Thái Bình lấy mẫu đất, nước khu vực canh tác 162ha lúa phát triển kém, tỷ lệ hạt lép cao

Để xác định chính xác nguyên nhân một số diện tích lúa xuân ở Thái Bình héo úa, trổ bông thấp và không trổ bông nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình đã lấy các mẫu đất, nước để đánh giá mức độ ô nhiễm chua mặn tại khu vực canh tác.

Nhiều diện tích lúa xuân không trổ bông tại xã An Tân và Hồng Dũng (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). (Ảnh người dân cung cấp)

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Tân (huyện Thái Thụy), cho biết: Địa phương đang đề nghị cấp có thẩm quyền chuyên môn đánh giá nguyên nhân lúa kém phát triển có phải do nước mặn xâm nhập vào đồng hay không.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã về lấy mẫu đất, nước ở các vị trí của 5 thôn. Trong thời gian tới, chính quyền mong cơ quan chức năng sớm có kết quả, để chỉ đạo bà con nông dân tiếp tục sản xuất vụ mùa bảo đảm diện tích cấy lúa của địa phương.

Còn theo Ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy, qua kiểm tra thực tế đồng ruộng tại 2 địa phương (Hợp tác xã Thụy Tân và Thụy Dũng) cho thấy tổng diện tích lúa xuân bị ảnh hưởng do thẩm thấu, bốc chua mặn ước khoảng 162ha (Thụy Tân 135ha, Thụy Dũng 27ha).

Dự kiến, Thụy Tân có khoảng 15% diện tích (lúa lai) bị ảnh hưởng giảm dưới 30% năng suất; 35% bị ảnh hưởng giảm từ 30 đến dưới 70% năng suất và 50% diện tích khả năng không cho thu hoạch.

Tại Thụy Dũng, ước có 18% diện tích không cho thu hoạch, còn lại là giảm từ 30 đến dưới 70% năng suất.

Chính quyền xã An Tân cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình đã về lấy mẫu đất, mẫu nước tại 5 thôn để xác định mức độ ô nhiễm chua mặn. (Ảnh người dân cung cấp).

Làm việc với phóng viên Báo Nhân Dân, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cũng như Ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy đều khẳng định hiện tượng nêu trên không phải là do quá trình tháo nước đổ ải đầu vụ làm nước mặn tràn vào đồng mà đây là tình trạng thẩm thấu, bốc chua mặn do thời tiết hanh khô, ít mưa dẫn đến tái mặn bởi nguồn gốc đất canh tác tại đây đều là chua mặn và đã được cải tạo để sản xuất trong những năm qua.

Tuy nhiên, để xác định rõ nguyên nhân lúa kém phát triển, tỷ lệ hạt lép cao, thậm chí một số diện tích không cho thu hoạch, phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tổ chức kiểm tra, lấy mẫu đất để đánh giá mức độ ô nhiễm đất ở hai hợp tác xã Thụy Tân, Thụy Dũng thuộc xã An Tân và Hồng Dũng (huyện Thái Thụy).

Qua sự việc này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy tăng cường hơn nữa việc phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình, Xí nghiệp khai thác Công trình thủy lợi huyện Thái Thụy trong việc kiểm soát quá trình lấy nước, điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thai-binh-lay-mau-dat-nuoc-khu-vuc-canh-tac-162ha-lua-phat-trien-kem-ty-le-hat-lep-cao-post757366.html