hàng hóa lớn, đủ sức cạnh tranh với các cường quốc về hoa. Với công nghệ sẵn có, chúng ta có thể tạo ra hàng vạn chậu hoa lan phi điệp đột biến, có chất lượng cao, giá thành hạ, cạnh tranh với các loại lan hoàng thảo của Thái Lan, hoa hồ điệp của Đài Loan.. một cách dễ dàng.

TS Đông lưu ý, những người sản xuất, kinh doanh cây trồng nói chung và hoa lan đột biến nói riêng cần phải tuân thủ các quy định trong Luật trồng trọt số 31/2018/QH14 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020) trong đó điều 9 có quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt đó là: Sản xuất, buôn bán giống cây trồng chưa tự công bố lưu hành, Sản xuất, buôn bán giống cây trồng không đáp ứng điều kiện sản xuất, buôn bán, hoặc sản phẩm cây trồng giả, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, Cung cấp thông tin về giống cây trồng sai lệch với thông tin tự công bố.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/than-trong-voi-chieu-lua-lan-dot-bien-tai-xuat-16924022716031529.htm