Tham quan và trải nghiệm hương sắc mùa xuân

Ngày 14/01/2024, Ban tổ chức cho biết, Chợ hoa xuân 'Trên bến dưới thuyền' Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 25/01 đến ngày 09/02/2024 (nhằm ngày 15 đến 30 tháng Chạp năm Quý Mão). Hoạt động do UBND TPHCM tổ chức, Sở VHTT TPHCM và UBND Q8 được giao phối hợp thực hiện. Chợ hoa xuân 'Trên bến dưới thuyền' diễn ra trên kênh Tàu Hủ, Bến Nghé và tuyến đường Nguyễn Văn Của, Bến Bình Đông thuộc P13 và P14, Q8, TPHCM.

Đặc sắc chợ hoa xuân

Theo kế hoạch, đây là Chợ hoa xuân với quy mô rất lớn từ trước đến nay. Ngoài hoa, trái đặc sản vùng miền sông nước, thì Chợ hoa xuân năm nay còn tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại sân khấu chính "Trên bến dưới thuyền" trên kênh Tàu Hủ, đường Bến Bình Đông, P13, Q8. Cùng với đó là thực hiện trang trí các tiểu cảnh trên tuyến đường Bến Bình Đông, không gian hoa mang đậm nét đặc trưng và điểm nhấn lần này là mô hình trưng bày, giới thiệu sản phẩm "Gốm đỏ nghệ thuật của tỉnh Vĩnh Long" nằm trên tuyến đường Nguyễn Văn Của. Bên cạnh đó, trong không gian Chợ hoa xuân còn có "Phố ông Đồ", thiết kế trang trí "Đường hoa nghĩa tình" tại khu vực nhà cổ tuyến đường Bến Bình Đông, hay cổng chào "Chợ hoa xuân" ngay tại đầu đường Nguyễn Văn Của...

Chưa hết, chương trình cũng sẽ thực hiện các gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của vùng miền, các gian hàng trải nghiệm thực tế cho người dân và du khách đến gói và nấu bánh tét, gian hàng ẩm thực phục vụ tất cả mọi người dân tham quan. Theo đó, UBND Q8 cũng sẽ tổ chức các hội thi, như: Hội thi ảnh nghệ thuật lần thứ 11 năm 2023, với chủ đề "Nét đẹp Q8 - Trên bến dưới thuyền"; trang trí "Nhà hoa"; "Chích chòe đất hót múa đón xuân" năm 2024; viết thư pháp chữ Việt với chủ đề "Nét bút mừng xuân" hay làm bánh mứt với chủ đề "Hương vị ngày Tết". Cũng để phong phú các nét văn hóa cổ truyền dân tộc, tại "Chợ hoa xuân 2024" còn có các hoạt động khác, như: biểu diễn Lân - Sư - Rồng, diễu hành quảng bá, tuyên truyền hoạt động của Chợ hoa xuân năm 2024 với chủ đề "Áo dài Việt Nam - Sắc hoa ngày Tết", giới thiệu các tác phẩm đạt giải trong cuộc thi ảnh nghệ thuật "Trên bến dưới thuyền"...

Chợ hoa xuân "Trên bến dưới thuyền" diễn ra tấp nập thời điểm giáp Tết

Chợ hoa xuân vốn được hình thành từ lâu, nay đã trở nên quen thuộc với người dân TPHCM và du khách khắp mọi miền, cũng như du khách quốc tế. Hoạt động này đã được người dân duy trì trong thời gian dài, từ những người buôn bán nhỏ đến đây bằng những chiếc ghe, thuyền chở nặng hoa, trái đặc sản từ các tỉnh miền Tây, như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp... cung cấp cho người dân TPHCM trong những ngày giáp Tết Nguyên đán. Cho đến nay, nhắc đến cụm từ "Trên bến dưới thuyền", người dân TPHCM thường nghĩ ngay tới Bến Bình Đông của Q8, địa danh từng rất sôi động trong các hoạt động giao thương từ hàng trăm năm trước, mà với nhiều nỗ lực, UBND Q8 đã có nhiều cách làm hiệu quả để khôi phục lại thương hiệu "Trên bến dưới thuyền".

