Thăm nhà mẹ Tơm - nơi nuôi dưỡng cán bộ cách mạng

Vào những ngày tháng 7 thiêng liêng, nhiều người dân lại ghé nhà mẹ Tơm tại xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) để thăm nơi đã nuôi giấu, che chở nhiều cán bộ của Đảng như: Tố Hữu, Lê Tất Đắc, Trịnh Ngọc Điệt...

Nơi nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng

Mẹ Tơm tên thật là Nguyễn Thị Quyển, sinh năm 1880, tại vùng Hanh Cù nay là thôn Đông Thành, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Mẹ lấy chồng cùng quê là cụ ông Vũ Văn Sởn, sinh được 4 người con, trong đó hai người con trai của mẹ đều tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ.

Nhà mẹ Tôm ở tại thôn Đông Thành, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Hơn 80 năm trước, tại mảnh đất cỗi cằn ven biển Hanh Cù, mẹ Tơm đã nuôi giấu biết bao nhiêu người con của cách mạng. Mẹ Tơm là tên mà nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu gọi trong bài thơ ông viết vào tháng 7/1961.

Đó là thời điểm sau 19 năm đi xa rồi trở về thăm, Tố Hữu ra mộ thắp hương cho ông bà, tri ân người đã nuôi dưỡng mình. Lần về thăm ấy đã khiến nhà thơ Tố Hữu xúc động viết bài thơ Mẹ Tơm.

Theo tài liệu lịch sử, sau khi chiếm khu du kích Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) thất bại, tình thế nguy cấp nên vào năm 1942, Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa phải chuyển sang vùng Nga Sơn, Hậu Lộc để tiếp tục hoạt động.

Những tấm ảnh kỷ niệm được trưng bày tại nhà mẹ Tơm

Ngôi nhà 3 gian, 2 trái làm bằng luồng, mái rạ, phên tre của gia đình mẹ Tơm dành riêng một gian luồng, một trái để các chiến sĩ cách mạng làm việc, in tài liệu, truyền đơn vận động quần chúng đứng lên lật đổ chế độ thực dân, phong kiến… Đây được coi là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Thanh Hóa lâm thời bấy giờ.

Lúc bấy giờ, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời là ông Lê Tất Đắc, sau đó là Tố Hữu. Ở nhà mẹ Tơm còn có các đồng chí Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình... Tại đây, cán bộ của ta củng cố tổ chức, xây dựng cơ sở móc nối liên lạc, tiếp tục ra báo Đuổi giặc nước in bằng li-tô (khắc lên đá sau đó in ra giấy) và truyền đơn, biểu ngữ…

Bài thơ Mẹ Tôm do nhà thơ Tố Hữu sáng tác

Gia đình mẹ Tơm được phân công mỗi người một việc, ông Vũ Văn Sởn (sinh năm 1884, chồng mẹ Tơm) ở nhà đan rổ, rá ngoài hè để canh gác, mẹ Tơm chiều chiều ra chợ bán mớ rau, bó củi lấy tiền mua thức ăn. Lúc có điều kiện mẹ Tơm tung truyền đơn ra chợ.

Hai con trai mẹ Tơm là ông Vũ Đức Hậu và Vũ Văn Sồ đều tham gia hoạt động cách mạng. Ngày ấy, đã bỏ công việc đồng áng để đi làm nghề cắt tóc dạo lấy tiền nuôi các cán bộ, đồng thời làm giao liên, phát báo, rải truyền đơn…

Những năm sau đó, khi bị giặc phát hiện, nhà mẹ Tơm bị đốt cháy, 2 con trai của mẹ Tơm bị giặc bắt đi tra tấn. Cán bộ phải dời địa điểm sang nơi khác. Sau cách mạng tháng 8 thành công, chồng của mẹ Tơm qua đời trong một cơn bạo bệnh ở tuổi 62. Không lâu sau đó, giữa trưa hè nắng cháy rát bàn chân đầu năm 1953, mẹ Tơm cũng theo chồng trở về cát bụi.

Những kỷ vật đi cùng năm tháng

Căn nhà rơm của mẹ Tơm ngày ấy không còn nữa nhưng những kỷ vật in hằn ký ức về mẹ vẫn còn được con cháu đời sau lưu giữ cho đến tận bây giờ.

Bộ đồ nghề cắt tóc dạo được cháu nội mẹ Tôm gìn giữ cẩn thận

Vào một ngày tháng 7 thiêng liêng, Phóng viên Báo Nhà báo và Công luận có cuộc gặp gỡ với ông Vũ Ngọc Rỡ là cháu nội mẹ Tơm. Không nén nổi những xúc động xen lẫn tự hào, ông Rỡ lấy những kỷ vật từng gắn với cuộc đời mẹ Tơm ra giới thiệu.

Đây là những kỷ vật được gia đình ông giữ gìn hơn 80 năm qua. Trong đó, có bộ đồ nghề cắt tóc dạo, những hũ sành còn gọi là “hũ gạo tiết kiệm”, được mẹ Tơm đựng gạo để dành nuôi cán bộ cách mạng năm xưa.

“Hũ gạo tiết kiệm” được mẹ Tơm đựng gạo để dành nuôi cán bộ cách mạng năm xưa

Bộ đồ nghề cắt tóc được cất giữ trong một chiếc hộp gỗ hình chữ nhật, bên trong vẫn còn bộ tông đơ, dao kéo cắt tóc, lược chải đầu, hộp đựng phấn,... Trải qua thời gian, những vật dụng này đã hoen gỉ nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn, được con cháu của mẹ Tơm giữ gìn.

Cho đến bây giờ, bộ tông đơ cắt tóc dạo ngày ấy, những hũ sành, hòm đựng đựng tiền, gạo, quần áo và tư liệu của bộ đội vẫn được lưu giữ trong căn nhà lưu niệm của mẹ.

Bộ đồ nghề cắt tóc được giữ gìn cẩn thận

Dù căn nhà của mẹ ngày đó khi bị phát hiện đã bị giặc đốt phá thành tro bụi nhưng quân thù không thể đốt được những kỷ vật hằn tình yêu thương của mẹ Tơm với cán bộ cách mạng.

Ngôi nhà của bà nội đã được tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ xây dựng lại và công nhận là khu di tích lịch sử cách mạng, lưu lại những kỷ vật của ông bà đã sử dụng suốt những năm tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng. Mẹ Tơm được tặng Kỷ niệm chương Tổ Quốc ghi công và bằng gia đình có công với nước.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tham-nha-me-tom--noi-nuoi-duong-can-bo-cach-mang-post257760.html