Thái Lan tổ chức hội nghị doanh nhân Trung Quốc toàn cầu, thu hút vốn cho xe điện

Hội nghị doanh nhân Trung Quốc thế giới (WCEC) khai mạc sáng 24-6 tại Bangkok thể hiện những tín hiệu mới của chính phủ Thái Lan trong chính sách thu hút dòng vốn từ Trung Quốc đại lục và thương nhân gốc Hoa trên toàn cầu.

Hội nghị do Phòng Thương mại Thái Lan – Trung Quốc (TCCC) tổ chức, diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Queen Sirikit ở Bangkok đến ngày 26-6. Dự kiến, khoảng hơn 4.000 doanh nhân Trung Quốc và gốc Hoa từ khắp nơi trên thế giới tham dự.

Một mẫu xe điện Trung Quốc tại Triển lãm xe hơi quốc tế Bangkok vào tháng 3-2023. Xe điện là một trong những lĩnh vực mà Thái Lan ưu tiên thu hút đầu tư. Ảnh: Reuters

Thu hút dòng vốn khổng lồ từ đại lục

“Đây là dịp quy tụ các doanh nhân tầm cỡ thế giới tại Bangkok. Chủ đề chính là thúc đẩy thương mại và đầu tư cho quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi, giúp thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan phục hồi nhanh chóng sau Covid”, Chủ tịch TCCC Narongsak Putthapornmongkol phát biểu.

Ông cho biết ban tổ chức đã mời các nhà tư bản và tập đoàn lớn của Thái Lan tham dự, gồm tỉ phú Dhanin Chearavanont, người giàu nhất nước và là chủ tịch cấp cao của tập đoàn CP Group lớn nhất Thái Lan và tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, người sáng lập và chủ tịch của TCC Group chuyên về nước giải khát và bất động sản. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha dự kiến cũng sẽ tham dự.

Ông Narongsak cũng dự báo WCEC sẽ tạo thêm doanh số 300 – 400 triệu baht cho ngành du lịch Thái Lan khi các đại biểu và gia đình tham quan, mua sắm và giải trí ở các điểm du lịch khắp Thái Lan.

WCEC tổ chức hai năm một lần từ năm 1991, với kỳ gần nhất họp ở London năm 2019 và sau đó là gián đoạn vì Covid-19. Đây là lần thứ hai Thái Lan tổ chức sự kiện này sau lần đầu tiên vào năm 1995.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh các đảng phái chính trị ở Thái Lan chưa đạt được sự đồng thuận ai sẽ là người đứng đầu liên minh cầm quyền và đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Thái Lan gần hai tháng sau kỳ bầu cử ngày 14-5. Đảng Tiến lên (Move Forward) của tỉ phú Pita Limjaroenrat giành được nhiều ghế nhất, nhưng vẫn chưa quy tụ được các đảng khác để lập nội các chính phủ. Tình trạng “chính phủ treo” lúc này đã dấy lên nhiều lo ngại của các doanh nghiệp và nhà đầu tư về quá trình chuyển đổi chính phủ và tính liên tục của chính sách.

Các chủ đề chính dự kiến bao gồm: thúc đẩy hành lang kinh tế phía đông của Thái Lan (EEC), chế độ ưu đãi cho các đặc khu kinh tế và các ưu đãi cho sản xuất xe điện nhằm thu hút hơn nữa các hãng sản xuất xe điện Trung Quốc.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Thái Lan, Trung Quốc được xem là đối tác thương mại số 1 của Thái Lan vào năm ngoái, với thương mại giữa hai nước trị giá 3.690 tỉ baht (106 tỉ đô la), chiếm khoảng 18% tổng giá trị thương mại của Thái Lan.

Thái Lan đã tích cực thu hút vốn đầu tư của nhiều nước, đặc biệt tập trung cho EEC. Tuy nhiên, FDI của Trung Quốc đang có xu hướng tăng lên khi chính phủ đang tập trung phát triển xe điện, thu hút các hãng xe điện đại lục.

