Tham vọng bất thành về một 'Hàn Lưu thứ hai'

Làn sóng văn hóa Thái Lan đang trỗi dậy với những bộ phim, video ca nhạc liên tục lọt top trending. Tuy nhiên, so với Hàn Quốc, làn sóng của Thái Lan vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Trước đại dịch, Vanessa Leong (27 tuổi, nhân viên văn phòng, Singapore), thường đến Thái Lan để theo chân Perth, thần tượng của cô, trong những sự kiện lớn. Perth là nam chính của phim truyền hình Love By Chances thuộc dòng phim boylove của Thái.

Những người như Leong là đại diện cho một thế hệ người hâm mộ những văn hóa Thái Lan nói chung - và dòng phim boylove nói riêng - tại châu Á. Trong những năm qua, phim truyền hình Thái Lan thường xuyên nằm ở top trending, đặc biệt là ở thị trường Trung Quốc. Thái Lan còn liên tục “xuất khẩu” phim truyền hình sang Trung Quốc qua các nền tảng như Tencent và iQiyi.

Năm 2023, chính phủ Thái Lan mạnh tay đầu tư 4.000 tỷ baht (113 triệu USD) để thúc đẩy 11 ngành công nghiệp như ẩm thực, du lịch, âm nhạc, phim ảnh… Cơ quan Kinh tế Sáng tạo Thái Lan cũng mời các nhà sản xuất phim Hàn Quốc dạy nhà sản xuất Thái Lan cách quảng bá nội dung.

Những hoạt động cùng những nhóm fan mới nổi như Leong khiến một số nhà bình luận dự đoán rằng âm nhạc và phim truyền hình Thái Lan sẽ vượt qua Hàn Quốc, trở thành thế lực mới tại châu Á. Dù vậy, thực tế cho thấy làn sóng văn hóa Thái Lan (T-Wave) vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng, theo bài viết đăng trên Fulcrum của Gwendolyn Yap, nghiên cứu viên của Chương trình Văn hóa và Xã hội Vùng tại Viện ISEAS - Yusof Ishak (Singapore).

“T-Wave” đổ bộ Trung Quốc

Nhờ sự phổ biến của các bộ phim truyền hình, các nghệ sĩ Thái Lan có lượng người hâm mộ Trung Quốc cao đáng kể.

Love By Chance là bộ phim truyền hình nổi tiếng thuộc dòng phim boylove của Thái. Ảnh: iQiyi.

Những người tham gia sự kiện của Perth chủ yếu là người Trung Quốc và Thái Lan. Trong đó, lượng người hâm hộ Trung Quốc chỉ xếp sau Thái Lan. Những người hâm mộ cuồng nhiệt hơn còn bay đến Thái hàng tuần để tham gia các sự kiện tương tự. Một số người thậm chí chuyển đến Bangkok để được gần gũi với thần tượng của mình.

Nhiều nghệ sĩ Thái còn lập một tài khoản Weibo (mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc) và hoạt động song song với các nền tảng thông thường. Mike Angelo, diễn viên chính Ngôi Nhà Hạnh Phúc (bản Thái), có hơn 8 triệu người theo dõi trên mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc. Các diễn viên trẻ hơn như Non Chanon và Win Metawin cũng có lần lượt hơn 2 triệu và 1 triệu người theo dõi.

Sự xuất hiện của dòng phim boylove Thái, theo Đại học Hong Kong, đã làm khán giả Trung Quốc thích phim Thái hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, không giống với làn sóng văn hóa Hàn Quốc (K-Wave), tác động của T-Wave ở thời điểm hiện tại chỉ giới hạn ở phim ảnh và âm nhạc.

Vẫn khó cạnh tranh với Làn sóng Hàn Quốc

Trỗi dậy từ những năm 2010, tác động của Làn sóng Thái (T-Wave) hiện vẫn chưa mạnh mẽ trong việc thúc đẩy du lịch, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc. Cuối năm 2023, Thái Lan chỉ đón hơn 3,5 triệu lượt khách Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với con số 5 triệu được đề ra.

Trong khi đó, Làn sóng Hàn Quốc, giai đoạn trước Covid-19, thu về cho quốc gia đến 8 triệu lượt khách Trung. 57,1% du khách được hỏi cho biết họ đến Hàn là vì thần tượng Kpop. Nhà nghiên cứu Gwendolyn Yap viết trên Fulcrum, có ba nguyên nhân chính dẫn đến tác động yếu ớt của T-Wave so với K-Wave đối với thị trường Trung Quốc

T-Wave khó mang lại tác động tích cực cho du lịch nước nhà như K-Wave. Ảnh: Unplash.

Đầu tiên, ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc được nhà nước hỗ trợ nhiều hơn về chất lượng và số lượng của các MV và phim truyền hình. Cụ thể, ngân sách năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc là hơn 7000 tỷ won (7 tỷ USD). Nước này cũng thành lập nhiều Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc trên toàn cầu để giao lưu và truyền tải văn hóa bản dân tộc.

Thái Lan cũng có một cơ quan chính phủ được thành lập vào năm 2018 là Cơ quan Kinh tế Sáng tạo để phát triển ngành giải trí. Tuy nhiên, những sáng kiến này vẫn còn mới và ít tác động đến các ngành khác như du lịch, thời trang.

Thứ hai, T-Wave chỉ tập trung vào lĩnh vực phim ảnh, âm nhạc của Thái Lan và giới hạn ở những người hâm mộ Trung Quốc thay vì cả châu Á. Trong khi đó, K-Wave phát triển đa dạng từ phim ảnh, âm nhạc, thời trang đến ẩm thực. Không những vậy, nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc đã có một con đường dài từ thập niên 1990 trước khi trở thành thế lực toàn cầu.

Cuối cùng, những tin đồn chưa được kiểm chứng về nạn buôn người cũng khiến nhiều người Trung Quốc e ngại khi đến Thái Lan. Có người lo rằng du lịch ở Thái có thể bị bắt cóc để làm việc cho các đường dây lừa đảo tại Myanmar, Campuchia.

No More Bets được ghi nhận lại kể lại 'câu chuyện có thật' về những du khách bị bắt cóc. Ảnh: The Lights.

Nỗi lo càng tăng lên khi No More Bets ra mắt vào tháng 8/2023 ở Trung Quốc. Bộ phim kể lại “câu chuyện có thật” (theo nhà sản xuất giới thiệu) về những người bị lừa bán ra nước ngoài, buộc tham gia vào các đường dây lừa đảo trực tuyến. Theo một số báo cáo, bộ phim này đã ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của xứ sở chùa vàng và làm giảm đáng kể lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan trong năm 2023.

Hiện nay, chính phủ Thái Lan đã thực hiện chương trình miễn thị thực cho khách Trung Quốc kéo dài 5 tháng (từ 25/9/2023 đến 29/2/2024). Tuy nhiên, chỉ riêng động thái này vẫn khó làm lượng du khách Trung Quốc gia tăng.

Nhà nghiên cứu Gwendolyn Yap đề xuất, tình hình kinh tế - xã hội châu Á hiện nay đòi hỏi Thái Lan phải đầu tư nghiêm túc vào ngành giải trí và tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách. Nếu không, tác động của T-Wave chỉ có thể giới hạn ở phim ảnh và âm nhạc.

Tuấn An

Theo Gwendolyn Yap / Fulcrum

Nguồn Znews: https://znews.vn/tham-vong-bat-thanh-ve-mot-han-luu-thu-hai-post1452859.html