Thảm họa, thủ phạm và lời cảnh báo

Những ngày đi đâu cũng đối mặt với cái chết của loài cá, có lẽ không gì thích hợp hơn một bộ phim về thảm họa, trong cái đen tối nhá nhem đó không có nhân vật phản diện rõ ràng, nhưng vẫn luôn phải có ai đó để đổ lỗi. Đó chính là “Deepwater Horizon” của Peter Berg kể lại chuyện giàn khoan dầu nổ tung cách đây 6 năm.

Deepwater Horizon (Thảm họa giàn khoan) là bộ phim về đề tài thảm họa điển hình. Mọi thứ gào thét trong biển lửa. Con người loạng choạng chạy tìm nơi an toàn. Bóng tối ngày càng bao phủ. Kim loại, thủy tinh cứ sụp dần, sụp dần…

Về cơ bản, thảm họa không khác gì chiến tranh, nhưng ít tiếng súng hơn và nhiều tranh cãi hơn.

Trong Lone Survivor (Chiến binh đơn độc), đạo diễn Peter Berg kể cho chúng ta nghe câu chuyện về con người bị tấn công. Nhưng lần này, “kẻ thù” rất khác: trong thảm họa tràn dầu tồi tệ nhất lịch sử Hoa Kỳ xảy ra năm 2010, chỉ cách bờ biển Louisiana 40 dặm, con người tìm cách để bảo toàn mạng sống trong tiếng lửa trần trụi, như muốn thiêu đốt ra cả những ẩn tình đằng sau nó.

Gợi lên không khí chiến tranh là chiến thuật hiệu quả, nhắc nhở người xem quan tâm nhiều hơn đến sự thật cuộc sống, những mối hiểm nguy rình rập con người và môi trường, hơn là nuông chiều tâm hồn trong cuộc sống hoan lạc hoặc tự sướng với các thành tích “danh nghĩa”.

Sự thật đó được lột tả trần trụi đến mức khán giả có thể cảm nhận được hơi nóng tràn ra từ màn hình, vặn chặt căng thẳng từng giây phút màn hình để rồi chỉ có thể vỡ òa ở phút 90.

Câu chuyện Deepwater Horizon diễn ra như bao nhiêu chuyến công tác xa nhà khác. Mike Williams (Mark Wahlberg) chia tay vợ (Kate Hudson) và con gái để sống ba tuần với giàn khoan dầu. Công sở bao lâu vẫn vậy, những chuyện cười đùa tưởng như vô thưởng vô phạt, nhưng lại hé mở vấn đề an toàn dường như bị bỏ qua. Deepwater Horizon có cách kể chuyện tinh tế để cả những người không chuyên cũng nhanh chóng hiểu được vấn đề: bài tập trường học của con gái Mike, một học sinh lớp ba, với một cái van nhỏ, một lon Coke và một chai mật ong dạng con gấu.

Vì vậy, chúng ta biết được chuyện gì sắp xảy ra. Không ai ngạc nhiên khi thảm họa xảy đến. Cũng không ai lấy làm kỳ lạ tại sao nó có thể xảy ra. Giờ là lúc các nhà làm phim bóc từng lớp hành bí ẩn để mở ra câu chuyện giấu đằng sau nó.

Chúng ta đều biết giàn khoan phát nổ. 11 người thiệt mạng, 17 người bị thương. Vụ chảy dầu kéo dài hàng tuần. Giám sát viên của Tập đoàn BP Robert Kaluza và Donald Vidrine (Brad Leland và John Malkovich) bị “lên bàn” đầu tiên. Nhưng sau đó vụ việc bị trì hoãn.

Đúng là thảm kịch, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Deepwater Horizon mang đến sự sợ hãi như bất kỳ bộ phim thảm họa nào khác: cảm giác như có “bàn tay vô hình” đang trả thù con người. Nhưng lực lượng đứng đằng sau sự hủy diệt không phải hình thái hư vô, những bàn tay có thực. Chúng ta không bị tấn công bởi những thứ không có ý chí riêng, mà cũng chẳng phải loài vật chỉ hành động theo bản năng. Máy tính không chống lại con người. Bàn tay thiên nhiên không giận dữ khi không có lý do. Chỉ có con người mới chống con người.

Nói cách khác: Đó là chiến tranh, nhưng kẻ thù lại chính chúng ta.

Khán giả có thể nhìn thấy nỗi sợ hãi trên gương mặt những con người đòi hỏi được biết tin tức về con trai họ, những người đang làm việc trên giàn khoan. Khi thảm họa xảy ra, con người cần quy trách nhiệm cho ai đó. Không thể đổ lỗi cho một cỗ máy.

