Thái Lan: 'Chiến trường' sữa bột

Việt Nam không phải quốc gia duy nhất bàn cãi về cái lợi, cái hại của sữa công thức cho trẻ em và nên kiểm soát loại sản phẩm đặc thù này như thế nào. Từ nhiều thập niên trở lại đây, các tổ chức đoàn thể Thái Lan liên tục kêu gọi chính phủ nước này thắt chặt hoạt động quảng cáo, tiêu thụ sữa bột trẻ em.

Mặc dù đã có trong tay những bằng chứng khoa học cho thấy tác hại của việc thay thế hoàn toàn sữa mẹ bằng sữa bột, Bangkok vẫn chưa thể đưa ra một chính sách đáp ứng được thực tế.

Cuộc chiến

Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thì cứ 3 bà mẹ Thái Lan thì chỉ có 1 người cho con bú. Số trẻ em Thái Lan được bú 100% sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời chỉ chiếm 29%. Cả chính phủ lẫn xã hội Thái Lan đã từ lâu nhận ra rằng họ phải tìm mọi cách để khuyến khích các bà mẹ cho con bú. Vào năm 2017, quốc hội nước này thảo luận luật thắt chặt quảng cáo sữa công thức trẻ em. Các nhà lập pháp tin rằng những quảng cáo sữa bột đang làm méo mó nhận thức của nhiều bà mẹ về tác dụng của sữa đối với con họ.

Các gia đình Thái Lan bị bủa vây bởi quảng cáo sữa bột trẻ em.

Chính sách thì tốt nhưng sau hơn 15 tháng tranh cãi trên nghị trường, cuối cùng đạo luật trên cũng bị “cắt xén” mới được thông qua. Điểm nổi bật của đạo luật lại là lỗ hổng rõ hiển hiện: doanh nghiệp không được quảng cáo “sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh” mà chỉ được nói là “sữa công thức dành cho trẻ em”. Chưa hết, hình phạt dành cho các đơn vị vi phạm cũng bị cắt giảm so với dự thảo luật ban đầu.

Đối với ngành y tế và những hiệp hội bảo vệ trẻ em tại Thái Lan, bộ luật kiểm soát quảng cáo sữa bột chẳng khác gì “gáo nước lạnh” dội lên đầu. Bác sỹ - giáo sư Siriwat Tiptaradol, nguyên cố vấn Bộ trưởng Bộ ý tế Thái Lan và là một trong số những tác giả soạn dự thảo luật, trả lời phỏng vấn trên tờ Thai Rath: “Bộ luật mới yếu cả về mặt kiểm soát lẫn khâu xử lý... Luật còn chưa phân công trách nhiệm rõ ràng rằng tổ chức nào sẽ đứng ra kiểm soát thị trường sữa bột và xử lý các đơn vị vi phạm. Đây quả là một bước lùi trong công cuộc bảo vệ sức khỏe thiếu nhi”.

Điều gì đã khiến chính phủ Thái Lan phải “pha loãng” dự thảo luật do chính họ soạn thảo? Một cuộc điều tra mới đây của hãng tin ProPublica (Mỹ) đã hé lộ rằng trong suốt thời gian bộ luật được quốc hội Thái Lan bàn thảo, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) liên tục gây sức ép lên Bangkok nhằm bảo vệ các tập đoàn thực phẩm Mỹ. Sự kiện đáng chú ý nhất là trong một phiên họp của WTO vào năm 2016, phái đoàn Mỹ đe dọa sẽ kiện chính phủ Thái Lan lên tòa trọng tài quốc tế vì tội cản trở tự do thương mại.

Hiểm họa

Chị Jintana Suksiri là một người mẹ sống tại tỉnh Lopburi, Thái Lan. Chị có hai đứa con trai, một em 10 tuổi và một em 9 tuổi. Chị Jintana bồi hồi kể lại cái ngày con trai út suýt chết ngạt: “Buổi chiều hôm đó cô giáo cháu Gustun (con trai út của chị) gọi cho tôi bảo rằng cháu đang ngủ trưa thì mặt mũi tím tái, thở hổn hển, tay chân không còn chút sức lực nào nên đã đưa cháu đến bệnh viện. Khi tôi đến bệnh viện thì may mắn là cháu đã được các bác sỹ gây hồi tỉnh và cho thở máy. Có xét nghiệm thì tôi mới biết cháu bị béo phì và rối loạn hormone, phổi không có đủ khả năng cung cấp oxy cho cơ thể”.

Giáo sư Somsak Lolekha, Chủ tịch Hiệp hội Bác sỹ nhi Thái Lan, đã tốn nhiều công sức để khiến xã hội nhìn nhận lại sữa bột.

