Tham gia nhiều ý kiến sâu sắc, trách nhiệm

Tại Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề) vừa được tổ chức, HĐND thành phố Hải Phòng đã thông qua 12 nghị quyết quan trọng, cấp thiết. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu đã nghiên cứu tài liệu kỹ lưỡng, tham gia nhiều ý kiến sâu sắc, trách nhiệm; đồng thời, đề nghị ngay sau kỳ họp, UBND thành phố khẩn trương chỉ đạo, xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện, theo đúng tính chất cấp thiết của các nghị quyết, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định.

Đại biểu phát biểu ý kiến thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: T. Thu

Cơ sở triển khai đề án, dự án phát triển đô thị thành phố

Để làm rõ những nội dung cấp thiết, quan trọng, tạo cơ sở cho các đại biểu xem xét, biểu quyết thông qua, tại kỳ họp, HĐND thành phố đã nghe các tờ trình, dự thảo nghị quyết và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND thành phố về: phương án sử dụng nguồn thưởng vượt dự toán thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương và đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù năm 2022; điều chỉnh quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, quyết toán thu chi ngân sách địa phương năm 2022; hỗ trợ kinh phí xây dựng trạm kiểm tra giám sát trên sông, vịnh thuộc Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng

Theo đó, liên quan đến Chương trình phát triển đô thị thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở hồ sơ, báo cáo của cơ quan được UBND thành phố giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, ý kiến của các sở, ngành, đơn vị liên quan và các thành viên Ban, Ban Đô thị HĐND thành phố thống nhất chủ trương Chương trình. Ban Đô thị kiến nghị Thường trực HĐND, UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các nội dung Chương trình, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch cấp trên tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 323/QĐ-TTg điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Số 1516/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát, bổ sung và hoàn thiện nội dung theo hệ thống các chỉ tiêu trong Chương trình đúng trình tự và giai đoạn theo quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 06/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Đây cũng là nội dung được các đại biểu đánh giá là cơ sở quan trọng để triển khai các đề án, chương trình, dự án phát triển đô thị thành phố trong thời gian tới. Thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Bùi Quang Thiện yêu cầu làm rõ tính thiết yếu của việc thông qua Chương trình; khả năng hoàn thành các chỉ tiêu đô thị loại I của thành phố; số liệu của Chương trình có tính đến đầu tư quy hoạch đô thị cho đô thị An Lão, Yên Lãng...

Giải trình làm rõ vấn đề này, đại diện Sở Xây dựng cho biết: việc thông qua Chương trình phát triển đô thị thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 vô cùng cấp thiết, nhằm đưa ra định hướng để thực hiện có trọng tâm, trọng điểm hoàn thành các mục tiêu phát triển đô thị thành phố theo đúng các nghị định của Chính phủ. Sau khi chương trình được thông qua sẽ thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông, cây xanh, đô thị kiểu mẫu... là cơ sở để thành phố hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I. Bên cạnh đó, Chương trình tập trung đầu tư phát triển nội đô thị và đô thị trong tương lai (An Dương, Thủy Nguyên), các khu vực khác sẽ được đầu tư phát triển theo kế hoạch riêng.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực văn hóa

Thẩm tra về việc cho ý kiến về danh mục, mức miễn, giảm tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa trên địa bàn thành phố, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố hoàn toàn đồng ý với nội dung này. Đây cũng là nội dung được các đại biểu đánh giá sẽ tạo ra cơ chế hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực văn hóa xã hội trên địa bàn. Làm rõ hơn, đại biểu Trần Thị Kiều Trang đề nghị Sở Tài chính giải trình về cơ sở đề xuất cơ chế ưu đãi cho cơ sở y tế tại huyện Cát Hải trong khi chưa có ưu đãi cho các cơ sở giáo dục. Về các mức miễn giảm tiền thuê đất đối với cơ sở xã hội hóa tại phường Tràng Cát, Nam Hải thuộc quận Hải An là thuộc khu vực 1 về địa bàn ưu đãi xã hội hóa nhưng lại được hưởng ưu đãi giống như địa bàn thị trấn, phường thuộc các quận Kiến An, Đồ Sơn là khu vực 2...

Làm rõ về vấn đề này, đại diện Sở Tài chính cho biết: phường Nam Hải, Tràng Cát qua khảo sát đánh giá có vị trí địa lý cách xa trung tâm, quỹ đất còn nhiều, cơ sở hạ tầng khó khăn, các lĩnh vực xã hội hóa ít vì vậy để giảm tải cho các khu vực trung tâm, Sở Tài chính đề xuất mức ưu đãi cao hơn khu vực 1 và tương đồng với khu vực 2 để thu hút nhà đầu tư. Về cơ chế miễn, giảm tiền thuê đất tại huyện Cát Hải chỉ có ưu đãi cho các cơ sở y tế, do địa phương có quỹ đất hạn chế, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã đáp ứng đủ nhu cầu nhưng cơ sở y tế chỉ có 1 bệnh viện đa khoa, vì vậy cần có chính sách để khuyến khích đầu tư xây dựng.

Trên cơ sở bàn thảo kỹ lưỡng, HĐND thành phố đã thông qua 12 nghị quyết quan trọng, cấp thiết, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đáp ứng kịp thời nguyện vọng của cử tri và người dân thành phố. Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu đã nghiên cứu tài liệu kỹ lưỡng, tham gia nhiều ý kiến sâu sắc, trách nhiệm, đúng, trúng, đi thẳng vào các nội dung của kỳ họp. Để các nghị quyết vừa thông qua được thực hiện hiệu quả, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị, ngay sau kỳ họp, UBND thành phố khẩn trương chỉ đạo, xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện, theo đúng tính chất cấp thiết của các nghị quyết, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định. Thường trực HĐND, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố giám sát chặt chẽ quá trình triển khai để bảo đảm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và đúng các nội dung quyết sách vừa được thông qua.

Trần Thu - Nguyễn Ánh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/tham-gia-nhi%E1%BB%81u-%C3%BD-ki%E1%BA%BFn-sau-sac-tr%C3%A1ch-nhi%E1%BB%87m-i363961/