Thâm nhập tòa nhà Keangnam từng có 6 người chết

TP - Để được có mặt ở tầng 39 công trình tòa nhà Keangnam - nơi được cho là hiện trường vụ kỹ sư trẻ bị tai nạn không đơn giản vì sự nghiêm ngặt quá mức ở nơi này. Theo chân cơ quan chức năng, PV tìm hiểu vì sao có tới 6 tai nạn chết người tại đây.

>> Vụ tử nạn tại Keangnam: Không thể dừng chủ đầu tư Sáng 25-2, liên ngành Công an, Thanh tra an toàn lao động Sở LĐ-TB &XH Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố, Viện Kiểm sát huyện Từ Liêm đã có mặt tại tòa nhà cao nhất Việt Nam để khám nghiệm hiện trường. Trước khi khám nghiệm, Giám đốc Dự án Keangnam Park Moon Hyo đã xin lỗi người nhà nạn nhân Vũ Tiến Lâm và thừa nhận quy định lắp đặt thiết bị an toàn còn có nhiều vấn đề. Ông Park Moon Hyo hứa sẽ cố gắng để không tái diễn sự việc vừa qua. Có mặt tại hiện trường vụ tử nạn, ngoài cơ quan chức năng còn có 2 người nhà nạn nhân và sự chứng kiến của nhiều công nhân lao động khác. Hiện trường sáng 25-2 được treo biển cấm xâm phạm và một dây vải với nội dung lưu ý trong phạm vi khoảng 2m2. Trong khu vực đó, tấm cốp-pha bằng thép nặng hàng tấn nằm ngay ngắn, gọn gàng. Bằng cảm quan khó ai hình dung nổi, tấm cốp-pha này vừa gây ra vụ tai nạn lao động khiến một kỹ sư trẻ bị chấn thương nặng ở phần bụng trở xuống rồi tử vong. Một người nhà nạn nhân chứng kiến hiện trường thốt lên: “Sao ngăn nắp thế, không có gì chứng tỏ như hình dung về vụ tai nạn lao động khiến nạn nhân mất nhiều máu”. Tấm cốp-pha sau đó được cần cẩu nhấc lên. Trước sự chứng kiến của nhiều người, không có vết lõm do va đập giữa tấm cốp-pha với sàn bê tông. Người nhà nạn nhân cố tìm kiếm nhưng không thấy vết máu loang trên sàn bê tông. Một người nhà nạn nhân thắc mắc: “Thông thường nếu một người bị đè dưới tấm cốp-pha nặng hàng tấn thường phải có máu chảy ra”. Cơ quan chức năng lại tiếp tục xem xét bề mặt cốp-pha tiếp xúc khi đổ sập với sàn bê tông. Một người làm việc trên công trường chỉ ra vài vết xước nhỏ. Trong lúc cơ quan chức năng khám nghiệm, người nhà nạn nhân hỏi chuyện các công nhân làm việc gần hiện trường thì đều được trả lời là không biết hoặc mới đi làm. Có 3 người được cho là đã chứng kiến sự việc (sau khi tấm cốp-pha đổ đè lên người Vũ Tiến Lâm) được gọi tới tái hiện vị trí nạn nhân nằm. Tổ trưởng Cốp-pha Nguyễn Văn Phúc và công nhân Nguyễn Xuân Kiên chứng kiến sự việc kể: “Nạn nhân nằm nghiêng bên trái, tấm cốp-pha đè ngang đùi trên”. Một điều tra viên nói: “Đầu cốp-pha đè lên cả phần bụng nạn nhân”. Đại diện người nhà nạn nhân Lâm hỏi 3 người chứng kiến sự việc: “Khi nào thì phát hiện Lâm bị cốp-pha đè?” “Lúc nghe tiếng kêu cứu”. Phía người nhà nạn nhân lại thắc mắc: “Tại sao tấm bê tông nặng như thế đổ lại không nghe tiếng động nhưng lại nghe được tiếng kêu yếu ớt của nạn nhân?”. Công nhân (chứng kiến) được hỏi tiếp rằng, có thấy Lâm trèo lên kiểm tra cốp-pha không thì một người nói “thấy thấp thoáng”. Nghe người nhà nạn nhân hỏi rát quá, điều tra viên vụ án phản ứng: “Anh không được hỏi kiểu mớm lời”. Tuy nhiên, điều tra viên này lại nói: “Nạn nhân Lâm không đeo dây bảo hiểm lúc bị nạn”. Nếu giả sử đúng như điều tra viên và đại diện Keangnam nói Vũ Tiến Lâm không đeo dây bảo hiểm khi làm việc, một phần lỗi thuộc về nạn nhân. Tính đến nay có đến 7 vụ tai nạn lao động tại công trình tòa nhà Keangnam, 6 người chết. Những vụ việc trước chưa có kết quả điều tra cụ thể thì vụ tai nạn lao động khiến kỹ sư 25 tuổi thiệt mạng lại diễn ra. Bao giờ sẽ chấm dứt những vụ tai nạn chết người ở tòa nhà cao nhất Việt Nam và bao giờ cơ quan chức năng mới có kết luận cụ thể các vụ việc?

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=187315&channelid=2