Chồng chị Jintana là bộ đội đồn trú xa nhà, chị phải xoay sở giữa công việc và thiên chức người mẹ. Vì thế mà cả hai đứa con đều được chị Jintana tập uống sữa bột từ tháng thứ 3. Chị mua loại sữa Dumex (do tập đoàn Danone của Pháp sản xuất) sau khi liên tục được nghe các quảng cáo về tác dụng tăng cường trí lực, bảo vệ sức khỏe trẻ em của sản phẩm. Sau một thời gian uống sữa Dumex, cả hai em bé đều có dấu hiệu “nghiện” sữa, liên tục quấy khóc đòi uống sữa. Chị Jintana vì nghĩ rằng sữa tốt nên cứ chiều con. Kết quả là nhóc thứ hai nhà chị lên 3 mà một ngày uống tới 6, 7 bình sữa, mỗi bình 355 ml. Cháu nặng tới 27,2 kg. So với những bạn cùng lứa, cháu Gustan chậm chạp và ít hoạt động hơn rất nhiều.

Sau một phen “hú vía”, chị Jintana quyết định không cho hai con uống sữa công thức nữa. Các cháu bây giờ chỉ uống sữa bò, kết hợp với chế độ ăn ít mỡ và cholesterol. Kết quả là hai đứa con của chị Jintana bây giờ đã trở lại cân nặng đúng với độ tuổi và có thể thoải mái chạy nhảy, vui đùa với bạn bè.

Thái Lan nói riêng và Đông Nam Á nói chung đang là “mỏ vàng” đối với những tập đoàn sữa đa quốc gia. CEO Kasper Jakopsen của “gã khổng lồ” Mead Johnson giải thích trong một cuộc họp cổ đông: “Rất nhiều phụ nữ Đông Nam Á chỉ nghỉ thai sản được từ ba đến sáu tháng. Mặt khác việc họ đi làm trở lại cũng tạo cho gia đình nguồn thu nhập thứ hai và khiến họ sẵn sàng mua những sản phẩm đắt tiền dành cho em bé.” Thái Lan hiện là thị trường lớn thứ năm thế giới của Mead Johnson. Tập đoàn này cũng xác định tầm nhìn kinh doanh rằng thị trường Đông Nam Á sẽ còn quan trọng hơn cả thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu cộng lại”.

Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác là mỏ vàng đối với những hãng sữa bột.

Các hãng sữa sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ lợi nhuận của họ. Mead Johnson từng bị kiện ra tòa án Trung Quốc vào năm 2015 vì hối lộ bác sỹ để họ “giới thiệu” cho bệnh nhân các sản phẩm của Mead Johnson. Tập đoàn này đã phải trả 12 triệu USD tiền phạt. Không lâu sau đó lại đến lượt tập đoàn Danone bị kiện tại Trung Quốc. Nhà chức trách phát hiện rằng công thức sữa Dumex mới được Danone đưa vào sản xuất gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ nội tiết của trẻ. Rất có thể hai đứa con của chị Jintana Suksiri cũng là nạn nhân của việc này.

“Vòi bạch tuộc” của các công ty sữa đang len lỏi vào từng ngõ ngách của ngành y tế Thái Lan. Bác sỹ nhi Sutheera Uerpairojkit, người đã dành nhiều năm hoạt động xã hội nhằm khuyến khích phụ nữ cho con bú, trả lời tờ Thai Rath: “Lần đầu tiên tôi thấy công ty sữa tài trợ cho một đoàn bác sỹ đi du lịch là tầm 20 năm trước. Bây giờ đấy là chuyện thường... Phía hãng sữa hiếm khi trực tiếp đưa tiền cho bác sỹ, nhưng họ không thiếu gì cách khác để trao “hoa hồng” cho bác sỹ”.

Vào tháng 10/2023, Viện hàn lâm nhi khoa Mỹ công bố một nghiên cứu mới về sữa công thức cho trẻ em. Theo báo cáo khoa học của họ thì: “Các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 1 tuổi đang bị quảng cáo sai sự thật. Sữa bột không hề có bất kỳ tác dụng vượt trội nào so với sữa bò trong khi đắt hơn sữa bò... Nhà chức trách nên chấm dứt việc các công ty thực phẩm được tự do quảng cáo rằng sữa công thức là một phần không thể thiếu của thực đơn hằng ngày cho trẻ dưới 1 tuổi”.

Trước khi sữa công thức trở nên phổ biến, các gia đình thường cho con uống sữa bò hay sữa dê để dứt dần sữa mẹ. Các công ty sữa bèn cho thêm các vi chất như DHA (một loại omega-3 chiết xuất từ cá và tảo biển) vào sữa bột. Họ quảng cáo sữa công thức vượt trội hơn hẳn so với sữa mẹ và sữa động vật. Vậy nhưng trên thực tế trẻ sử dụng sữa công thức hoàn toàn không có dấu hiệu gì vượt trội so với trẻ uống sữa mẹ hay sữa bò.

