Thái Bình: phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ Xuân kịp thời, hiệu quả

Thời điểm hiện nay nông dân ở các địa phương đã chăm sóc lúa và cây màu vụ Xuân theo đúng tiến độ nên đang phát triển tốt. Một số diện tích lúa cấy sớm đã bước vào giai đoạn phân bón đòng và đang rộ đẻ nhánh.

Người dân phun truốc trừ sâu bệnh

Hiện nay trên đồng ruộng vẫn còn một số diện tích lúa Xuân cấy muộn và chăm sóc chưa kịp thời nên cây sinh trưởng chậm, đặc biệt đối với một số diện tích lúa gieo xạ vẫn chưa được tỉa dặm. Từ đầu vụ đến nay với độ ẩm không khí cao nên nguy cơ bệnh đạo ôn hại lá phát sinh và gây hại trên trà lúa cuối đẻ nhánh rất cao.

Bệnh đạo ôn ở lá

Đảm bảo cho vụ lúa Xuân sinh trưởng phát triển tốt và trỗ bông tập trung sau ngày lập hạ (5/5 dương lịch), cần phải hạn chế thấp nhất mức độ phát sinh và gây hại của bệnh đạo ôn hại lá. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, HTX, dịch vụ nông nghiệp,….. hướng dẫn cho nông dân những diện tích lúa chưa được chăm sóc, đặc biệt đối với những diện tích lúa cấy muộn, sinh trưởng phát triển chậm, tạo điều kiện tối đa cho lúa đẻ nhánh sớm nhất và thuận lợi.

Bệnh khô vằn ở lúa

Các cơ quan chuyên môn và các địa phương phải thường xuyên kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển của lúa, tình hình dịch hại trên đồng ruộng để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, lưu ý bệnh đạo ôn gây hại trên giống nhiễm và rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ hại cục bộ ở giai đoạn cuối tháng 3 đầu tháng 4. Đối với diện tích lúa đã đẻ kín đất, lúa bước vào giai đoạn phân hóa đòng tuyên truyền khuyến cáo nông dân bón từ 2-3 kg kali Clorua/sào để giúp cây tăng sức chống chịu và quá trình phân hóa mầm hoa, góp phần tăng năng suất lúa.

Khu vực ruộng chua phèn, đất kìm hãm xấu, lúa có biểu hiện vàng lá cần thay nước, sau đó bón thêm phân hữu cơ hoai mục hoặc các loại phân vi sinh chuyên dùng, kết hợp sục bùn để tạo độ thông thoáng giúp bộ rễ phát triển tốt. Nếu ruộng nhiều rong rêu nhớt bón bổ sung vôi bột với lượng từ 10 - 15kg/sào; ruộng bị nhiễm mặn, bị ngộ độc phải thay nước trên ruộng sau đó cho nước mới vào và duy trì mực nước trên ruộng từ 2 - 3cm kết hợp phun bổ sung một số chế phẩm hỗ trợ sinh trưởng như: PennaP, ET, siêu lân... nhằm kích thích cho bộ rễ lúa phát triển.

Người dân phun thuốc trừ sâu bệnh

Theo tìm hiểu tại huyện Vũ Thư, diện tích lúa xuân đang bị nhiễm sâu, bệnh nặng, nhất là sâu cuốn lá có mật độ rất cao. Qua điều tra thực tế của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Vũ Thư, mật độ sâu và trứng sâu cuốn lá nhỏ cao điểm 1, lứa 6 lên đến 100 - 150 con, quả trứng/m2, gấp 5 - 7 lần ngưỡng phải phòng trừ (20 con/m2). Nơi cao lên đến 200 - 300 con, quả trứng/m2, gấp 10 - 15 lần ngưỡng phòng trừ. Ngoài ra, bệnh khô vằn đang phát triển mạnh, có diện tích 100% số cây lúa xuất hiện vết bệnh. Về phía Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Vũ Thư đã cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương phòng trừ sâu, bệnh hiệu quả.

Ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN & PTNT) cho biết: Việc phòng trừ sâu, bệnh hiện nay phụ thuộc rất lớn vào quá trình triển khai, thực hiện của các địa phương và người dân. Trong đó, các biện pháp phun trừ cần được tuân thủ chặt chẽ, 100% diện tích đến ngưỡng phải được phun trừ. Chi cục đang tiếp tục điều tra, đánh giá để hướng dẫn phòng trừ sâu, bệnh giai đoạn tiếp theo của mùa vụ sát với thực tế, bảo đảm hiệu quả cao nhất có thể.

Đồng thời, công tác tuyên truyền về sâu, bệnh, biện pháp phòng trừ đến người dân được chú trọng bằng nhiều hình thức, nhất là trên hệ thống truyền thanh từ huyện xuống cơ sở. 100% diện tích lúa mùa của huyện Vũ Thư được phun trừ sâu cuốn lá nhỏ, kết hợp với một số loại sâu, bệnh khác. Ngoài ra, vẫn còn tư tưởng chủ quan của một bộ phận người dân trong việc phòng trừ sâu, bệnh cho lúa mùa, không sát sao và theo đúng hướng dẫn.

Ánh Tuyết

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thai-binh-phong-tru-sau-benh-hai-cay-trong-vu-xuan-kip-thoi-hieu-qua.html