Theo Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BoI), năm ngoái, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Thái Lan với tổng trị giá 77,4 tỉ baht, chủ yếu trong lĩnh vực điện tử và xe hơi. Nhật Bản đứng thứ hai với 50,8 tỉ baht, Mỹ bám sát với 50,3 tỉ và Đài Loan 45,2 tỉ.

Tập trung cho mảng xe điện

Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu xe điện chiếm 50% tổng số phương tiện sản xuất trong nước đến năm 2030 và trở thành trung tâm sản xuất xe điện hàng đầu ASEAN. Đến năm 2030 lượng xe điện được lắp ráp ở nước này đạt khoảng 700.000 xe/năm. Mục tiêu lớn nhất là đến năm 2035, toàn bộ xe bán ra thị trường là xe điện.

Năm ngoái, Thái Lan cũng đã thông qua một loạt ưu đãi như giảm thuế và trợ cấp chi phí, dao động trong khoảng từ 70.000 Baht đến 150.000 baht (khoảng 4.300 đô la) tùy mẫu xe, nhằm thúc đẩy tiêu thụ và sản xuất xe điện trong giai đoạn 2022-2023.

Xe điện Trung Quốc đang áp đảo tại trường Thái Lan bởi sự có mặt từ sớm của hãng xe đại lục.

Một trong những hãng Trung Quốc thành công sớm nhất tại Thái Lan là SAIC. Năm 2012, công ty thành lập liên doanh với tập đoàn CP nổi tiếng và thương hiệu MG chính thức gia nhập thị trường này từ năm 2014. Dữ liệu thời điểm đó cho thấy có tới 31.005 mẫu xe MG đã được bán ra, đưa dòng xe vào top 10 thương hiệu xe hơi hàng đầu Thái Lan.

Năm 2020, Great Wall Motor (GWM) tiếp nối thành công của đồng hương khi xây nhà máy đầu tiên với số vốn ban đầu là 12 tỉ baht. Cuối năm 2022, hãng công bố nâng số vốn lên thành 22,6 tỉ baht để “thúc đẩy Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất xe điện của Đông Nam Á”. Các mẫu xe của GWM hiện được ưa chuộng nhất ở Thái Lan trong năm ngoái. Từ năm 2023 này, một số dòng xe của GWM được sản xuất ở Thái Lan.

Chính phủ Thái Lan cũng tích cực mời gọi doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào ngành xe điện Thái Lan.

Hồi tháng 4-2023, BoI đã tổ chức các đoàn đi thăm Quảng Châu, Thượng Hải, Hàng Châu và Thâm Quyến nhằm thu hút doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào ngành xe điện, điện tử và công nghệ số ở Thái Lan.

Tổng Thư ký BoI Narit Therdsteerasukdi nói rằng các quan chức Thái Lan đã gặp gỡ năm hãng xe điện lớn của Trung Quốc gồm Changan Automobile, Geely Global, BYD, JAC Motors and Jiangling Motors. Trong số này, BYD hiện đã đầu tư vào Thái Lan. BYD đang có kế hoạch đầu tư 17,8 tỉ baht để xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện với công suất lên tới 150.000 xe mỗi năm.

Đầu tháng 6 này, Liên đoàn công nghiệp Thái Lan (FTI) đã có cuộc họp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan Han Zhiquiang về các cơ hội đầu tư vào Thái Lan. Chủ tịch FTI Kriengkrai Thiennukul nói sau cuộc họp rằng “sẵn sàng giới thiệu và hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc với 45 câu lạc bộ ngành thuộc liên đoàn, đặc biệt là hậu cần và chuỗi cung ứng để xây dựng các nhà máy xe điện Thái Lan”.

Theo Bangkok Post, Reuters, Nikkei Asia

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thai-lan-to-chuc-hoi-nghi-doanh-nhan-trung-quoc-toan-cau-thu-hut-von-cho-xe-dien/