Thái Nguyên: BOT - Gánh nặng đè lên vai người dân

Sơn kẻ vạch đường và nâng cấp hệ thống biển báo giao thông trên tuyến QL3 với chiều dài 25km, trong đó, phần xây dựng, sửa chữa mặt đường chưa đầy 10km chiếm không đến 1/3 đoạn đường nhưng đổi lại doanh nghiệp BOT lại được thu phí trong vòng 16 năm 1 tháng. Việc “bất thường” này khiến cho nhiều người dân nơi đây rất bức xúc.

Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới

Dân sợ BOT

Liên danh Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc là những doanh nghiệp được Bộ GTVT lựa chọn đầu tư tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới vì tuyến đường này khi đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc còn nghèo và gặp nhiều khó như: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên...

Tuy nhiên, càng gần đến ngày trạm thu phí BOT trên tuyến QL3 cũ đi vào hoạt động, người dân các tỉnh miền núi và đặc biệt là người dân huyện Đại Từ (Thái Nguyên) càng bức xúc. Người dân cho rằng, họ đang bị “bắt chẹt” khi chẳng hề đi 1km nào đường BOT, mà phải mua phí đường với mức giá đắt như đường BOT từ 35 ngàn đến 200 ngàn đồng/lượt. Một mức phí mà khó có doanh nghiệp vận tải hay người dân nào có thể chấp nhận được.

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Văn Nhiên, 71 tuổi, ở xóm 8, xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cho rằng, việc doanh nghiệp BOT sửa chữa tuyến đường quốc gia (QL3 cũ) có mấy km mà đặt trạm thu phí mà lại thu với mức giá tương đương làm con đường BOT mới thì quả thật là quá bất hợp lý. “Việc đặt trạm thu phí không lấy ý kiến của nhân dân nên nhân dân phản đối nhưng doanh nghiệp vẫn đặt trạm trước Làng nghề bánh Chưng Bờ Đậu để “tận thu” đã làm ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân chúng tôi rất nhiều, từ ngày xây trạm thu phí đến nay, cửa hàng thuốc bắc của gia đình tôi coi như không bán được, đơn vị thi công đào rãnh thoát nước và sửa lại mặt đường gây tiếng ồn, khói bụi suốt ngày đêm, vật liệu để ngổn ngang, đầm nền đường thì nhà dân xung quanh đều rung lắc, nứt hết”, ông Đoàn Văn Nhiên bức xúc.

Không chỉ ông Nhiên mà rất nhiều người dân nơi đây đều đều cho rằng, việc sửa chữa, sơn kẻ vạch đường, biển báo giao thông theo kiểu “chiếu lệ” để làm tăng tổng mức đầu tư lên, kéo dài thời gian và mức thu phí. Vô hình trung doanh nghiệp đầu tư 01 con đường hưởng lợi trên cả 03 tuyến đường!?

Tham mưu... một phía

Việc đặt trạm thu phí trước ngã ba Bờ Đậu đã được các bên liên quan tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo phương án thu đủ 1.400 tỷ đồng mà trước đó liên danh Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc đã bỏ vốn ra để đầu tư sửa chữa, nâng cấp biển báo, sơn kẻ đường 25km trên tuyến QL3 cũ (phần xây lắp và nâng cấp mặt đường gần 10km).

Vé thu phí thử trên tuyến QL3.

Cụ thể, đoạn từ km75 – km93 (QL3 cũ) giữ nguyên quy mô, cấp đường hiện tại. Đoạn từ km93 - km100 mở rộng đảm bảo quy mô tiêu chuẩn đường cấp III miền núi có châm chước một số yếu tố hình học để tận dụng đường hiện hữu, đảm bảo quy mô nền đường rộng tối thiểu 9m.

Hướng tuyến được giữ nguyên, bề rộng nền đường chỉ sửa chữa và mở rộng sang hai bên hoặc một bên đảm bảo nền đường rộng tối thiểu 9m trong phạm vi từ km93 - km100, bố trí đầy đủ biển báo hướng dẫn giao thông, sơn kẻ vạch đường, hoàn thiện lan can trong phạm vi... tổng giá trị công trình là 140tỷ đồng (trạm thu phí 40 tỷ đồng).

Ngoài tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa đoạn từ km 75 - km100 trên tuyến QL3. Và theo kế hoạch khi trạm thu phí trên tuyến QL3 cũ này đi vào hoạt động thì việc sửa chữa, duy tu con đường này vẫn thuộc về nhà nước chứ doanh nghiệp hoàn toàn không có trách nhiệm. Đó khẳng định của ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới.

Nhận thấy sự phản đối quyết liệt từ phía người dân về việc đặt trạm thu phí trước ngã ba Bờ Đậu là để “tận thu”, ngày 14/3/2017 ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên đã mạnh dạn tham mưu theo hướng xoa dịu dư luận bằng việc: Đề nghị Bộ GTVT bố trí kinh phí sửa chữa QL37 đoạn Bờ Đậu - Đèo Khế để đảm bảo quyền lợi cho các phương tiện...

Ngày 11/5, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên tiếp tục ký văn bản tham mưu trình HĐND và UBND tỉnh Thái Nguyên đề xuất hướng giải quyết vướng mắc theo phương án: “Đề nghị Bộ GTVT bỏ trạm thu phí trên tuyến QL 3 cũ và đề nghị Chính phủ bố trí kinh phí hỗ trợ cho Nhà đầu tư hoặc cho phép Nhà đầu tư triển khai hoàn thiện những hạng mục còn lại của tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và thu phí trên tuyến Hà Nội - Thái Nguyên để hoàn vốn của cả dự án đường Thái Nguyên - Chợ Mới. Phương án trên sẽ giải quyết được triệt để vướng mắc, kiến nghị hiện nay”, văn bản nêu rõ.

Không đồng quan điểm với vị Giám đốc Sở GTVT, nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bức xúc cho rằng: Sản phẩm BOT do Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới tạo ra không có tính cạnh tranh, không được người dân Thái Nguyên và các tỉnh lân cận đón nhận, sẽ là bất hợp lý khi người tiêu dùng bị “cưỡng ép” trả tiền cho cái sản phẩm dịch vụ mình không sử dụng.

Tại văn bản số 3351 ngày 09/9/2016 do ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ký, đồng ý điều chỉnh vị trí đặt trạm thu phí lần 02 tại km78+080 (QL 3 cũ) đều không nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.

Ngô Tiến

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/thai-nguyen-bot---ganh-nang-de-len-vai-nguoi-dan_n24383.html