Thâm nhập bên trong chợ 'mua' may mắn lớn nhất miền Bắc trước ngày khai hội

Cứ vào dịp đầu năm mới, vào dịp đêm mùng 7, ngày mùng 8 Tết Âm lịch, huyện Vụ Bản, Nam Định đón hàng vạn lượt khách ở khắp mọi nơi lại kéo nhau về chợ Viềng để mong 'mua' được may mắn cho năm mới.

Ngày 14/2 (tức mùng 5 Tết Nguyên đán), theo ghi nhận của phóng viên Gia đình và Xã hội, dù còn 2 ngày nữa mới chính thức khai hội, tuy nhiên đã có đông đảo người dân từ các tỉnh đến chợ Viềng, phủ Dầy du xuân, cầu may.

Theo một số tiểu thương bán hàng ở trong chợ Viềng (khu cổng chính) cho biết, đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 (Âm lịch) chợ sẽ chính thức khai hội. Tuy nhiên, đối với người dân trong tỉnh Nam Định và du khách gần xa thường đến quần thể di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy (thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) từ ngày mùng 1, 2 Tết.

Dù còn 2 ngày nữa mới bắt đầu khai hội nhưng nhiều cây cảnh đã được các tiểu thương bày bán tại các ô hàng trong chợ Viềng.

Một số cây tỉa cành, lá trơ trụi.

Dọc theo con đường đi vào Phủ Dầy, các hàng quán đã bắt đầu buôn bán nhộn nhịp. Cũng như các năm trước, mặt hàng tiêu thụ mạnh như: Cây cảnh, đơm đó, nông cụ, đồ phong thủy,… hút khách nhất.

Mặt hàng ở nơi đây rất đa dạng.

Anh Huy (một tiểu thương bán hàng tại chợ) cho biết, kể từ ngày hôm nay cho đến đêm mùng 7, nhiều người dân đi chợ Viềng sẽ quan tâm đến các loại cây cảnh nhiều, trong đó loại cây như: Mộc, lộc vừng,,... hót nhất. Theo quan niệm, người dân đi chợ Viềng, mua một cây cảnh trên đất thiêng này vì quan niệm đem lại sự may mắn, bình an, phúc lộc.

Nông cụ phục vụ nông nghiệp và đời sống hàng ngày cũng là mặt hàng được nhiều người mua khi đến với chợ Viềng.

Cũng theo ghi nhận, dọc theo quốc lộ 37B, nhiều gia đình đã bắt đầu dựng lều quán để phục vụ du khách thập phương.

Một số tiểu thương bắt đầu vận chuyển hàng hóa đến để bắt đầu phục vụ người dân, du khách. Chợ Viềng là phiên chợ họp duy nhất một lần mỗi năm. Theo quan niệm, phiên chợ này mang lại may mắn, đến đây để "bán điều rủi, mua điều may".

Chợ Viềng là phiên chợ đầu năm họp vào đêm mùng 7 ngày mùng 8 ở Nam Định. Theo gia phả họ Trần thì chợ Viềng có từ thời cổ xưa và hình thành theo tục lệ làng xã của người dân địa phương. Từ "Viềng" là từ Hán Việt có nghĩa là: thăm hỏi, viếng thăm, trò chuyện. Nam Định có 4 chợ đó là:

Chợ Viềng ở Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định - còn gọi chợ Viềng Phủ, đây là chợ viềng chính của Nam Định.

Chợ Viềng ở gần chùa Bi, ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định - còn gọi là chợ Viềng Chùa (hay Viềng Tỉnh).

Chợ Viềng ở xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định - nay chỉ còn tồn tại như một địa danh.

Chợ Viềng ở thôn Hải Lạng, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (còn gọi là Viềng Lạng) họp vào ngày mùng 7 Tết nay rất ít người biết tới.

Phủ Dầy, (có khi ghi là Phủ Giầy, Phủ Giày) là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của người Việt trải rộng trên địa bàn xã Kim Thái huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, gần quốc lộ 10, quốc lộ 37B và quốc lộ 38B từ thành phố Nam Định đi thành phố Ninh Bình.

Phủ Dầy khởi thủy ban đầu chỉ là 1 quán cỏ được thờ phụng đơn sơ thời Lê Thế Tông (1578 - 1599), sau tới thời Phúc Thái thời vua Lê Chân Tông (1643 -1649) đượ̣c trùng tân, như trong bài Bái An Thái Tiên nữ từ của Tiến sỹ Phạm Đình Kính (người xã Cổ Sư, huyện Thiên Bản, nay xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản).

Xem thêm video đang được quan tâm:

Clip người dân thành phố Hải Dương đầu trần điều khiển xe máy, vượt đèn đỏ du xuân

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tham-nhap-ben-trong-cho-mua-may-man-lon-nhat-mien-bac-truoc-ngay-khai-hoi-172240214175846352.htm