Thái Nguyên chủ động cung ứng kịp thời, đầy đủ SGK cho năm học mới

Chuẩn bị bước vào năm học mới, ngoài việc hoàn tất điều kiện cơ sở vật chất - đồ dùng học tập, SGK cũng đang được chuyển đến các địa phương.

Thái Nguyên cung ứng kịp thời đầy đủ sách giáo khoa cho năm học mới.

Bảo đảm học sinh có đầy đủ sách vở

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 4 ngành Giáo dục thực hiện Chương trình GDPT 2018, theo lộ trình đã áp dụng đến lớp 4, 8 và 11. Tại Trường Tiểu học Cúc Đường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên thầy giáo Vũ Kỳ Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết:

Năm học này, Trường có 1 điểm chính với 9 lớp và 1 điểm lẻ 5 lớp, tổng số học sinh là 304 em, trong đó tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số chiếm trên 95%. Để chủ động nguồn SGK phục vụ năm học mới, căn cứ vào đăng ký của phụ huynh học sinh thời điểm cuối năm học, Nhà trường đã thống kê số lượng và chuyển cho đơn vị cung ứng.

Trước đó, khi phòng GD&ĐT huyện yêu cầu các đơn vị chọn SGK, nhà trường đã triển khai kế hoạch đến tất cả giáo viên. Việc chọn một bộ sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu dạy và học vô cùng quan trọng bởi vậy trước khi quyết định chọn, nhà trường đã tư vấn đến giáo viên những yêu cầu cần thiết đáp ứng mục tiêu cần đạt của chương trình, cấp học và phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường.

Còn tại trường Phổ thông DTBT THCS Nghinh Tường, xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, với đặc thù 100% học sinh là người DTTS chủ yếu là dân tộc Tày, Dao, Nùng. Năm học này trường có tổng 171 học sinh, với 5 lớp từ lớp 6 đến lớp 9, tăng 1 lớp so với các năm học trước.

Theo thầy giáo Vi Văn Nam, Hiệu trưởng trường Phổ thông DTBT THCS Nghinh Tường: Các em học sinh đều là con em đồng bào DTTS, hoàn cảnh khó khăn, kinh tế gia đình chủ yếu làm nông nghiệp. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngoài được hưởng các chế độ, chính sách về chi phí tiền ăn, trang thiết bị y tế, mua sắm thiết bị thể thao, các em còn được hưởng chi phí học tập 150.000 đồng/ tháng nhờ đó, học sinh và phụ huynh đều yên tâm cho con tới trường học tập. Đối với sách giáo khoa, nhà trường đã cho học sinh đăng ký, hiện nay đã có đủ sách và đến tay học sinh.

Để chủ động nguồn SGK phục vụ năm học mới, căn cứ vào đăng ký của phụ huynh học sinh thời điểm cuối năm học, các trường đã thống kê số lượng và chuyển cho đơn vị cung ứng.

Kịp thời trước ngày tựu trường

Ông Nguyễn Văn Mùi, Giám đốc Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Thái Nguyên- đơn vị được Nhà Xuất bản Giáo dục, Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (Bộ sách Cánh diều) ký hợp đồng chọn cung ứng phục vụ SGK cho biết: Tất cả các sách đang lưu hành vẫn được phát hành bình thường như mọi năm. Cụ thể, với SGK tái bản lớp 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9, Công ty có kế hoạch phát hành 1.322.323 bản, đến thời điểm này đã phát hành 1.475.517 bản, đạt 111% kế hoạch.

Đối với SGK lớp 4, 8, 11, là năm đầu thực hiện thay SGK và lớp 10 (sau khi học sinh thi đỗ vào các trường THPT mới đăng ký mua), Công ty phát hành 836.918 bản, đến nay đã phát hành được 319.569 bản, đạt 38% kế hoạch.

Năm nay, việc in sách mới chậm hơn là do Bộ GD&ĐT rà soát chặt chẽ khâu xuất bản, vì vậy khi hoàn thành in lô này mới tiếp tục đấu thầu in lô sau. Tuy nhiên, Công ty đã làm việc với các nhà xuất bản và cam kết với các trường trước ngày 30/8/2023 sẽ cung ứng 100% SGK để chuyển tận tay học sinh trước khai giảng năm học mới.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Mùi: theo cơ chế thị trường, các nhà trường đăng ký lấy bao nhiêu SGK, Công ty sẽ nhập về cung ứng bấy nhiêu. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh, các nhà trường nên đặt dư mỗi khối một vài bộ sách đưa vào thư viện để khi các em học sinh nếu bị mất, hỏng sách có thể tới trường mượn để học tập.

Cùng với việc cung ứng SGK, để chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 4, 8,11 và môn Lịch sử lớp 10 năm học 2023-2024.

Ngoài việc tập huấn trực tiếp, ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên cũng đẩy mạnh việc kết hợp trực tuyến. Nhờ đó, giáo viên tại các trường học đều có thể tham gia. Thông qua việc tập huấn, giáo viên hiểu rõ hơn về quy trình biên soạn sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, cách xây dựng bài giảng và các bước tổ chức một tiết học theo chương trình mới.

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thai-nguyen-chu-dong-cung-ung-kip-thoi-day-du-sgk-cho-nam-hoc-moi-post650511.html