Chị Jintana Suksiri cùng con trai Gustun Aunlamai.

Sữa công thức không những không có tác dụng tích cực mà còn có thể gây ảnh hưởng tiêu tực đến sức khỏe trẻ. Giáo sư Somsak Lolekha, chủ tịch Hiệp hội Bác sỹ nhi Thái Lan và hiệu trưởng trường Đại học Nhi khoa Hoàng gia, cho biết: “Cứ 10 trẻ em Thái dưới 5 tuổi thì có 1 em mắc suy dinh dưỡng đôi, tức là các em thừa cân mà lại thiếu những dưỡng chất căn bản. Sữa công thức là “thủ phạm” trong nhiều trường hợp như vậy. Hàm lượng chất béo và đường trong sữa vượt quá mức trẻ cần hằng ngày và chỉ có một mục đích là “đánh lừa” vị giác của trẻ. Mặt khác sữa bột lại rất thiếu chất xơ, protein, và những dưỡng chất quan trọng khác đối với sự phát triển của trẻ.

Tác dụng tiêu cực của sữa công thức đối với sức khỏe của trẻ em không phải là phát hiện gì mới. Còn nhớ vào năm 1981, WHO ban hành bộ Quy chuẩn quốc tế về sản phẩm thay thế sữa mẹ nhằm thúc đẩy chính phủ các nước thành viên cấm mọi hình thức quảng cáo sữa công thức trẻ em. Đây là kết quả của hơn một thập kỷ các hiệp hội y tế, tổ chức bảo vệ trẻ em vận động hành lang. Tổ chức phi lợi nhuận War on Want (Anh) ước tính tại thời điểm đó có hơn 212.000 trẻ em ở các nước nghèo tử vong vì sử dụng 100% sữa bột thay vì sữa mẹ. Nhiều em trong số đó sống ở các nước Châu Phi.

Mỹ là nước thành viên WHO duy nhất bỏ phiếu chống bộ Quy chuẩn quốc tế về sản phẩm thay thế sữa mẹ.

Không hy vọng

114 quốc gia sau khi ký vào bộ Quy chuẩn quốc tế về sản phẩm thay thế sữa mẹ đã có những chính sách khác nhau nhằm kiểm soát hoạt động quảng cáo sữa công thức trẻ em. Tuy mức độ áp dụng có phần khác nhau, nhưng sau bốn thập kỷ đưa vào thực hiện, ý kiến chung của giới chuyên gia là những chính sách trên đã giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ.

Để đối phó với việc các bà mẹ ngày càng trở nên thông thái hơn, những tập đoàn sữa một mặt chuyển hướng sang thị trường quốc gia đang phát triển, mặt khác tập trung phát triển các loại sữa dành riêng cho trẻ sơ sinh và trẻ trên 3 tuổi. Ông Greg Shewcuck, giám đốc marketing toàn cầu của Mead Johnson, từng phát biểu: “Chiến lược kinh doanh của Mead Johnson là “nắm tóc” trẻ ngay khi mới lọt lòng, rồi sau đó bám lấy trẻ trong từng bước của quá trình trưởng thành”.

Các tập đoàn sữa đã tính toán đúng. Sau nhiều thập kỷ suy giảm, lợi nhuận sữa công thức trẻ em toàn cầu đã tăng đến 25% kể từ năm 2013 đến nay. Mức lợi nhuận này trong năm 2023 là gần 20 nghìn tỷ USD. Số tiền các tập đoàn sữa kiếm ra lại được họ đổ vào việc vận động hành lang và “bôi trơn” giới chính trị và ngành y tế, từ đó tạo ra một vòng tròn liên tục phình ra.

Các bác sỹ và nhà hoạt động vì trẻ em ở Thái Lan đang phải tham gia một cuộc chiến gần như vô vọng. Bác sỹ Siriwat Tiptaradol nói với phóng viên tờ Thai Rath: “Thái Lan đã ký vào bộ Quy chuẩn quốc tế về sản phẩm thay thế sữa mẹ nhưng lại không đưa vào hệ thống luật của mình. Việc những công ty thực phẩm có tuân thủ bộ quy tắc hay không là hoàn toàn tự nguyện. Giới bác sỹ liên tục kêu gọi chính phủ Thái Lan đưa bộ quy tắc thành luật mà không được. Tôi từng một lần tham dự cuộc họp về vấn đề này. Có một vị đại diện công ty sữa nội đứng lên nói rằng: “Nếu như chúng tôi “chơi” theo đúng luật thì không thể cạnh tranh với các công ty khác”. Tôi giận quá nên bỏ ngay ra khỏi phòng họp. Tôi không thể chấp nhận việc đặt lợi nhuận lên trên sức khỏe của trẻ em”.

Lê Công Vũ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/thai-lan-chien-truong-sua-bot-i727931/