Lễ hội tiêu biểu của TPHCM

Lịch sử ghi chép, nơi đây là trung tâm vựa lúa lớn của miền Nam được lưu thông vận chuyển chủ yếu trên tuyến kênh Tàu Hủ. Đến thế kỷ 19, Bến Bình Đông chính thức được hình thành trong quá trình phát triển của đô thị, cùng các bến nổi tiếng khác như: Bến Hàm Tử, Bến Bạch Đằng, Bến Thành, Bến Nghé... với các hoạt động buôn bán, giao thương sầm uất, trong đó giá trị văn hóa "Trên bến dưới thuyền" là một trong những điểm nhấn lớn của giai đoạn lịch sử. Các hoạt động mua bán, giao thương hàng hóa tại Bến Bình Đông, tái hiện một khu vực kinh doanh sầm uất trước kia. Từ năm 1995, UBND Q8 đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức "Chợ hoa xuân" để tạo địa điểm cho thương nhân, nhà vườn các tỉnh miền Tây đến trưng bày và bán sản phẩm hoa kiểng, trái cây chưng Tết cho người dân địa phương và du khách.

Thời gian đầu, "Chợ hoa xuân" tổ chức trên tuyến đường Bến Bình Đông với khoảng 50 điểm kinh doanh cùng với khoảng 20 thương nhân, nhà vườn đến kinh doanh, mua bán. Tuy nhiên, do công tác thông tin tuyên truyền chưa tốt, hoạt động còn mang tính sơ khai, cục bộ nên chưa lan tỏa được các ý nghĩa địa phương muốn hướng đến, vì vậy các hoạt động kinh doanh của tiểu thương, nhà vườn không thuận lợi.

Đúc kết kinh nghiệm sau nhiều lần chưa hiệu quả, Q8 tiếp tục phối hợp tìm nhiều cách tiếp cận, kết nối khác để thu hút các nhà vườn, doanh nghiệp đến với quận. Lợi thế là các hoạt động trưng bày và bán sản phẩm cây kiểng, trái cây được thực hiện trên ghe, thuyền, dần dà du khách đến tham quan, tìm hiểu, mua sắm ngày một đông hơn cho đến khi Chợ hoa xuân "Trên bến dưới thuyền" thể hiện rõ nét đặc trưng của một miền Tây sông nước thu nhỏ. Trên cơ sở đó, vào ngày 09/12/2020, HĐND TPHCM đã có Nghị quyết đưa hoạt động của Chợ hoa Tết Q8 thành Chợ hoa xuân "Trên bến dưới thuyền", trở thành một trong 19 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu hàng năm của Thành phố.

Đề án "Tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu TPHCM giai đoạn từ năm 2020 - 2030" ra đời từ Nghị quyết này, đã tích cực hỗ trợ UBND Q8 trong công tác tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, triển lãm, góp phần quảng bá hình ảnh "Trên bến dưới thuyền". Những năm qua, việc mở rộng hoạt động giao thương, quảng bá, UBND Q8 đã bố trí hơn 700 gian hàng cùng với khoảng 500 thương nhân, nhà vườn đến trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thu hút hơn ba triệu lượt khách đến tham quan, thưởng lãm, mua sắm.

Cho chữ Phước - Lộc - Thọ tại chợ hoa xuân

Với hoạt động tấp nập của "Chợ hoa xuân" đã tạo tiền đề để Q8 xây dựng và phát triển du lịch tại địa phương, góp phần thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Những thương hiệu đã tạo dựng, Q8 đã và đang nỗ lực để Bến Bình Đông là điểm đến hấp dẫn hơn với du khách và người dân. Đây cũng là tiền đề để Q8 tiếp tục cùng với các Sở, ngành ở TPHCM đầu tư, mở rộng các hoạt động cả về chất lượng, số lượng nhằm thực hiện Quyết định số 3364/QĐ-UBND ngày 13/8/2020 của UBND TPHCM về phê duyệt "Đề cương, nhiệm vụ chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030".