Chủ đề tương tự cũng được đưa ra trong Sully (Cơ trưởng Sully) của đạo diễn Clint Eastwood. Thảm họa, xử lý và truy tìm thủ phạm. Cả hai đều lay động bằng “điểm” sống sót: “Tiếng sống sót” trong Deepwater Horizon cũng như tiếng vọng thôi thúc trong tâm vị cơ trưởng Sully rằng ông không thể đánh mất bất kỳ hành khách nào, ngay cả một người duy nhất.

Nhưng luôn phải có thủ phạm. Trong Sully, không phải vì là anh hùng mà Sullenberger có thể thoát khỏi cuộc điều tra khắc nghiệt. Phe điều tra xuất hiện như kẻ phản diện, nhưng lại cho thấy cái nhìn tỉnh táo để “soi” sự việc trên góc độ đa chiều, để có thể đi đến tận lõi của vụ việc. Sullenberger cuối cùng chứng minh được, cho dù hành động của ông không phù hợp với những gì được đào tạo. Song hóa ra có những khoảnh khắc, máy móc cũng có thể “sai lầm”. Con người - bằng sự cần mẫn, tự tế và trí tuệ - có thể vượt lên hoàn cảnh để làm nên kỳ tích.

Câu chuyện của Deepwater Horizon phức tạp hơn. Những người giám sát giàn khoan biết rủi ro của việc “tiết kiệm” kiểm tra. Nhưng lợi nhuận đã để họ không làm điều đúng đắn và thảm họa xảy ra sau đó.

Có điều, lợi nhuận không có lương tâm. Mọi người thường đổ lỗi cho ma lực đồng tiền. Con người thường chấp nhận lý lẽ đó. Nhưng xét cho cùng, chính con người tạo ra đồng tiền và các lý luận lợi nhuận, vượt qua ma lực đó hay không là do quyết định của con người. Ngay cả Vidrine, nhân vật “phản diện” nhất trong phim, thực chất cũng chỉ là kẻ làm công ăn lương cho một ông chủ giàu có nào đó. Nói cách khác, tương tự The Big Short, Deepwater Horizon là thảm họa có thực mà thiếu sự trừng phạt.

Vì vậy, đạo diễn đã có sự lựa chọn thông minh khi không trực tiếp chỉ đích danh ai thành kẻ phản diện. Có lẽ để cho phù hợp với “kết luận” trong thực tế, bộ phim cố vớt bằng cách để lộ chi tiết giám sát viên không báo cáo đúng sự thật lên ông chủ và đẩy bớt “nghi phạm” ra khỏi danh sách và giới hạn kẻ phản diện “trùm”. Bù lại, Peter Berg xây dựng bộ phim như một đài tưởng niệm các nạn nhân, trước khi tên tuổi của họ bị phủ bụi bởi thời gian.

Thông điệp của ông rất giản dị: Có nhiều người đã đánh mất cuộc sống của bản thân. “Chúng ta” không được phép quên điều đó. Bởi nếu không, thảm họa sẽ lại xảy ra.

Quan điểm của ông là đúng đắn. Thực tế, con người phẫn nộ hay hứa hẹn rất nhanh, song lãng quên cũng nhanh. Đó là lý do hiện tượng Deepwater Horizon không phải mãi đến năm 2010 mới xảy ra, mà cũng chẳng kết thúc sau năm 2010. Đó có thể là vụ rò rỉ nhà máy điện hạt nhân kinh hoàng ở Fukushima. Đó có thể là hàng trăm, hàng nghìn tấn cá phơi trắng mặt nước. Có thể những vụ như vậy không gây ra cái chết ngay như Deepwater Horizon (nếu không liệt kê cá và những loài sống dưới nước cũng xứng được sống, như bất kỳ con người nào), nhưng sự sống bị bóp méo là quá rõ ràng.

“Đừng đổ thừa cho ông trời, bởi trời không làm chuyện đó.”

TS. Bùi Quang Tề, nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I nói về vụ cá chết ở Hồ Tây.

Deepwater Horizon không chỉ đơn giản là bộ phim hay tác phẩm nghệ thuật. Không dùng tu từ, không phát biểu hoành tráng, Peter Berg dùng tốc độ, hành động, đối thoại ngắn, kết hợp không khí của bom tấn Battleship vào sự thật trần trụi, gân guốc để làm nên lời cảnh báo cái đáng sợ của “sự lãng quên” như cách nói khiêm tốn cho sự thất bại của thế giới thực, một bản nghiên cứu bằng ngôn ngữ điện ảnh về cơ cấu của tham vọng và tính ngạo mạn.

Xem thêm:

Du Du

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/tham-hoa-thu-pham-va-loi-canh-bao