Thái Nguyên: BOT 'vây' người dân

Tất cả các phương án tham mưu, đề xuất của lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên dường như dành phần lớn “cái lợi” bền vững cho doanh nghiệp BOT mà quên đi quyền lợi của người dân...

Trạm thu phí đang xây dựng dở trên QL3 khiến người dân lo lắng.

Mọi hướng đổ về thu phí

Trước những thông tin doanh nghiệp BOT sơn kẻ vạch đường, biển báo an toàn giao thông trên tuyến QL3 với tổng chiều dài 25km, trong đó có phần sửa chữa, nâng cấp mặt đường 7km nhưng đổi lại doanh nghiệp BOT được thu phí trên cả 02 tuyến QL3 cũ và QL37, thời gian thu 16 năm 1 tháng.

Mức thu từ 35.000 đồng đến 200.000 đồng/1 lượt phương tiện khi đi qua trạm, mức phí này bằng mức phí mà doanh nghiệp BOT thu trên tuyến QL3 mới do doanh nghiệp BOT đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cho rằng: Đều là doanh nghiệp sao họ lại được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đến vậy, mọi thành phần kinh tế hoạt động kinh doanh cần phải có sự bình đẳng, không vì một doanh nghiệp mà ảnh hưởng tới hàng ngàn, hàng vạn doanh nghiệp khác.

Việc đặt trạm thu phí trên tuyến QL3 không lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn - đặt trạm thu phí “nhầm chỗ” sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Nếu tất cả các doanh nghiệp BOT đầu tư vào Thái Nguyên đều được hưởng ưu đãi như này, thì những doanh nghiệp vận tải khác còn đâu cơ hội mà phát triển - nhân dân các tỉnh miền núi sẽ là người chịu thiệt nhiều nhất.

Ngay khi vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tham mưu, đề xuất “Bộ GTVT bỏ trạm thu phí trên QL3 và đề nghị Chính phủ bố trí kinh phí hỗ trợ cho Nhà đầu tư hoặc cho phép Nhà đầu tư triển khai hoàn thiện những hạng mục còn lại của tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và thu phí tuyến đường này để hoàn vốn của cả dự án đường Thái Nguyên - Chợ Mới”.

Chưa dừng lại, vị giám đốc Sở tiếp tục tham mưu, đề xuất những phương án có lợi nhất cho nhà đầu tư dự án. Và mới đây, lại tiếp tục đề nghị Bộ GTVT cho phép doanh nghiệp BOT thực hiện phương án nâng cấp, mở rộng QL 37 đoạn Bờ Đậu - Đèo Khế để đưa vào chương trình thu phí cho hợp lòng dân.

Cụ thế :“nâng cấp quy mô đường cấp 4 miền núi lên cấp 3 miền núi, có châm chước một số yếu tố hình học về bình đồ và trắc dọc để hạn chế công tác giải phóng mặt bằng; bổ sung một số hạng mục vỉa hè, điện chiếu sáng trên QL37 và QL3 tại các thị trấn và khu vực đông dân cư bằng nguồn vốn dư của dự án đường Thái Nguyên - Chợ Mới...”

Kiểu thu “bền vững”

Quốc lộ 37 đang được duy tu, bảo trì bằng nguồn vồn của Tổng cục đường bộ Việt Nam

Để giảm bớt sức nóng của việc thu phí BOT trên tuyến QL3 cũ và QL37. Mới đây, nhà đầu tư đề xuất phương án giảm giá một số loại phương tiện công cộng, phương tiện của cán bộ, công nhân viên hiện đang công tác tại huyện Phú Lương và Đại từ; các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hộ khẩu thường trú liền kề trạm thu phí sẽ được giảm từ 50-100%.

Thoạt nghe có vẻ hợp lý, nhưng thời gian thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đã được thống nhất phương án tăng từ 16 năm 1 tháng lên 21 năm 8 tháng.

Kèm theo đó, doanh nghiệp BOT cũng không quên đòi hỏi quyền lợi: “Nhà đầu tư phải hỗ trợ doanh nghiệp BOT phần kinh phí thiếu so với phương án tài chính ban đầu để trả nợ cho Nhà cung cấp tín dụng do giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ từ nay đến năm 2027 với tổng số tiền trên 1.700 tỷ đồng”.

Có mặt tại công trường thi công nâng cấp, mở rộng QL37 đoạn Bờ Đậu - Đèo Khế có quy mô từ cấp 4 miền núi lên cấp 3 miền núi, có châm chước một số yếu tố hình học... theo đề xuất của Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên đã được thực hiện.

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện nhanh với ông Nguyễn Đức Đoàn, Chỉ huy trưởng công trình, Công ty CP Xây dựng Hồng Hải đơn vị đang thi công trên tuyến QL37 cho biết:

“Hiện nay đơn vị đang thi công mở rộng, nắn một số khúc cua, thảm lại mặt đường một số đoạn có ổ gà trên tuyến Bờ Đậu - Đèo Khế đoạn qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên có tổng chiều dài toàn tuyến 28km, thời gian hoàn thành xong trước ngày 30/8 tới. Nguồn vốn thực hiện việc duy tu, bảo trì đường bộ này do Tổng Cục đường bộ cấp cho Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên thực hiện là 13 tỷ đồng”.

Vậy là đã rõ, doanh nghiệp BOT đã không thực hiện việc nâng cấp, mở rộng QL37 bằng nguồn vốn dư của dự án đường Thái Nguyên - Chợ Mới thì có xóa bỏ trạm thu phí trên tuyến QL3 hay không? Dư luận đang mong câu trả lời rõ ràng, minh bạch từ các cấp chính quyền!

Tiến Nha

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/thai-nguyen-bot-vay-nguoi-dan_n26469.html