Chợ hoa xuân "Trên bến dưới thuyền" cũng đã vinh dự được UBND TPHCM trao Giải thưởng sáng tạo trong lĩnh vực phát triển kinh tế (năm 2023). Đây cũng là địa điểm diễn ra Tuần lễ trái cây "Trên bến dưới thuyền" hàng năm do UBND Q8 tổ chức. Gần nhất, Tuần lễ trái cây "Trên bến dưới thuyền" diễn ra hồi tháng 6/2023 tại tuyến Bến Bình Đông, P13, Q8 đã thu hút hơn 1,4 triệu lượt du khách đến tham quan, thưởng lãm, mua sắm, trải nghiệm nhiều hoạt động, với 91 gian hàng trưng bày, kinh doanh xoài và các sản phẩm làm từ xoài của TP.Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), gian hàng của thương nhân, nhà vườn tỉnh Vĩnh Long, tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền, thực phẩm của Sài Gòn Co.op, trưng bày và bán sản phẩm nho của tỉnh Ninh Thuận, hay những gian hàng của tiểu thương, hộ kinh doanh...

Đờn ca tài tử Nam Bộ

Tuyên truyền chợ hoa xuân

Ngày 14/01/2024, UBND Q8 cho biết, chợ hoa xuân "Trên bến dưới thuyền" Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 được Ban tổ chức đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng cả về quy mô và chất lượng nhằm tạo một điểm đến vui chơi, giải trí phục vụ người dân trong dip Tết Nguyên đán. Chợ hoa xuân lần này với quy mô gồm 654 điểm kinh doanh, trong đó có 50 điểm kinh doanh trái cây, rau, củ quả và 604 điểm kinh doanh hoa, cây kiểng với nhiều chủng loại đa dạng, phục vụ nhu cầu mua sắm ngày Tết... góp phần tạo không gian văn hóa hấp dẫn vừa truyền thống, vừa hiện đại và đặc biệt mang nét đặc trưng của miền sông nước, đậm dấu ấn "Trên bến dưới thuyền" phục vụ nhu cầu thưởng lãm, mua cây, hoa kiểng của người dân và du khách.

Đặc sản nhằm thu hút người dân và du khách, có quýt hồng đến từ H.Lai Vung, xoài Cao Lãnh, rau củ quả lạ mắt từ TP.Đà Lạt (giống mới, lần đầu xuất hiện tại TPHCM), có 5 đêm chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của Thành phố, mỗi đêm 1 thể loại (nhạc, kịch, tuồng cổ, tấu hài, sân khấu cải lương đờn ca tài tử...) phục vụ khách tham quan, trải nghiệm và mua sắm.

Ban tổ chức cho biết, Chợ hoa xuân "Trên bến dưới thuyền" năm nay kết hợp hiệu ứng ánh sáng, đèn nghệ thuật khu vực dọc kênh Tàu Hủ phía bên Đại lộ Võ Văn Kiệt, Q6 (đối diện khu vực diễn ra hoạt động chợ hoa). Đây là điểm mới, rất ấn tượng để càng làm lung linh về đêm với ánh sáng nghệ thuật, thu hút du khách tham quan. Những điểm nổi bật có trong suốt thời gian diễn ra "Chợ hoa xuân" góp phần tạo không gian hấp dẫn vừa hiện đại, vừa truyền thống và đặc biệt mang nét đặc trưng của miền sông nước.

VĂN TOÀN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/van-hoa-giai-tri/tham-quan-va-trai-nghiem-huong-sac-mua-xuan_157911.html