Thái Nguyên: 100% xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi có trường học kiên cố

Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành mục tiêu 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trường học kiên cố; khởi công xây mới 46 công trình hạ tầng thiết yếu; đào tạo nghề cho trên 2.600 người dân tộc thiểu số...

Ngày 20/12, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân tộc và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023; triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Khu nội trú trường Phổ thông DTNT THCS Đồng Hỷ được đầu tư khang trang. Ảnh: TL

Theo đánh giá, năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã tích cực phối hợp với cấp, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình về công tác dân tộc của tỉnh và tổ chức triển khai đạt kết quả tốt.

Ban đã tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân vùng dân tộc thiểu số; phối hợp tốt với các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách dân tộc...

Đặc biệt, Ban đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về dân tộc khi tham mưu kịp thời với Tỉnh ủy, HĐND tỉnh các chương trình, chính sách.

Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tại huyện Võ Nhai. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Đối với việc thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2023, Thái Nguyên đạt được những kết quả, tích cực: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 99% số xóm thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã được kiên cố hóa; 100% xóm có điện lưới Quốc gia; trên 96% số hộ dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Cũng trong năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã đưa 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trường học kiên cố; 100% xã có trạm y tế, được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho trên 5.800 hộ dân; xây mới 19 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ khoán bảo vệ rừng được hơn 7.760ha, hỗ trợ bảo vệ rừng được hơn 6.900ha; khởi công xây mới 46 công trình hạ tầng thiết yếu; đào tạo nghề cho trên 2.600 người dân tộc thiểu số...

Cây sâm Bố Chính được canh tác thành công tại Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Ảnh: TNP

Năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đề ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể để thực hiện hiệu quả công tác dân tộc; đồng thời triển khai hiệu quả các dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

T.Lâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thai-nguyen-100-xa-vung-dan-toc-thieu-so-mien-nui-co-truong-hoc-kien-co-post277453.html