Thái Lan di chuyển 20 xe tăng tới gần đền cổ tranh chấp

(LĐO) - Mặc dù đã bước sang ngày thứ 2 không có tiếng súng, nhưng sáng nay (9.2), khoảng 20 xe tăng của Thái Lan đã di chuyển tới một doanh trại quân sự ở quận Kantaralak, tỉnh Sri Sa Ket, ngay sát biên giới tranh chấp.

Tuy nhiên, giới chức quân sự Thái khẳng định, họ không tăng cường thêm quân trong khu vực. Trong khi đó cả Thái Lan và Campuchia đang đối mặt với sức ép ngoại giao nhằm chấm dứt bế tắc vũ trang tại khu vực ngôi đền cổ tranh chấp Preah Vihear 900 năm tuổi. Các nhà ngoại giao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ thảo luận vấn đề căng thẳng biên giới Thái Lan - Campuchia vào tuần tới sau khi Mỹ, Trung Quốc và ASEAN ra tuyên bố thúc giục cả hai bên kiềm chế. Các cuộc đàm phán song phương có thể diễn ra tại New York vào thứ hai tuần tới khi Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya có báo cáo ngắn trước Hội đồng Bảo an - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thani Thongpakdi cho biết. Người đồng nhiệm phía Campuchia, Ngoại trưởng Hor Namhong cũng sẽ có mặt ở New York. "Nhiều khả năng hai bên sẽ có cuộc gặp bên lề" - ông Thani nói và bổ sung thêm, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa - nước giữ chức Chủ tịch ASEAN năm nay - cũng tới New York. Tại khu vực biên giới tranh chấp, "tình hình khá yên ả, nhưng những gì xảy ra tiếp sau đây hoàn toàn phụ thuộc vào quân đội Thái" - Chea Dara, phó tư lệnh quân đội Campuchia cho Reuters biết. 3 binh sĩ Campuchia khi trả lời phỏng vấn của Reuters hôm nay cho hay, con số thương vong bên phía Campuchia chắc chắn cao hơn rất nhiều so với con số chính thức được công bố. "Còn nhiều người thiệt mạng và bị thương. Mọi người có thể sẽ sốc khi biết chính xác con số này" - 1 trong 3 binh sĩ giấu tên nói và bổ sung thêm, 1 vị phó chỉ huy bên phía Campuchia cũng đã thiệt mạng sau vụ đụng độ hôm chủ nhật vừa qua vì trúng đạn pháo của quân đội Thái. Thông tin trên tuy nhiên chưa được chính phủ Campuchia xác nhận. Ở khu vực biên giới phía bắc Campuchai, hàng loạt trường học và đền chùa trở thành trung tâm tị nạn tạm thời. Lý do chính xác khơi nguồn cuộc chiến vẫn chưa rõ ràng. Giới phân tích cho rằng, một số vị tướng Thái và những người theo chủ nghĩa dân tộc có thể đang cố gắng lật đổ chính phủ hoặc tạo ra một cái cớ nhằm phát động một cuộc đảo chính khác và hủy bỏ cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức trong năm nay. Trong khi đó, một số khác cho rằng, đó có thể là một sự cố trong các kênh truyền thông tại thời điểm căng thẳng tăng cao khi Campuchia cho treo cờ ở khu vực tranh chấp và đặt một bia đá khắc dòng chữ "Đây là Campuchia". Ngôi đền cổ 900 năm tuổi Preah Vihear hay còn gọi là "Núi của đền linh thiêng" theo tiếng Campuchia và Khao Phra Viharn theo tiếng Thái, nằm trên một cao nguyên hình tam giác giữa biên giới hai nước. Kể từ khi Preah Vihear được công nhận là di sản thế giới vào tháng 7.2008, tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia tái bùng phát mạnh mẽ. Nhiều cuộc giao tranh đẫm máu đã diễn ra tại khu vực ngôi đền tranh chấp này khiến nhiều binh sĩ hai nước thiệt mạng và bị thương. Vân Anh (Theo Reuters)

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/thai-lan-di-chuyen-20-xe-tang-toi-gan-den-co-tranh-chap/31799